.

Bước ra bóng tối

.

Dù đang ở giữa cuộc sống với cộng đồng, nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử quá lớn của xã hội đã đẩy những người nhiễm HIV/AIDS vào trong bóng tối để giấu mình. Thế nhưng vẫn có những người đã dám bước ra khỏi bóng tối ấy để mạnh dạn nói với mọi người rằng: “Tôi là người nhiễm HIV!”. Trong số hiếm hoi đó, có ông Trần Văn Thông ở tổ 12, phường Nam Dương, quận Hải Châu.

“Tôi là người nhiễm HIV”

Những người nhiễm HIV như ông Trần Văn Thông (trái) luôn mong muốn nhận được sự sẻ chia của cộng đồng.

Ông vẫn nhớ như in cái buổi sáng mưa lâm râm vào một ngày cuối năm 2007. Đã hứa trước với bác sĩ Phùng Lai Cường, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu cũng như anh em là sẽ ra nói chuyện về HIV/AIDS ngay sân trụ sở phường mình, mà sao ông vẫn thấy run. Sợ quá, tắt máy điện thoại, trốn ra quán cà-phê ngồi một mình.
 
Cà-phê nóng vô ruột rồi mà bụng vẫn còn run. Không phải vì cái lạnh bất thường hơn mùa đông mọi năm, mà là ông đang sắp phải đối diện với những người dân, những cán bộ trong phường Nam Dương, ngay sát cạnh nhà ông. Gần 15 năm trời, họ biết ông Thông sống ở đó, biết ông làm gì, nhưng nào có ai biết ông là người nhiễm HIV. Kinh khủng quá! “Mình nói ra thì không biết mai đây có còn ở đó được nữa hay không?” - Ông lo rối rắm trong lòng. Thằng con trai không biết ông “trốn nợ”, chỉ mọi người ra quán.

Mấy cán bộ y tế tỉ tê một chặp, ông xiêu lòng đi vô. “Một chân bước tới nhưng một chân thì muốn rị lại, muốn khuỵu xuống luôn. Thôi đến nước này thì cứ cắm mặt đi!” - Ông nhớ lại cái giây phút bước lên bục sân khấu trước ánh mắt của hàng trăm con người, vẫn luôn thân thuộc với ông hằng ngày. Càng thân thuộc ông lại càng lo sợ. Ông lắp bắp mở miệng thả ra từng chữ của câu đầu tiên “Tôi là người nhiễm HIV!”.

Chao ơi, cái câu đơn giản có bấy nhiêu từ đó thôi mà ông đã vắt tay lên trán suy nghĩ, đắn đo hàng mấy đêm liền. Giống như người bước lên con thuyền độc mộc mà ra biển lớn giữa ngày giông gió. Bước lên rồi thì không biết mình trôi dạt đi mô? Cắn răng mà đi. Nhưng “thả” ra được mấy từ đó, nhìn xuống dưới, thấy những ánh mắt động viên, khích lệ của cán bộ y tế, cán bộ phường, của người dân… ông thở phào nhẹ nhõm như bắt được phao. Cái bài đã soạn sẵn, lâu nay vẫn đi tuyên truyền ở các phường, các trường đại học… cứ thế mà tuôn ra. Tuôn ra được thì nhẹ cả lòng.

“Đời tui không thiếu những khúc quanh trắc trở. Cũng đã có những quyết định táo bạo lắm nhưng chưa khi mô thấy trăn trở nhiều như lúc ấy! Nhưng tui nghĩ, lâu nay người ta cứ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhiều quá, rồi làm lây cái kỳ thị ấy qua luôn cả cho người nhiễm. Có ai nhiễm HIV mà dám nói là tui bị nhiễm mô? Có họa khùng! Nhưng nếu mình không vượt qua được cái tự kỳ thị, phân biệt đối xử đó thì ai giúp mình sống đây. Thế là liều thôi. Mà liều như thế lại hay. Bây chừ tui không lo trốn nữa!” - Ông cười thoải mái khi nhớ lại chuyện hôm đó.

Thoải mái như sau những dằn vặt, ông bước qua quá khứ đớn đau để làm lại cuộc đời. Đó là cái đận khi thành phố mới vừa chia tách để trực thuộc Trung ương, ông và vợ bị bắt vì tội buôn bán ma túy. Thực ra, lúc đó trong người ông chỉ tàng trữ ma túy để xài, nhưng biết mình bị nhiễm HIV từ trước, nên ông nhận luôn cái án 15 năm tù để “chia lửa” cho vợ.

