Hồ Chí Minh cho rằng tự kiêu, tự đại sẽ đi đến thất bại. Người nói “Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại là thoái bộ”; rằng “Nếu có một chút công trạng gì mà tự cao, tự đại, coi người ta không ra gì, thế là sai, thế là cái ruột nhỏ, ví như cái cốc, một giọt nước đổ vào thì tràn hết”. Như vậy, Người rút ra kết luận “Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại.
Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình… Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài, có đức hay bàn ngay nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc” (1). Kiêu ngạo, tự đại sớm muộn sẽ dẫn tới công thần, cho mình có nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng. Người nói “Vì bệnh công thần nên sinh ra nhiều cái thiếu: Thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật… Vì vậy, chúng ta phải chống lại bệnh cá nhân, bệnh công thần”. Hệ quả của căn bệnh này rất nguy hiểm, dẫn tới một số cán bộ, đảng viên (CB-ĐV) coi thường kỷ cương phép nước, kỷ luật Đảng. Người chỉ rõ “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm đươc, việc nhỏ không muốn làm” (2).
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947), Hồ Chí Minh đã chỉ ra 12 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trong đó có “Bệnh kiêu ngạo - tự cao tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình, không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình” (3). Theo Bác, quần chúng rất thông minh, tài giỏi, hiến kế rất nhanh, thế mà có những người nhiễm căn bệnh kiêu ngạo dẫn tới coi khinh, không học hỏi quần chúng. Quan liêu, tự cao, tự đại sẽ dẫn tới xa rời quần chúng, không quy tụ được sức mạnh trí tuệ của đội ngũ cán bộ dưới quyền, không nắm được chủ trương, nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không.
Chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên tiếp sức cho bệnh kiêu ngạo, tự cao, tự đại, bởi theo Người “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc” (4). Người chỉ rõ “Nhưng vẫn có số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại”. Căn bệnh kiêu ngạo ngoài nguyên nhân chủ quan như tổ chức Đảng coi nhẹ giáo dục, buông lơi đấu tranh phê bình và tự phê bình, tự bản thân CB, ĐV thiếu ý thức phấn đấu rèn luyện, còn có nguyên nhân khách quan được Bác Hồ đúc kết khá sâu sắc “một Đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra”, “những thói xấu đó họ mang từ xã hội vào Đảng”.
Từ những hệ quả, di hại của căn bệnh nêu trên, Bác Hồ đã rất coi trọng các biện pháp để khắc phục, phòng tránh. Người yêu cầu “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ” (5). Do đó mỗi CB, ĐV phải không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, bởi đạo đức là gốc, là giá đỡ định hướng tài năng của họ phát triển đúng hướng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Từ giá trị tích cực, nhân bản của đạo đức cách mạng, Người khái quát “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không” (6).
Trước hết các tổ chức Đảng phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để CB, ĐV nâng cao tính Đảng, giác ngộ lý tưởng XHCN, tận tụy phục vụ nhân dân. “Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác- Lênin” (7).
Coi trọng tự phê bình và phê bình - đây là thang thuốc hay nhất để phát huy ưu điểm, gột rửa những mặt xấu, “không để nhiều sai lầm nhỏ thành sai lầm to”. Hồ Chí Minh khẳng định “Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ”. Mỗi CB, ĐV hằng ngày cần thực hiện lời chỉ dẫn của Bác “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình”. Phải giáo dục cho CB, ĐV thấy rõ tự kiêu là tật xấu, “là mù quáng”, “đã tự kiêu tự ái thì không thể đoàn kết”. Thường xuyên bồi dưỡng tình thương yêu đồng chí, cầu thị học tập lẫn nhau để tích hợp kiến thức, phẩm chất, “Không nên ghen ghét, đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị” (8).
Hồ Chí Minh còn quan tâm đến biện pháp tăng cường quản lý, giữ nghiêm kỷ luật. Người kết luận “Tất cả CB, ĐV phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà thành công” (9). Người cũng rất kiên quyết với những CB, ĐV mắc bệnh kiêu ngạo, tự cao tự đại mà không cầu thị sửa chữa thì “Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”.
NGUYỄN THẾ TƯ
(1); (3); (5); (8) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, tập 5, tr.515; tr.255; tr.74; tr.54
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr.167
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sách đã dẫn, tập 9, tr.284
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sách đã dẫn, tập 7, tr.480
(7); (9) Hồ Chí Minh toàn tập, Sách đã dẫn, tập 8, tr.138; tr.344.
.
.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HỒ CHÍ MINH
Kiêu ngạo là thất bại
Thứ Năm, 21/08/2008, 14:33 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.