“Nam, 28 tuổi, cao 90cm, nặng 20kg, dị tật bẩm sinh, ở Quế An, Quế Sơn...”, đó là vài dòng trích lý lịch cá nhân của Nguyễn Ngọc Phương, chàng thanh niên có biệt danh “Người ngoài hành tinh” đang mang trong mình thứ chất độc da cam (cha Phương từng là bộ đội tham gia chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị).
Thầy Nguyễn Ngọc Phương hướng dẫn học trò làm quen với thiết bị tại lớp điện cơ xe máy. |
cuộc sống.
Nghề của Phương
Tròn nửa tháng dạy lớp điện cơ xe máy tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, đường Nguyễn Như Hạnh, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thầy Nguyễn Ngọc Phương vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng. Phương đến với Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thành phố để xin một số vốn lập nghiệp trong tâm trạng gần như mất hết niềm hy vọng.
Phương có một cơ sở riêng (Phương Tín, 341 Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc) với hai học trò chuyên làm bobine xe máy, sửa xe, sửa chữa các thiết bị điện dân dụng. Cuối tháng này, cơ sở sẽ phải tạm đóng cửa vì người cho thuê muốn lấy lại nhà. Phương chới với sợ mất khách hàng, hai học trò sẽ đi về đâu nếu thầy giải thể, mặt bằng mới chỗ nào, rồi những khoản tiền đặt cọc…
Buổi gặp mặt được Phương gọi là duyên số ấy đã tình cờ đưa anh đến với trẻ em nhiễm chất độc da cam. Thấy hoàn cảnh Phương đáng thương, Giám đốc Trung tâm đề nghị anh về dạy học. “Nghe đến đây muốn bủn rủn chân tay, vì mục đích của mình là xin hỗ trợ để có điều kiện duy trì nghề nghiệp chứ không phải bỏ nghề và làm một công việc khác kiếm sống”, Phương tâm sự.
Thế nhưng, lần đầu tiên nhìn thấy các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, Phương như gặp lại chính tuổi ấu thơ của mình. Phương nói: “Nhiều em bệnh nặng hơn Phương nữa và nhất là các em ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên còn khờ dại quá. Vậy là Phương đồng ý đứng lớp vào buổi chiều mỗi ngày”. Ngoài giờ dạy, Phương vẫn làm việc tại tiệm vì theo Phương: “Mình chẳng biết bỏ nghề bằng cách nào. Mình yêu nghề không thể tả”.
Thầy Nguyễn Ngọc Phương (áo sọc) quây quần bên học trò lớp điện cơ xe máy vào giờ giải lao tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (đường Nguyễn Như Hạnh, Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng). |
Từ ngày Phương đến, không khí học nghề tại đây bỗng nhiên xáo trộn. Các em nườm nượp đăng ký học “nghề thầy Phương”. 1 thầy, 10 trò. Thầy liên tục lắp lắp, tháo tháo thiết bị rồi gật, lắc, “múa tay”. Hầu hết các em không nói được hoặc nói rất chậm. “Chưa”, “quấn”, “mở”... thầy Phương nói từng từ. Mỗi từ lặp lại vài lần.
Mồ hôi đầm đìa trên trán dù trời đang mưa, Phương cứ nhẫn nại với tay lên bàn (chiếc bàn cao gần bằng Phương) cùng học trò vọc đồ nghề. Thú vị và khó hiểu, các em chạm vào thiết bị như những mẫu đồ chơi lạ lẫm. Nhưng nhìn các em “chơi”, Phương biết trong số đó sẽ có những em làm nên chuyện. “Em này, đầu óc không bình thường nhưng biết nhớ những thao tác thầy làm. Em kia không biết nói nhưng nhanh nhẹn lắm. Thầy vừa bảo tháo máy quạt là xung phong làm trước liền…”, Phương say sưa kể.
Bản lĩnh lên!
“Chắc Tết nay, lịch người mẫu Phương đứng bên chiếc xe máy bán chạy như tôm tươi”. |
Lọt lòng mẹ, Phương chỉ cao 20cm với thân hình dị dạng. Không ai nghĩ cậu bé nhỏ hơn ổ bánh mì này lại sống được. Đã thế, Phương không những sống khỏe mà còn lập nên sự nghiệp một cách ngoạn mục.
Đến tuổi đi học, như bao bạn nhỏ khác, chàng tí hon cũng bước chân vào lớp 1. Học được vài ngày, cô giáo mời Phương ra khỏi lớp vì em không có tên trong danh sách. Bị đuổi khỏi lớp này, Phương qua lớp khác (trường có hai lớp 1). Vài ngày sau, Phương lại bị ra ngoài với lý do cũ. 7 tuổi, em chẳng hiểu điều gì đang xảy ra với mình, lại càng không biết nản. Buổi trưa tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm xong, Phương vẫn mang cặp trên cái lưng gù từng bước băng bộ 5km xuống núi (núi Dương Lài, Quế An, Quế Sơn) đến trường và lặng lẽ ngồi ngoài hành lang nghe tiếng cô dạy vọng ra.
