.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ với cuộc chiến chống tham nhũng

Là một nhà lý luận lỗi lạc lại am tường thực tế, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ tham nhũng (trước đây Người gọi là tham ô) là nguy cơ của mọi thể chế Nhà nước, là hiểm họa của chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ những ngày đầu khi mới giành được chính quyền cách mạng, Người đã cảnh báo một căn bệnh dễ mắc phải nhưng lại cực kỳ nguy hiểm đối với thể chế Nhà nước XHCN bởi nó làm cho những người có chức quyền dễ bị tha hóa biến chất không còn là “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” nữa, làm cho dân mất lòng tin - đó là bệnh tham ô.

Tham ô với những biến thái xấu xa của nó, là kẻ thù bên trong - “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nó như những tế bào lạ, vi trùng rất độc xâm nhập và nguy hiểm hơn, nó ẩn nấp trong cơ thể con người, muốn phòng chống có hiệu quả trước hết phải nhận diện được cho rõ căn bệnh quái ác này.

Sự quái ác của căn bệnh này là ở chỗ người mắc bệnh không phải ai khác mà nó là chính cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước: “Những người trong các công sở từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều có nhiều hoặc ít quyền hành, đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân”. Sự quái ác còn là do: “kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lấn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh” và lại càng khó chống.

Những căn bệnh mà các công chức Nhà nước đã mắc và dễ mắc phải là gì? Theo Người đó là: tham ô của công, đục khoét của dân, lợi dụng của chung, ăn hối lộ, trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo, địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt, quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, thích làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ... trong đó, “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư, nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ và công nhân”.

Do tính chất cực kỳ nguy hiểm của bệnh tham ô, cần phải đấu tranh kiên quyết với nó. Nhưng bằng cách nào để đấu tranh có hiệu quả? Theo Người, bệnh quái ác vẫn có cách chữa trị nó.

Một mặt, Người chủ trương tiến hành chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham ô toàn dân, toàn diện. Vừa phát động quần chúng nhân dân tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phát động các cuộc vận động chống tham ô như phát động phong trào “ba xây, ba chống”...  vừa yêu cầu mọi cán bộ Nhà nước phải rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Vì cho rằng nguyên nhân chính của căn bệnh tham ô là chủ nghĩa cá nhân, nên Người thường nhắc nhở mọi người cần hết sức đề phòng và ngăn chặn căn bệnh chủ nghĩa cá nhân phát triển ngay trong chính bản thân mình.

Để chống tham ô một cách có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phát động tư tưởng quần chúng, khiến quần chúng nhận thức được tác hại của tham ô ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ, để từ đó họ có thái độ khinh ghét tệ tham ô, lãng phí và tự giác tham gia vạch mặt chỉ tên bọn bất lương đó.

Người cũng yêu cầu bản thân Đảng phải tiến hành cuộc đấu tranh quét sạch những ung nhọt ngay từ trong nội bộ Đảng bằng cách: “Muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, phê bình và tự phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người, phải để cho người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, thì tham ô, lãng phí không thể nảy nở được”. Hơn ai hết, mỗi người cán bộ phải hiểu rằng: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng”.

Mặt khác, Người kiên quyết xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chống tham ô. Ngay sau khi mới giành được chính quyền, ngày 23-11-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh này quy định Ban Thanh tra đặc biệt có quyền “đình chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban Nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử. Tịch biên hoặc niêm phong tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Tòa án đặc biệt”. Ngày 18-1-1949, Sắc lệnh số 138B-SL về tổ chức Thanh tra Chính phủ đã quy định rõ thêm chức năng “thanh tra của Ủy ban Kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết”.

Người rất chú trọng đến việc xử lý các hành vi tham nhũng, kiên quyết trừng trị bọn tham nhũng cho dù những kẻ đó đứng ở cương vị nào. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu đã tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa. Thái độ rất kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả cao trong việc giáo dục đạo đức liêm khiết của cán bộ cách mạng.

Người chỉ rõ: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận - Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chống tham ô, lãng phí, quan liêu, một Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam đã được củng cố và kiện toàn đủ sức gánh vác những nhiệm vụ trọng đại vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của đất nước trong những giai đoạn cam go nhất của cách mạng. Đến nay, quan điểm và cách làm đó vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.

NGUYỄN THỊ TÂM

;
.
.
.
.
.