.

Bác Tôn và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

.

Hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, Bác Tôn Đức Thắng luôn quan tâm và chăm lo việc tăng cường mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác Tôn trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc rất sâu đậm bởi đức độ và uy tín của Bác.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976).   (Ảnh tư liệu)
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trong đó có 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước. Năm 1946, Bác Tôn được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (tức Liên Việt) - một tổ chức nhằm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước. Thực hiện khẩu hiệu “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”, Bác Tôn đã không quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện lãnh đạo các đảng phái, chức sắc các tôn giáo nhằm làm cho mọi người nhận thức rõ thời cuộc, chính sách của Chính phủ kháng chiến và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống thực dân xâm lược. Bác thường nhắc nhở các thành viên trong Hội Liên Việt tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đời sống mới, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo trợ người già yếu, tàn tật, phụ nữ và trẻ em; phát triển nền văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Đông và phương Tây. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội, Bác đã có những đóng góp quan trọng vào việc xác định vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Đọc diễn văn bế mạc Đại hội, Bác Tôn nhấn mạnh: “Chính sách Mặt trận của chúng ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa giai cấp phải được điều giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo, vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất và là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bác Tôn được phân công chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (2-1951). Đại hội thành công tốt đẹp. Việt Minh và Liên Việt thống nhất thành một Mặt trận chung mang tên Mặt trận Liên Việt và Bác Hồ được cử làm Chủ tịch danh dự, Bác Tôn được cử làm Chủ tịch. Thành công của Đại hội là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta về chính trị. Tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã khai mạc tại Hà Nội và quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội này, Bác Tôn được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong diễn văn đọc tại đại hội, Bác đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Bác kêu gọi đồng bào cả nước: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối”. Bác đã động viên cả nước ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

Do những công lao to lớn của Bác Tôn đối với cách mạng và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tháng 8 năm 1958 nhân dịp tròn 70 tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương cho Bác Tôn và phát biểu: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là Huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”. Với cương vị là người lãnh đạo của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, Công đoàn và Mặt trận, Bác Tôn cùng với Bác Hồ là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc, Nam. Nét nổi bật ở Bác Tôn mà mọi người dễ nhận thấy là đức tính khiêm nhường, lối sống giản dị, lòng bao dung và tài cảm hóa mọi người.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác Tôn (20-8) giữa lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về dân tộc, tôn giáo, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các đoàn thể nhân dân, những người công nhân lao động chúng ta càng tự hào về người Chủ tịch Mặt trận kính mến của mình, càng phải ra sức rèn luyện, học tập đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” của Người; càng phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới phải hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Hãy phấn đấu hết sức mình để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng nở hoa, kết trái.

S.T (Theo mattran.org.vn)

;
.
.
.
.
.