Ăn cơm tù vừa đúng 8 năm 1 tháng, với những cố gắng của mình, ông được tha trước thời hạn 7 năm nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong tù, ông cai luôn ma túy để khi trở về cộng đồng, ông còn sức đi làm đủ thứ nghề lo nuôi mấy đứa con. Dân trong phường, trong tổ chỉ thấy ông Thông cần mẫn đi sớm về khuya, mình lấm lem sơn vôi, xi-măng, hồ dầu, bụi đất… chớ ai biết trong người ông, HIV đã “thường trú” 13 năm ròng.

Thế rồi, các cán bộ  y tế địa phương đã tiếp cận với ông, trong đó có người bạn “đồng niên” là bác sĩ Phùng Lai Cường. Tỉ tê, rủ rê mãi, ông “xiêu lòng” đến tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Nhân Ái của Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu, rồi Câu lạc bộ Niềm Tin của Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố… Ban đầu thì cũng núp núp, anh em đồng cảnh ngộ sinh hoạt với nhau, trao đổi những kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV. Đến khi mạnh dạn hơn một chút, anh em động viên nhau cùng tham gia “đăng đàn” trong các cuộc nói chuyện về HIV/AIDS.
 
Mấy bữa đầu cũng chỉ tham gia trong nội bộ, nhưng sau được sự động viên, thì mới dám “bước ra bóng tối” mà nói với mọi người rằng “Tôi là người nhiễm HIV!”. “Cứ nghĩ, khi biết mình là người nhiễm HIV, người nghe sẽ sợ mà xa lánh. Nhưng sự tự kỳ thị đó đã làm chúng tôi lầm. Nhớ bữa nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, biết mình bị nhiễm, họ đến bắt tay để cùng chia sẻ rồi trò chuyện thân mật lắm, không có sự dè dặt, ngăn cách nào cả. Cái cảm giác ban đầu đó đã làm cho chúng tôi mạnh dạn hơn khi đi tuyên truyền, dám nói thẳng sự thật mình là người nhiễm HIV” - Người tuyên truyền viên nòng cốt của các câu lạc bộ, của dự án NAV (Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam) trong tôn giáo… tâm sự như vậy.

Bàn tay nắm lấy bàn tay…

Để “bước ra bóng tối”, vượt qua cái sự tự kỷ ám thị về căn bệnh thế kỷ ấy, 13 năm qua, ông Trần Văn Thông luôn phải dằn vặt, trăn trở rất nhiều trước những kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Vẫn còn nguyên vẹn trong ông cái cảm giác trống vắng, cô đơn đến lạnh lùng của những đám tang người bị nhiễm HIV. Như cái chết mới đây của một thanh niên ở quận Hải Châu. Bị bệnh viêm tắc tĩnh mạch, chữa không khỏi, trong cơn cùng quẫn, anh đã phải dùng đến ma túy để thoát những cơn đau đến quặn thắt ruột gan. Việc dùng chung kim tiêm không đúng cách với những người nghiện ma túy khác đã làm cho anh nhiễm HIV; rồi căn bệnh phát triển cùng với tâm lý chán nản, thiếu tự tin… đã đẩy anh đi nhanh vào giai đoạn AIDS. Là con của một gia đình thuộc hàng khá giả, nhưng anh bị đẩy vào góc tối trong một căn phòng cách biệt trên gác.

Ngày ngày, anh tự nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh cá nhân... Trong bóng tối ấy, một ngày mới đây, anh đã ra đi trong cô đơn, quạnh quẽ. “Khi chúng tôi biết tin và đến để làm các thủ tục khâm liệm, thì căn phòng bốc lên mùi xú uế nồng nặc từ cơ thể lấm đầy phân, nước tiểu của anh ấy. Trong góc vẫn còn thùng gạo đã lưng và một bếp gas mi-ni lạnh lửa từ lâu rồi. Chắc anh ấy phải trải qua những giờ phút đau đớn cùng cực cả về thể xác và tinh thần trước lúc ra đi, vì không có người thân nào dám đến bên cạnh, nói một lời an ủi vỗ về.

Chúng tôi phải làm thủ tục khâm liệm, dọn rửa căn phòng ấy gần cả ngày trời!” - Ông Trần Văn Thông nhớ lại. Trên đôi mắt nhăn nheo, từng trải của ông thấm đẫm nét buồn. Buồn cho những cái nhìn nghiệt ngã của cuộc sống dành cho những người bị nhiễm HIV. Ông tâm sự: Lâu nay mọi người cứ nghĩ là HIV/AIDS luôn gắn với tệ nạn xã hội. Những hình ảnh tuyên truyền cũng đầy ghê rợn với đầu lâu xương chéo, với các loại tệ nạn… nên làm cho người dân càng thêm ghê sợ, xa lánh với người nhiễm HIV cũng như căn bệnh AIDS.

