.
CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH XÃ, PHƯỜNG:

Lương 1, việc 10

.

Cả ngàn cán bộ, không chuyên trách đang làm việc tại các xã, phường đã giúp cho bộ máy hành chính hoạt động suôn sẻ. Nhưng nhìn lại bảng phụ cấp công việc của họ, không khỏi giật mình bởi trong khi thời giá đang là vấn đề “đau đầu” của nhiều người có thu nhập khá, thì họ chỉ nhận được một mức thu nhập gọi là...

Đồng lương còm giữa núi công việc

Và đôi khi một công việc nhưng cần nhiều người để giải quyết thủ tục cho người dân được nhanh chóng.

Chị Trần Thị Hạ, cán bộ (CB) không chuyên trách mảng Dân số-Gia đình-Trẻ em xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang kể sơ sơ những công việc hằng ngày: Đến từng thôn liên hệ với cộng tác viên dân số nói về công tác truyền thông, nắm số trẻ mới sinh, đi vận động các gia đình áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, thậm chí nhiều lần về cơ sở... giữ con cho một vài chị em để họ đến dự buổi truyền thông dân số...; Nắm số lượng trẻ mồ côi, khuyết tật, nạn nhân chất độc dioxin, khảo sát số trẻ sống trong gia đình có nhà tạm...; Vận động các gia đình xây dựng nếp sống văn hóa... Ở cấp quận, huyện trở lên, Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em đã được chia về 3 cơ quan quản lý khác nhau, riêng cấp xã vẫn giữ nguyên, nên những người phụ trách phải tham gia họp hành nhiều hơn, hằng tháng, hằng quý làm báo cáo cũng phải gửi 3 nơi khác nhau.
 
Đó là chưa kể những lần cấp trên triệu tập gấp, thông báo nội dung công việc đột xuất, yêu cầu cơ sở triển khai... Như mới đây Tổ chức Trẻ em Việt Nam hỗ trợ sữa cho trẻ em một số vùng nông thôn, trong tay Hạ đã có danh sách 1.200 trẻ dưới 5 tuổi, trên 2.000 trẻ trong độ tuổi 5 - 15 của xã, nhưng vẫn phải bỏ ra 2 ngày đi về cả 8 thôn lấy danh sách trẻ trong độ tuổi, về lọc lại một lần nữa mới ra được danh sách trẻ được cấp sữa. Bởi, “số trẻ thì nhiều, lượng quà hạn chế (20 hộp/suất/1.200 hộp sữa tươi), nên phải cân nhắc thật kỹ từng đối tượng. Không dễ đâu chị ạ”, Hạ tâm sự chân thành.

Về làm CB không chuyên trách xã Hòa Châu từ năm 2006, Hạ được nhận mức lương 550.000 đồng/tháng. Đến tháng 12-2007, lương của cô tăng lên hơn 600.000 đồng/tháng. Xã trích ngân sách hỗ trợ thêm tiền xăng 210.000 đồng/quý, nhưng số tiền này cũng không đáng là bao, vì Hạ còn giữ chức Bí thư chi đoàn Thanh niên thôn Giáng Đông, “Đoàn cấp thôn thì làm chi có kinh phí để tổ chức các hoạt động, thế là công tác phong trào, văn nghệ, thể thao gì đều trông vào số tiền ấy”.

Thời gian làm việc mỗi ngày của CB công chức là 8 giờ. Nhưng xem ra ai cũng làm gấp rưỡi số giờ quy định, làm việc cả vào ngày nghỉ nếu muốn hoàn thành tốt công việc. Và họ phải tự bỏ tiền túi để đổ xăng và làm nhiều công việc mang tính “giao tiếp” khác nếu muốn các đối tác hợp tác một cách nhiệt tình.


Chị Huỳnh Thị Sáu, CB mảng Lao động-Thương binh và xã hội đang công tác tại phường Hải Châu 2 được lãnh đạo phường cho phụ trách thêm công việc chi trả lương cho cán bộ. Tương tự, CB Xóa đói giảm nghèo kiêm thêm Thuế đất; CB Dân số-gia đình và trẻ em kiêm thêm Bảo hiểm y tế tự nguyện… Đây cũng là cách phường tạo điều kiện giúp đỡ các anh chị em làm việc ở vị trí CB không chuyên trách có thêm nguồn thu nhập, tuy không nhiều nhưng phần nào làm giảm bớt khó khăn về kinh tế.

Không có tên trong bảng lương!

Chị Huỳnh Thị Sáu với thâm niên gần 15 năm làm CB không chuyên trách phường Hải Châu 2.

Thu nhập của CB không chuyên trách vẫn còn quá thấp, khó bảo đảm được cuộc sống, nhất là trong tình hình giá cả liên tục leo thang như hiện nay. Cách phân công kiêm thêm việc cho CB không chuyên trách của phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) giúp cho số lượng CB không bị “phình” to ra, thu nhập lại tăng lên. Do vậy là phường nằm ngay trung tâm thành phố, dân đông, lượng công việc nhiều nhưng chỉ có 27 CB không chuyên trách trong tổng số 44 cán bộ đang làm việc tại phường. Trong khi Hòa Châu có 21 CB ăn lương định biên và 32 CB không chuyên trách.

