Trong chuyến công tác tại miền Trung mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Trần Doãn Thọ cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ để triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất đang trở thành hiện thực sau 10 năm chờ đợi từ đề xuất của Đà Nẵng.
Trong quá trình kết nối, mỗi địa phương phải xác định một thế mạnh của mình. TRONG ẢNH: Đà Nẵng xây dựng thương hiệu qua hoạt động thi bắn pháo hoa quốc tế. |
Trước thông tin này, ông Phạm Đình Khối, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, đây là một tín hiệu tốt lành cho khu vực miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, bởi trước tiên, để thu hút đầu tư thì mạng lưới giao thông phải đi trước một bước. Ông cũng mong muốn, cùng với tuyến đường cao tốc này, thì quốc lộ 1A đi qua địa phận các tỉnh miền Trung, nhất là từ Đà Nẵng đi Bình Định cũng phải được nâng cấp, mở rộng hơn nữa, đồng thời với việc xây dựng một tuyến đường ven biển hoàn chỉnh kết nối các tỉnh duyên hải trong khu vực này.
“Khi các đối tác đến miền Trung, họ chỉ dám bước xuống sân bay Đà Nẵng rồi ở lại đây, chứ không muốn đi bằng đường bộ đến các tỉnh phía Nam vì sợ… tai nạn giao thông do đường sá quá xấu. Như thế thì làm sao liên kết thu hút đầu tư mạnh mẽ được!” - Ông Khối nhấn mạnh. Bên cạnh tin vui về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sớm khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất, thì việc Ban Bí thư đồng ý với chủ trương xây dựng Hành lang Kinh tế Đông Tây 2 từ Đà Nẵng đi Băng Cốc (Thái Lan) qua cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam), Sêkông-Pắcxế (Lào)-ChongMek-Nakhon (Thái Lan) theo đề nghị từ phía Đà Nẵng trong cuộc làm việc mới đây về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng mở ra một cơ hội sáng sủa cho việc liên kết, trước tiên về giao thông và đi cùng với nó là phát triển kinh tế cho khu vực này.
Còn đối với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế, thì cùng với việc phát triển giao thông, các địa phương trong khu vực phải “chịu khó” ngồi lại với nhau để tính chuyện liên kết một cách cụ thể để tạo nên sự phát triển về chiều sâu, không để lãng phí hạ tầng đã được đầu tư cho mỗi địa phương. Sau rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, thì các địa phương đã có dấu hiệu “bắt tay” với nhau.
Đầu tiên là một cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng với Tỉnh ủy Quảng Nam để cho ra đời một “văn kiện” hợp tác toàn diện phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội… giữa hai địa phương này, được cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động cho từng năm. Tiếp theo đó là một bản “ghi nhớ hợp tác” giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi; là cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để trao đổi kinh nghiệm và tạo tiền đề cho việc hợp tác sau này.
Là người tâm huyết với việc “kết nối miền Trung”, ông Nguyễn Xuân Huế đề xuất, cần có nhiều hơn nữa những cuộc làm việc cụ thể như thế và mở rộng ra các địa phương trong khu vực, từ đó có những hoạch định khai thác lợi thế của từng địa phương, phân công phát triển cho từng tỉnh, thành và cho cả khu vực.
“Ngay cả như việc Đà Nẵng tập trung đầu tư phát triển khu công nghệ cao cũng là để phục vụ cho cả khu vực, trong đó có sự hỗ trợ cho hoạt động của Khu kinh tế Dung Quất, nhất là khi tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất được hình thành. Chúng tôi luôn ủng hộ sự đầu tư phát triển này. Nếu mỗi nơi có một hướng đi cụ thể thì việc giới thiệu, hỗ trợ thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn!’ - Ông Nguyễn Xuân Huế nhìn nhận.
Việc hợp tác phát triển miền Trung đã được nói đến từ rất lâu và rất nhiều, đến hôm nay, đã có những bước đi cụ thể như thế. Nhưng cần hơn nữa, là những cuộc làm việc giữa các cấp lãnh đạo địa phương trong khu vực phải được mở rộng hơn, trong đó cần có một “đầu tàu”!
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH