.

Hào khí An Phước trên quê hương Hòa Phong hôm nay

.

Những ngày tháng 8 lịch sử, về xã Hòa Phong - nơi cách đây 63 năm diễn ra phong trào quật khởi An Phước nổi tiếng - đến đâu cũng bắt gặp khí thế lao động sôi nổi. Các công trình xây dựng hối hả suốt ngày đêm. Trường học khoác thêm áo mới.

Trên đồng ruộng, nông dân nỗ lực triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình SXKD giỏi ra đời. Diện mạo xã Anh hùng này ngày càng khang trang bề thế. Hòa Phong đổi thay từng ngày.

Ông Nguyễn Nhàn (phải), một trong những người tham gia giành chính quyền ngày 16-8-1945 ở Hòa Phong.

Bước tiến có ý nghĩa đột phá ở Hòa Phong thời gian này là sự ra đời nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) quy mô lớn và hoạt động thương mại dịch vụ (TMDV) luôn sôi động. Đến nay, hàng chục cơ sở vừa đi vào hoạt động, tạo việc làm cho nhiều lao động  địa phương. Nhà máy gạch tuy-nen của Công ty TNHH Cao Hoàng Lực là một ví dụ. Tại  đây, việc sản xuất gạch diễn ra sôi động suốt ngày đêm. Những mẻ gạch ra lò buổi sáng, chiều đã đến với các công trình. Ông Cao Hoàng Lộc, cán bộ của công ty cho hay: Với vốn đầu tư 14 tỷ đồng, vừa đi vào hoạt động 3 tháng, cơ sở đã khẳng định được vị trí xứng đáng của công nghiệp địa phương. Nhà máy tạo việc làm cho 114 lao động, mỗi năm sản xuất 7 triệu viên gạch. Ông Lâm Phùng, Chủ tịch UBND xã rất phấn khởi trước sự ra đời của nhà máy. Ông cho hay: Thế mạnh của địa phương là sản xuất gạch, chế biến song mây, sản xuất hàng mỹ nghệ. Trong tương lai gần sẽ ra đời thêm 3 nhà máy gạch tuy-nen nữa. Cơ cấu kinh tế của địa phương hiện là nông, lâm, thủy sản-thương mại dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp, nhưng trong tương lai gần, thương mại dịch vụ sẽ chiếm vị trí đầu tiên. Chợ Túy Loan, nơi mua bán nông sản của cả khu vực rộng lớn, không chỉ dừng lại ở 350 hộ có quầy tại chợ, mà sẽ phát triển quy mô hơn. 6 tháng đầu năm, giá trị TTCN của địa phương đạt 16 tỷ đồng, thương mại dịch vụ 25 tỷ đồng đã phần nào phản ánh được thế mạnh và tiềm năng này.

Với 720 ha đất canh tác, trong đó 420 ha đất lúa, Hòa Phong có bước tiến khá vững chắc trong sản xuất nông-lâm-thủy sản. Vụ  đông xuân vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng nông dân vẫn thu gần 2.700 tấn lương thực. Tại  đây, phong trào xóa nghèo, làm giàu được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Các cánh đồng chuyên canh hình thành, nhiều mô hình SXKD giỏi ra đời.  Đồng rau Hồ Bún là minh chứng sống động nhất cho sự sáng tạo, không chùn bước trước khó khăn của nông dân Hòa Phong. Từ vùng chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ  đậu

 (5 ha), bà con thôn Túy Loan Tây đã cải tạo đất, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh khá hoàn thiện với hàng chục loại rau, thu hoạch quanh năm. Hiện đã có dự án xây dựng tại đây vùng rau quy mô lớn do Bộ NN&PTNT làm chủ dự án và địa phương sẽ thành lập HTX sản xuất rau an toàn. Rau Hồ Bún sẽ có thương hiệu, vào thẳng các siêu thị.

Xóa đói giảm nghèo ở Hòa Phong cũng gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ trong 3 năm trở lại đây đã đưa ra khỏi diện nghèo 505 hộ (hiện chỉ còn 159 hộ), xóa 100% nhà tạm cho hộ nghèo (219 nhà). Chúng tôi đã gặp chị Dương Thị Tánh ở thôn Bồ Bản, thoát nghèo đầu năm nay. Nói về niềm vui không nhỏ này, chị Tánh cho hay: “Chồng chết, một mình nuôi con nhỏ, đau ốm luôn, nên cái nghèo cứ bám riết. Thật may, trong lúc khó khăn có sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Ngoài số tiền vay lãi suất thấp còn được hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả, từ đó đời sống đã khấm khá hơn nhiều, có nhà xây và nhiều đồ dùng đắt tiền”.

Điều trăn trở nhất của xã Hòa Phong hiện nay đó là nước sạch cho 3.300 hộ dân. Hiện tại mới chỉ có khoảng 25% trong số 14.700 nhân khẩu toàn xã có nước sạch để dùng. Hầu hết bà con đang dùng nước ngầm tại chỗ bị nhiễm phèn. Về hệ thống điện, còn 3 thôn chưa được nâng cấp là Khương Mỹ,Cẩm Toại Tây và Dương Lâm 2.                
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Nhàn, ở thôn Cẩm Toại Trung, năm nay đã  90 tuổi. Ông là một trong những người tổ chức buổi mít-tinh
tại sân vận động An Phước ngày 16-8-1945. Nhớ về ngày lịch sử đó, ông kể: Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh huyện, sáng 16-8, nhân dân tổng An Phước (nay gồm 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Nhơn) hừng hực khí thế cách mạng, từ mọi ngả kéo về sân vận động từ rất sớm. Ai nấy chắc tay gậy tầm vông mã tấu. Sau buổi mít-tinh do Việt Minh tổ chức, như nước lũ tràn bờ, mọi người kéo về các thôn tước khí giới và ấn triện của bọn quan lại. Chỉ trong ngày, chính quyền đã về tay nhân dân. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước cướp chính quyền thành công. Ngày hôm sau, đội võ trang kéo lên đánh đồn của giặc Pháp trên đỉnh Bà Nà… Chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, nay ở tuổi 90, ông Nhàn rất phấn khởi bởi sự kiện hào hùng năm xưa đã được đưa vào sử sách. Tại sân vận động An Phước ngày nào, tượng đài, văn bia đã được xây dựng. Điều đặc biệt hơn, trên quê hương An Phước quật khởi, đời sống kinh tế-xã hội tốt gấp hàng trăm lần so hồi ông và mọi người với gậy tầm vông đi giành chính quyền.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.