.

Dấu ấn ở một thế hệ

.

Thời khắc 19-8-1945 lịch sử trở thành dấu ấn không thể quên trong họ - những thanh-thiếu niên đã chứng kiến, gia nhập vào đoàn người rầm rập đi trên các con đường ngày ấy...

Thiếu nhi Đà Nẵng đang đàn hát dưới trời hòa bình. Ngày trước (19-8-1945), bằng tuổi này, các bác đã hòa cùng đoàn người xuống đường hát vang những bài ca yêu nước.

Độ tuổi ngoài 70 có thể khiến người ta khó nhớ được nhiều chuyện, kể cả những chuyện vừa xảy ra. Vậy mà lạ thay! Nhắc đến ngày 19-8 cách đây 63 năm, không khí hừng hực của bà con cầm cờ cầm gậy xuống đường vẫn như còn nguyên vẹn trong họ.

Khấp khởi vui như được sống lại thời niên thiếu, bác Lê Tôn Sùng (sinh năm 1937), ở kiệt 275 Trường Chinh kể lại: “Hồi đó tôi mới 8 tuổi đầu, đã hiểu “cách mạng”, “cộng sản” là chi đâu! Thấy người lớn chuẩn bị, tôi cũng náo nức theo”. Nhiều tuổi hơn bác Sùng, và được coi là người nhiều chữ nhất trong làng, bác Trương Văn Kế (sinh năm 1924), đang ở 180 Hùng Vương - Đà Nẵng cũng thừa nhận: “Tôi làm nhiệm vụ liên lạc cho cách mạng, nghe mấy anh ở trên nói về “phát xít”, “Hítle”, biết sơ sơ rồi giảng giải lại cho bà con hiểu”.

Không biết gì nhiều về các khái niệm, chỉ biết rằng từ đó, áp bức, xiềng xích sẽ bị tháo mở, sưu thuế, lao dịch sẽ không còn. Khi nghe bà con râm ran quấn khăn, đánh trống xuống đường, họ cũng hối hả ùa theo. “Bọn tôi thấy cha anh ra vào chuẩn bị, thấy vừa vui vừa lo. Đêm trước 19-8 trống cứ râm ran suốt, tôi cũng không ngủ được. Tiếng trống giục lòng người. Tiếng trống làm nao nức trẻ thơ. Người cách mạng mang đến cho cha tôi lá cờ vải, nhưng ông chỉ kẹp dưới túi áo, và mọi hoạt động khác chỉ diễn ra trong im lặng, bí mật. Đến giờ G, khoảng 1 giờ sáng 19-8, tất cả như bùng nổ. Tôi hòa vào dòng người rào rạo xuống đường, hô to những khẩu hiệu, hát vang những bài ca yêu nước”, bác Sùng nói. Trong tiềm thức của các bác, hình ảnh người lớn cầm giáo, mác, cuốc, thuổng, gậy gộc, lưng thắt khăn, ống quần xắn cao; học sinh, thiếu niên đều bước “một - hai”, cầm “tu huýt” (còi nhỏ) thổi “tuýt te tuýt, tuýt te tuýt” đi như nước lũ trên quốc lộ sẽ không bao giờ phai nhòa. Cùng ký ức tươi trong như bác Sùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thái Phiên, bác Nguyễn Tấn Nhiếp (1934) cho biết: “Hầu hết nhân dân đều mù chữ, nhưng mọi người từ già đến trẻ đều chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho ngày quan trọng đó. Tôi nhớ rõ là những cường hào ác bá đều sợ hãi trước khí thế của bà con, lo chạy trốn hết”.

Và cứ thế, trong khi người lớn lo gậy gộc giành chính quyền, các “cu cậu” nhỏ tuổi tràn trề vui như đi giữa ngày hội lịch sử của cả cuộc đời mình...

Bài và ảnh: T.NHAN

;
.
.
.
.
.