Mải lo kiếm ăn cho sáu anh em, trong đó hai người bị nhiễm chất độc da cam, cha mẹ không hề hay biết con mình bị cấm vào lớp. “Ngồi chình ình trước cửa chính sợ ảnh hưởng đến mọi người, ngồi bên cửa sổ thì chẳng nhìn thấy gì vì cửa cao quá, mình ngồi ngoài hiên nhưng cô dạy gì đều thuộc hết. Chỉ có điều chẳng biết cái chữ đó mặt mũi ra làm sao. Đến giờ tan trường, lại cắp cặp về”, Phương kể. Thế rồi, hình ảnh chú bé tí hon lủi thủi, ham học đến tai một giáo viên khác trong làng. Cô nhận Phương vào lớp với suy nghĩ “học được thì tốt, không thì cho em ngồi chơi, miễn sao thỏa niềm yêu thích đến trường”.
Được nửa học kỳ, cô chuyển thẳng Phương lên lớp 2 vì em học quá nhanh. Thế nhưng, con đường học hành của Phương chỉ dừng tại đây. Giọng trầm hẳn, Phương kể tiếp: “Lên lớp 3, trường làng chuyển ra xã. Nhà nghèo không có nổi chiếc xe đạp đưa con đi học. Một bước chân của các bạn khác cũng dài gấp mấy lần bước chân Phương, thêm chiếc ghế gỗ đặc biệt rất nặng Phương không đủ sức mang theo hằng ngày qua quãng đường xa nên cánh cổng trường đã chính thức khép lại…”.
15 tuổi, Phương quyết định xuống thị xã, từ bỏ những tháng ngày ngồi không, uể oải và buồn bã. Bắt đầu học nghề, không ít lần Phương nhận cái quýt mặt: “Mày mà học cái gì”. Nhưng trong số đó lại có những ân nhân giúp Phương học sửa đồng hồ, mài kính mắt, sửa máy vi tính.
20 tuổi, một mình khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh với quyết tâm không thành công không trở về, Phương đến các Trung tâm tuyển dụng lao động đăng ký tìm việc. “Nam, cao 90cm… có kinh nghiệm nghề…”, dòng tin đã gây tò mò đối với một chủ tiệm làm bobine xe máy. Ông nhận Phương về cho ở và dạy nghề sau một giờ đồng hồ nói chuyện.
Lối đi, đồ đạc trong nhà cũng được ông điều chỉnh phù hợp với tầm của Phương. Cũng như nhiều người khác đã từng hồ nghi về năng lực anh, ông bà chủ bảo Phương cứ học việc thử 1 tháng, không được sẽ cho tiền mua vé xe về quê. Nhưng 1 tháng, rồi 2, 3 tháng, đến tận năm thứ 8 Phương vẫn còn làm việc tại đây và lúc này đã lên vị trí thợ hướng dẫn cho nhiều anh em khác. Phương tiết kiệm mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng gửi về nhà nuôi em ăn học cho đến ngày tốt nghiệp trung cấp và xin được việc làm ổn định.
Nhớ lại những ngày tháng lao động nặng nhọc đã giúp anh rèn luyện sức khỏe dẻo dai như bây giờ, Phương càng biết ơn người chủ nhận anh vào học nghề trước đây. Hồi ở nhà, Phương chỉ ngồi được một lúc là phải đi nằm, và dĩ nhiên khi bắt tay vào việc anh không thể nhấc nổi chiếc búa 2,5kg. Nhưng người chủ cứ bắt anh “quần” suốt ngày, suốt năm với nó. Thế là tay, chân khỏe ra, nhờ lao động anh đã vượt qua tất cả.
Đầu năm 2008, có nghề vững trong tay, Phương muốn quay về quê hương miền Trung lập nghiệp. Với 20 triệu đồng lận lưng, nếu mua vài thứ máy móc sẽ “bay cái vèo”, vậy là Phương tự chế tất cả dụng cụ hành nghề dựa trên sự quan sát đồ nghề của người chủ. Anh chọn Hòa Khánh Bắc làm nơi mở tiệm vì một lý do ở đây em gái (cũng bị nhiễm CĐDC và dị tật giống Phương) có chỗ đi về trong thời gian học tại Đà Nẵng. “Ngày nào đó công việc phát đạt hơn, Phương sẽ nhận các em cơ nhỡ, khuyết tật vào làm. Mong ước vậy, nhưng hiện tại phải đối mặt với thực tế mất chỗ kinh doanh, mình chưa biết sao đây” – Phương tỏ ra lo lắng.
Lo lắng đến nỗi nhiều đêm mất ngủ, nhưng Phương luôn tin sẽ xảy ra điều kỳ diệu mà bản lĩnh mang lại. Phương vận từ bản - lĩnh vào trong mình để đứng dậy trước mọi khó khăn. Ngay cả lúc thấy tôi vất vả xoay xở với chiếc xe máy trong tấm áo mưa lùng nhùng, Phương cũng cười vang: “Bản lĩnh lên!”.
|
THU HOA