.

Bác Hồ với thanh niên

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề con người vừa là xuất phát điểm vừa là mục đích cuối cùng, vừa là động lực vừa là đối tượng phục vụ của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn trong nguồn nhân lực đó, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Tuy nhiên, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên thanh niên cần được giúp đỡ, chăm lo của toàn xã hội và Người cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho họ.

Bác Hồ luôn xem thanh niên là lực lượng nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp cách mạng. Người thấy rõ sức mạnh của thanh niên: trẻ, khỏe, cởi mở, năng động, nhạy bén, trong sáng, cao thượng, dũng cảm, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Thanh niên là lực lượng cơ bản, nòng cốt trong quân đội, công an, dân quân, tự vệ... Từ chỗ hiểu, Hồ Chí Minh có niềm tin tưởng sâu sắc vào khả năng cách mạng của thanh niên.

Người coi thanh niên là “lực lượng châm ngòi”, là “người tiếp sức”, là “lực lượng dự bị chiến đấu” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì vậy, “Muốn vận động nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc thì trước hết cần phải giác ngộ thanh niên” và “muốn hồi sinh dân tộc, trước hết phải hồi sinh thanh niên”.

Trong tác phẩm “Gửi thanh niên Việt Nam”, Người cảnh báo: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh”. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Bác Hồ đã chú ý ngay đến lực lượng thanh niên. Tổ chức cách mạng đầu tiên Người thành lập, đó là tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” (1925); tờ báo đầu tiên ra đời ở trong nước là “Báo Thanh niên” (1925) để tổ chức, tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục rèn luyện thanh niên.

Không chỉ huy động lực lượng, Hồ Chí Minh còn xác định rất rõ vị trí của thanh niên trong xã hội mới với tư cách là chủ nhân tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên.

Cùng với xác định rõ vị thế, vai trò của thanh niên, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cho cái tương lai đó”. Và để tích cực, chủ động chuẩn bị cho công việc ấy, Người rất chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người lưu ý, giáo dục thanh niên thì phải “liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh xã hội”, phải giáo dục mục tiêu lý tưởng cách mạng cho thanh niên, giáo dục đạo đức cách mạng được coi là nội dung cốt lõi để có được thế hệ thanh niên mới “vừa hồng vừa chuyên”.
 
Bằng tình cảm của vị cha già dân tộc, Người đã tiếp thêm nghị lực cho thanh niên trong rèn luyện và thử thách: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Nhờ sự chỉ đạo cụ thể, đúng đắn đầy trách nhiệm đó, Người đã “đào tạo được một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau hiện nay vẫn còn “một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng... Tình trạng tội phạm xã hội trong thanh niên gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp...” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X). Vì vậy, “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH” là yêu cầu cấp thiết.
 
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 7, khóa X của Đảng đã xác định đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy và bồi dưỡng con người; coi công tác xây dựng Đoàn là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng - là xây dựng Đảng đi trước một bước, từ đó tạo vị thế vững chắc của tổ chức Đoàn và cán bộ Đoàn.

Đặc biệt, Hội nghị cũng nhấn mạnh một nội dung quan trọng được coi là một trong những giải pháp quan trọng là tạo bước đột phá trong sử dụng cán bộ trẻ để lựa chọn lãnh đạo cho tương lai. Tất cả những chủ trương trên đều phải được thể chế hóa  bằng pháp luật, chính sách, chương trình hành động cụ thể của các ngành, các cấp, từng địa phương, cơ sở.

Từ Nghị quyết Trung ương 7 này, một động lực mới cho phong trào thanh niên và công tác thanh niên chắc chắn sẽ được khơi dậy và phát huy, những hạn chế nêu trên của thanh niên sẽ sớm được khắc phục, thanh niên sẽ là lực lượng kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ CNH, HĐH như Bác Hồ từng mong đợi.

NGUYỄN THỊ TÂM

;
.
.
.
.
.