Khi mức lương tối thiểu chung tăng vào tháng 11-2007, thành phố đã có quyết định điều chỉnh mức phụ cấp đối với CB không chuyên trách từ 580.800 đồng/người/tháng lên 697.000 đồng/người/tháng, trừ 4% bảo hiểm xã hội (41.820 đồng), họ được nhận 655.180 đồng. Số tiền này quá ít nếu so một lượng lớn công việc mà mỗi CB phải giải quyết hằng ngày. Những CB không có lương (chỉ có tiền phụ cấp) này hẳn đam mê và yêu nghề lắm mới không bỏ việc khi mức thu nhập hằng tháng không đủ chi phí cho cuộc sống. Trong khi nhìn vào công việc, họ không hề khác những CB ăn lương định biên khác.

CB làm việc ở phường, xã có 3 loại hình khác nhau là công chức, chuyên trách và không chuyên trách thì CB không chuyên trách “thiệt thòi” nhất về thu nhập, vì bằng cấp mà họ học hành mới có được lại không được kể đến trong cách tính lương hay bất cứ khoản hỗ trợ nào khác. Chị Trần Thị Hạ đã có bằng CĐ ngành kế toán và đang học liên thông lên bậc ĐH, nhưng có một điều chắc chắn là cái bằng chị có thêm này cũng không được “kể vô” khi làm việc, nên đừng bao giờ mong mức lương có thay đổi, trừ khi chị được chuyển ngạch công việc hoặc Nhà nước có quy định mới về thu nhập cho những CB không có tên trong bảng lương này.

Bà Ngô Thị Nhành, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 cho biết: “Ngoài những định mức phụ cấp mà thành phố đưa xuống, phường không có nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho CB không chuyên trách, dù biết họ sống khá chật vật với số tiền vài trăm ngàn mỗi tháng. Quỹ thời gian mà người CB không chuyên trách làm trong ngày cũng 8 tiếng giống như mọi vị trí khác. Thế nên dù rất đồng cảm, nhưng các phường cũng không có nguồn ngân sách nào khác để hỗ trợ thêm”.

Và vẫn không có mặt trong bộ Luật

 

Ông Lê Công Đông, chuyên viên Phòng Nội vụ quận Cẩm Lệ cho biết, trong góp ý dự thảo Luật CB, công chức, lãnh đạo quận đã đề nghị nên chuyển đổi hệ số lương cho CB không chuyên trách theo mức lương tối thiểu, và quy định lại chế độ đóng BHXH, nếu không, một số lớn CB sẽ thiệt thòi vì sau này không được tính lương hưu.

 
Tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về dự thảo Luật CB, công chức. Tính đến cuối năm 2007, cả nước có 204.146 CB, công chức cấp xã và có khoảng hơn 500.000 đối tượng ở cấp xã được hưởng phụ cấp hoặc khoán kinh phí hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Khi thảo luận về CB, công chức (nói chung), Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn không xem CB không chuyên trách là đối tượng nằm trong Luật. Vì trước khi đưa ra thảo luận, dự thảo Luật đã được gửi về các địa phương lấy ý kiến. Nhưng trong khi đi lấy tài liệu thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết từ nhiều CB, là dự thảo dường như đẩy CB không chuyên trách ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
 
Nội dung Nghị định số 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ chính sách đối với CB công chức xã, phường, thị trấn ra ngày 21-10-2003, nhưng khi đưa vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức thì vẫn giữ quan điểm xem CB không chuyên trách là những người làm việc bán thời gian và vì vậy quyền lợi cũng chỉ được hưởng tương ứng. Trên thực tế, những CB không chuyên trách thường phải làm việc rất nhiều, làm thêm ngoài giờ hành chính.
 
Đã thế, gần đây CB không chuyên trách mới được đóng BHXH, còn những người đã có thâm niên hàng chục năm vẫn chưa được đề nghị đóng lại theo thời gian công tác. CB không chuyên trách xã, phường không được hưởng lương theo thang lương công chức Nhà nước, điều đó đã tạo sự chênh lệch mức tiền lương, BHXH. Những bất cập đó sẽ không thu hút mạnh người có trình độ, năng lực cao về làm việc ở cơ sở.

 
Quyết định số 1565/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về điều chỉnh mức phụ cấp đối với CB không chuyên trách xã, phường, thị trấn kể từ ngày 1-1-2008 như sau:

Trưởng Ban Tổ chức Đảng, Chủ nhiệm UBKT Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và 1 CB Văn phòng Đảng ủy: Điều chỉnh từ 682.400 đồng lên 819.000 đồng. Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; CB kế hoạch - giao thông - thủy lợi - nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; CB lao động - thương binh và xã hội; CB dân số-gia đình và trẻ em; thủ quỹ - văn thư - lưu trữ; CB phụ trách đài truyền thanh; CB quản lý nhà văn hóa...:

Từ 580.800 đồng lên 697.000 đồng Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Phó các đoàn thể cấp xã: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội ND, Hội CCB; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam: Từ 653.400 đồng lên 784.000 đồng.

 

HOÀNG NHUNG - TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.