Cuối năm 2007, một chiếc quạt máy quên tắt nguồn lúc mất điện, khi có điện trở lại... đã làm cháy rụi chợ Lớn Quy Nhơn. Cuối tháng 6-2008, một ngọn lửa lớn bùng phát dữ dội tại một sạp hàng bán nhang đèn lúc nửa đêm gây cháy chợ Châu Ổ, Quảng Ngãi... Hầu hết những vụ cháy chợ đều xuất phát từ sự bất cẩn của con người.
Chợ càng cũ, nguy cơ cháy nổ càng cao
Ở chợ Cồn, đường nội bộ dành cho công tác chữa cháy cũng đã thành... chợ. |
Nhìn bên ngoài, chợ nào cũng khang trang, bề thế. Nhưng vào chợ, mới thấy ngổn ngang trăm thứ. Ông Mai Hữu Thông, Phó Giám đốc phụ trách PCCC Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng lo âu: “Chợ Cồn xây trong thời bao cấp nên quá lạc hậu. Mỗi gian hàng chỉ 3 - 4m2, lấy đâu ra chỗ chất hàng? Lối đi, có nơi chỉ 0,8m vừa đủ để hai người tránh nhau, trong khi theo quy định phải rộng từ 2 - 3m”.
Các chợ lớn ở Đà Nẵng, trừ chợ Đầu Mối mới xây dựng và ít hàng hóa dễ cháy, còn lại 4 chợ gồm chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Mới và chợ Hàn, chợ càng cũ càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Do điều kiện kiến trúc ban đầu, hệ thống điện, dây dẫn điện đi sát với hàng hóa nên việc kiểm soát cháy cũng gặp không ít khó khăn, trong khi cháy do điện chiếm tỷ lệ khá cao.
|
Cũng do lịch sử để lại, chợ Cồn hiện có một điểm giữ xe bên trong. Theo trung tá Tạ Bá Phức, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố, đây là điều sai với quy định PCCC. Phía Đông chợ có điểm để xe dành cho các hộ kinh doanh trong chợ, nhưng chỉ có một cửa vào, không có cửa thoát hiểm, gây khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu nạn, bảo vệ, di chuyển tài sản chống cháy lan.
Hành lang chống cháy
Các chợ có nguy cơ cháy tiềm ẩn cao và đã xuống cấp nghiêm trọng hiện nay là chợ Cồn, chợ Mới và một số điểm ở các chợ khác. Chợ “trẻ” nhất Đà Nẵng hiện nay là chợ Cẩm Lệ, vừa đi vào hoạt động đúng 8 tháng với hệ thống PCCC có đầu báo khói, báo nhiệt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Ở chợ cũ, hàng gia vị thường kèm theo các loại vàng mả, áo giấy. Đến chợ mới, BQL chợ kiên quyết tách các mặt hàng rất dễ gây cháy này ra một khu riêng, cách biệt với lồng chợ chính. Hàng kinh doanh ăn uống có bếp ga, than tổ ong cũng được tách riêng ra, tạo một hành lang an toàn đề phòng khi xảy ra sự cố cháy, nổ sẽ dễ xử lý hơn.
Một trong những chợ xa trung tâm thành phố nhất là chợ Hòa Khánh. Xác định “nước xa không cứu được lửa gần”, BQL chợ đã đặt công tác PCCC đưa lên hàng đầu, tự chủ trong mọi tình huống xấu nhất. Các bể nước PCCC trong chợ được nâng lên trữ lượng 150m3 với 14 họng chờ phun nước phân bố khắp chợ, chưa kể 4 họng tiếp nước dành cho xe PCCC ở 4 góc chợ.
Qua đợt kiểm tra PCCC định kỳ giữa tháng 7 vừa rồi, Trung tá Tạ Bá Phức đã chỉ ra một số tồn tại dễ gây cháy, nổ tại các chợ lớn ở Đà Nẵng như cột chống sét các chợ Cồn, Hàn, Mới, Đống Đa đã bị hư hại; hành lang an toàn PCCC chưa bảo đảm; các hộ kinh doanh có ki-ốt, che dù, bạt vừa tăng nguy cơ cháy lan, vừa mất cảnh quan đô thị...
Vấn đề hành lang chống cháy lâu nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, như trường hợp đường nội bộ dành riêng cho công tác chữa cháy ở chợ Cồn chẳng hạn. Đường này một thời gian đã cấm kinh doanh vì nhiều nơi xảy ra cháy chợ, về sau, do kiến nghị về mưu sinh của các hộ kinh doanh, thành phố đã đồng ý cho bà con tiểu thương được bán hàng từ 16 - 19 giờ hằng ngày. Thiết nghĩ, thành phố nên sớm có giải pháp tháo gỡ. Tồn tại thường trực trong nhận thức mỗi người về một hành lang chống cháy, ấy là cách tốt nhất để ngăn hiểm họa cháy chợ.
|
VĂN THÀNH LÊ