.

Hòa Vang xóa các lò gạch thủ công gây ô nhiễm

.

Quyết tâm của huyện Hòa Vang là đến năm 2010 sẽ xóa toàn bộ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Hơn 2 năm qua, huyện và các xã cùng tiến hành từng bước xóa các lò gạch thủ công và đã có được những kết quả tích cực.

Cơ sở sản xuất gạch Thanh Bình (Hòa Phước – Hòa Vang) đang thi công lò Tuy-nen công suất 9 triệu viên/năm thay cho lò thủ công kiểu cũ và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2009.

Theo thống kê năm 2006, trên địa bàn huyện có 152 lò gạch thủ công, tập trung nhiều nhất ở các xã Hòa Khương, Hòa Phước… Các lò gạch này đã giải quyết việc làm cho gần 1 nghìn lao động, cung cấp một lượng gạch đáng kể cho nhu cầu xây dựng của thành phố và đóng góp một phần cho ngân sách các xã.

Tuy nhiên, do các lò gạch này được xây dựng từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước với hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, năng suất thấp và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nhiều lò gạch ở quá gần các khu dân cư đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu về gạch xây dựng của thị trường cũng như nhu cầu lao động của gần 1 nghìn nông dân, nhất là lúc nông nhàn, các địa phương không thể bỏ hẳn việc sản xuất gạch.

Do vậy, việc xóa các lò gạch thủ công gây ô nhiễm này phải kèm với giải pháp thay thế bởi các lò gạch có công nghệ tiên tiến và ít gây ô nhiễm hơn. Tuy nhiên, việc thay thế này phải phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện thực tế mà các hộ có thể tiếp cận được. Các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học giới thiệu 2 loại công nghệ được phổ biến rộng rãi là lò nung kiểu tuy-nen và lò nung liên tục kiểu đứng để các hộ lựa chọn.

Về công nghệ và hiệu quả kinh tế thì lò nung tuy-nen tỏ ra có hiệu quả hơn và được nhiều hộ lựa chọn, nhưng ngặt một nỗi là để có một lò gạch tuy-nen với quy mô vừa từ 5 đến 7 triệu viên/năm, phải chi phí từ 8 đến 12 tỷ đồng, lò nung liên tục kiểu đứng từ 3 đến 5 tỷ đồng. Đây là một số tiền quá lớn mà rất ít cơ sở có khả năng đáp ứng được, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng, nhất là trong tình hình nguồn vốn khó khăn như hiện nay.

Lò gạch thủ công kiểu cũ sẽ phải xóa bỏ trong năm 2008.

Đến nay sau 2 đợt kiểm tra, huyện Hòa Vang đã đình chỉ hoạt động 80 lò gạch thủ công của gần 30 hộ sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã đồng bằng có ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống, đồng thời tạo điều kiện chuyển đổi được gần 10 lò gạch sang công nghệ lò tuy-nen. Đã có 4 lò gạch với công nghệ mới này đi vào họat động. Song hiện còn một số lò gạch ít ảnh hưởng đến các khu dân cư ở một số xã vùng trung du của huyện do còn quá nhiều nguyên liệu (đất sét) có từ các năm trước nên huyện đã tạm lui thời gian ngừng sản xuất để các lò gạch này giải quyết hết lượng đất sét đã mua về, nhằm giải quyết bớt khó khăn cho các hộ.

Hầu hết các chủ cơ sở sản xuất, chính quyền địa phương có các lò gạch đang hoạt động đều đồng tình với chủ trương xóa các lò gạch thủ công này. Đây là thuận lợi rất cơ bản để mục tiêu xóa các lò gạch thủ công gây ô nhiễm trên địa bàn huyện đến năm 2010. Song, để tạo điều kiện cho các hộ nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của huyện và các ban, ngành của thành phố, của ngân hàng, đặc biệt là vốn vay với lãi suất ưu đãi với thời gian đủ để các cơ sở phục hồi sản xuất và phát triển.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.