Cũng chính vì cái nếp nghĩ từ đầu ấy ngày càng ăn sâu  vào trong nhận thức của cộng đồng, xã hội, đã vô tình đẩy những người nhiễm HIV vào trong bóng tối. Không ít người nhiễm HIV, vì sự kỳ thị của xã hội cũng như chính người thân trong gia đình mà thiếu sự chăm sóc, không dùng thuốc chữa trị ARV hoặc sử dụng không đúng phác đồ… nên đã nhanh chóng chia tay cõi đời. Việc phát hiện người nhiễm HIV vì thế cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bác sĩ Phùng Lai Cường cho hay, cơ quan chức năng không bao giờ có được một con số chính xác về người nhiễm HIV trên địa bàn quản lý. Rất nhiều người giấu tên tuổi, địa chỉ thật của mình khi khai báo để được can thiệp, chăm sóc. Còn trong cộng đồng, không ít trường hợp “cắn răng chịu chết” vì chỉ sợ khi cho mọi người biết mình nhiễm HIV thì họ và cả người thân sẽ không có cơ hội được sống một cách bình thường.
 
Chính vì thế, số người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố đến nay đã lên đến 1 nghìn trường hợp; trong đó số bệnh nhân AIDS là 404 người, số ca tử vong do AIDS là 276 người; nhưng số người dám công bố trước cộng đồng xã hội “Tôi là người nhiễm HIV!” như ông Trần Văn Thông chỉ là con số đếm được trên đầu ngón tay. Từ con số đó, đủ cho thấy sự “tàn phá” về tư tưởng, nhận  thức của căn bệnh này trong cộng đồng lớn đến như thế nào.

“Khi người ta dám công bố như vậy, là họ đã vượt ra khỏi sự kỳ thị, phân biệt đối xử không chỉ của cộng đồng mà là ngay cả bản thân mình. Những trường hợp như thế sẽ tạo nên một sự cộng tác tốt với xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng trong việc theo dõi, quản lý, chăm sóc người bệnh một cách đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Nếu được chăm sóc đầy đủ, người nhiễm HIV sẽ kéo dài tuổi thọ và làm được thêm nhiều việc có ích, không còn là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội và cả bản thân mình” - Gần 10 năm gắn bó với việc chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Phùng Lai Cường nhấn mạnh.

Từ nhận thức đó, theo bác sĩ Cường, thời gian gần đây đã có nhiều hoạt động tích cực hướng xã hội đến nhận thức rằng AIDS chỉ là một căn bệnh và những người nhiễm HIV phải được đối xử, chăm sóc như những người bị bệnh thông thường. Những kiến thức cần có để mọi người hiểu đúng về căn bệnh này luôn là điều cần thiết để điều chỉnh nhận thức, thay đổi hành vi của mọi người trong cộng đồng. Chính vì thế, nhiều dự án, chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai thời gian gần đây đã góp phần tạo nên cái nhìn “thân thiện” về AIDS cũng như người nhiễm HIV.

Những câu lạc bộ Nhân Ái, Niềm Tin… trên địa bàn thành phố ra đời trong thời gian qua là từ những nỗ lực không ngừng nghỉ đó. Rồi mới đây, những thành viên cốt cán của Câu lạc bộ Nhân Ái đã góp sức xây một “ngôi nhà mới” là Câu lạc bộ Hương Trầm trong tín đồ Phật giáo… Ở đó, tinh thần “Từ bi bác ái” được nhân lên gấp bội phần khi các bậc chân tu “tiếp sức” cho những người nhiễm HIV tự tin hơn trong cuộc sống và cả khi về cõi vĩnh hằng. Những câu chuyện xúc động trước hình ảnh các ni cô, sư thầy ở các chùa đến khâm liệm, tụng kinh cho những linh hồn người nhiễm HIV/AIDS siêu thoát, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng… luôn được những người nhiễm HIV cũng như cán bộ y tế truyền tai nhau.

Mà theo một người đã “sống chung” với HIV/AIDS hơn 10 năm trời như ông Trần Văn Thông, đó là cái nắm tay rất dịu dàng và nồng ấm để những người không may mắc căn bệnh hiểm nghèo kia thấy như có ngọn lửa nhỏ vừa nhen nhóm trong lòng. Còn với bác sĩ Cường, thì cái bắt tay với người nhiễm HIV, kể cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, là một “cuộc cách mạng” cho cả hai bên…

Cuộc cách mạng nào cũng phải trải qua những gian truân. Nụ cười thoải mái và tự tin của ông Trần Văn Thông khi ngồi trò chuyện cùng mọi người, trong căn nhà nhỏ bé mới vừa sửa sang lại từ số tiền đóng góp của chính quyền và xã hội, như một tia nắng vừa thoát ra khỏi đám mây mù, bỗng trở nên lung linh và rạng rỡ…Với ông, sau cái bước chân lên bục tuyên truyền gần một năm trước, dường như có một cuộc tái sinh… 

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.