.

Công sở vẫn còn lãng phí

(ĐNĐT) - Xét về chi tiêu công, hiện tượng lãng phí tiêu dùng nơi công sở vẫn thường xuyên xảy ra. Thái độ thờ ơ của nhiều người trước các hiện tượng đó vẫn còn, vẫn xem là “chuyện nhỏ”.

Nhiều nơi lãng phí

Còn nhớ một lần các phóng viên địa phương được mời dự hội nghị bàn giải pháp tiết kiệm điện năng của một sở quản lý. Hội nghị khai mạc 14 giờ, nhưng từ 13 giờ 30 bên tổ chức đã bật hết máy lạnh, quạt trần, quạt tường trong hội trường, lại mở tung hết cửa nẻo, không khí mát lạnh cứ thế tràn ra ngoài hành lang. Chưa hết, dù giữa lúc nắng rực, hội trường vẫn bật hết các bóng điện trang trí và thắp sáng.

Vậy mà các đại biểu chẳng ai quan tâm, vẫn phát biểu khai mạc, báo cáo về vấn đề nên tiết kiệm điện như thế nào và cần tổ chức vận động ra sao. Mãi đến khi ống kính truyền hình tỏ ra “cố tình” chĩa lên các thiết bị ấy, lãnh đạo sở nọ mới gọi nhỏ bên lễ tân đến, tắt bớt một phần máy lạnh, quạt máy và tắt bớt bóng điện.

Câu chuyện nhỏ ấy, đến nay vẫn được nhiều phóng viên nhắc đến như một mẩu "hài hước" về thái độ thờ ơ trong sử dụng vật tư, thiết bị, lãng phí ở công sở ngay trên địa bàn Đà Nẵng.

Không ít lần,khi đầu giờ mỗi buổi chiều đến các cơ quan hành chính liên hệ công việc, khi nhìn qua cửa phòng khép kín của nhiều cán bộ lãnh đạo ngành, chúng tôi thấy người chưa đến nhưng máy lạnh vẫn bật, máy tính vẫn nhảy múa hình nền và các bóng điện thắp sáng choang. Có những cán bộ cấp sở, cấp quận khi đi ra ngoài trong giờ làm việc vẫn “quên” tắt các thiết bị dùng điện, sau đó quên bẵng luôn, có thể đi luôn về cơ sở, giải quyết các sự vụ hết buổi mới trở về.

Dường như không ai băn khoăn rằng, khoản thời gian họ không có mặt, cơ quan vẫn phải chi trả tiền điện cho các thiết bị được bật và lãng phí chi tiêu như thế là điều khó chấp nhận trong yêu cầu tiết giảm hiện nay.

Còn nữa, đây đó trong những góc khuất sinh hoạt ở các công sở, người ta vẫn thấy những vòi nước máy mở chảy tong tỏng cả ngày không ai tắt, những bóng điện bật sáng giữa 12 giờ trưa không ai quan tâm, rồi tệ lãng phí dùng giấy tờ in ấn, bút mực… vẫn cứ xảy ra.

"Tắt điện khi ra khỏi phòng"

Làm thế nào để việc chống lãng phí đi vào thực tế, là trách nhiệm, là nét văn hóa công sở của mỗi cán bộ công chức đang là một câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng khi chúng ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, lâu nay, mỗi khi “đứng dậy tắt điện” đã trở thành thói quen ở nhiều phòng ban đơn vị. Ngay với ông, nếu trời không thật sự nóng, máy quạt sẽ được bật thay cho phải dùng máy lạnh. Chia sẻ việc này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, các tiêu chí tiết kiệm chi tiêu đang được quận này tập trung thực hiện trong cơ chế lương khoán đến tận phòng ban. Theo đó, chính cán bộ lãnh đạo phải tiên phong gương mẫu với những thói quen tưởng là đơn giản nhất, như “tắt điện khi ra khỏi phòng”.

Theo ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, công cuộc cải cách hành chính của thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã chuyển biến tích cực, ghi nhận nhiều dấu hiệu đổi mới khá toàn diện về cung cách xử lý công việc, quan hệ với người dân ở nhiều đơn vị.

Tuy nhiên, ông Sơn đánh giá, xét về chi tiêu công, hiện tượng lãng phí tiêu dùng nơi công sở vẫn còn. Quan niệm thờ ơ của nhiều người trước các hiện tượng đó vẫn có, vẫn xem là “chuyện nhỏ”. Do đó, trong thời gian đến, với vai trò đầu mối, Sở Nội vụ sẽ xem xét đề xuất một cuộc vận động lớn hơn về thay đối thói quen sinh hoạt, tiết kiệm nơi công sở. Có thể nội dung sẽ triển khai từ những nhắc nhở cán bộ công chức tập thói quen cẩn thận, ý thức hơn trong xử lý công việc, tránh lãng phí thời gian, vật dụng chi tiêu; cho đến định hình xa hơn như đổi qua đi xe buýt đúng giờ ở những cơ quan hành chính lớn.

Được như vậy, Đà Nẵng sẽ tiến thêm một bước rất quan trọng trong các mục tiêu cải cách bộ máy hành chính, đi đến mức tiết kiệm, tiết giảm tốt hơn những khoản chi tiêu công không cần thiết.

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.