.

Xây dựng và phát triển giai cấp công nhân hiện nay

.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa X đã xác định mục tiêu chiến lược xây dựng giai cấp công nhân đến năm 2020 là: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết, hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; ngày càng được tri thức hóa, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỷ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức; có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao”.

Hoạt động văn nghệ của người lao động ở Công ty Môi trường đô thị Đà nẵng.

Để đạt được mục tiêu trên và giai cấp công nhân lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, theo chúng tôi trong những năm tới chúng ta nên đẩy mạnh thực hiện một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất là nâng cao ý thức giác ngộ và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ công nhân. Muốn vậy, phải phát huy hơn nữa sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) trong các doanh nghiệp, nhất là vai trò tổ Công đoàn. Tiếp tục tăng cường thành lập các tổ chức Công đoàn trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển đoàn viên mới; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn cho phù hợp và có ý nghĩa thiết thực đối với người lao động. Đặc biệt tăng cường phát triển đảng viên trong đội ngũ công nhân, lao động (CNLĐ). Thông qua các hoạt động đó nhằm giáo dục cho đội ngũ CNLĐ lòng yêu nước, truyền thống cách mạng; xây dựng ý thức giai cấp, tinh thần lao động tập thể, tinh thần vì cộng đồng và xã hội; định hướng lý tưởng sống đúng đắn cho họ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, đổi mới cơ cấu, nội dung, phương thức đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ CNLĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới. Để đáp ứng yêu cầu này, cần tạo bức đột phá trong đào tạo nghề cả về số lượng lẫn chất lượng; phát triển, mở rộng hệ thống đào tạo nghề nhằm tạo ra một đội ngũ CNLĐ đông đảo, có khả năng thích ứng với công nghệ mới, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, đào tạo nghề cũng cần gắn với nhu cầu sử dụng. Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò dự báo cung-cầu, xu thế phát triển lao động, nhu cầu các ngành nghề kinh tế, khu vực doanh nghiệp. Trên cơ sở đó tạo ra chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả.

Thứ ba, thực hiện an toàn lao động và bảo đảm môi trường làm việc cho công nhân. Vấn đề này phải có sự thống nhất, quán triệt sâu sắc giữa doanh nghiệp, Nhà nước và công nhân. Về phía doanh nghiệp, bảo đảm môi trường làm việc, quan tâm xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên chuyên nghiệp, thiết lập nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc thiết bị.

Đây phải là công việc thường trực mọi lúc, mọi nơi trong quá trình sản xuất. Về phía Nhà nước, cần thường xuyên kiểm tra, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chế an toàn lao động, các doanh nghiệp không bảo đảm an toàn lao động thì không cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động; xử lý kịp thời đúng pháp luật những trường hợp vi phạm vệ sinh, an toàn lao động. Về phía công nhân, phải làm đúng quy trình, biết tự bảo vệ bản thân, nâng cao tinh thần tự giác để luôn bảo đảm tốt môi trường làm việc.

Thứ tư, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đội ngũ CNLĐ. Để thực hiện tốt yêu cầu này, cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật lao động Việt Nam; có chế tài mạnh và kiên quyết xử lý kịp thời đối với những doanh nghiệp vi phạm.  Các tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo lợi ích chính đáng, thực hiện các chính sách xã hội cho CNLĐ để họ yên tâm sản xuất. Về phía doanh nghiệp, có chính sách lương, thưởng, phụ cấp thỏa đáng, bảo đảm giờ công đúng quy định của pháp luật lao động, quan tâm giúp CNLĐ ổn định cuộc sống, khắc phục tình trạng người lao động bỏ việc làm.

Thứ năm, Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa và tăng cường các hoạt động văn hóa ở địa bàn tập trung công nhân, nhất là các KCN, KCX. Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh… ở các KCN, KCX; tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho đội ngũ CNLĐ ở các khu dân cư công nghiệp, có cơ chế, chính sách, dự án cụ thể để giải quyết nhà ở cho CNLĐ (đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp). Có như vậy, đội ngũ CNLĐ mới có điều kiện phát triển đời sống tinh thần, hoàn thiện nhân cách, định hướng thói quen, nếp sống, lối sống công nghiệp, từ đó tạo thành động lực to lớn trong quá trình sản xuất.

LÊ PHỤC

;
.
.
.
.
.