.
KIỂM TRA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 3 (KHÓA X) TẠI ĐÀ NẴNG

Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

.

Sáng ngày 21-8, Đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí do Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Tham dự có đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo do Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh trình bày, trong 2 năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm triển khai Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” cũng như các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực này. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục và truyền thông về phòng chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP); thành lập Ban Chỉ đạo về PCTNLP… thành phố đã thực hiện công khai, minh bạch tất cả các vấn đề liên quan, các lĩnh vực nhạy cảm trong quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản…; thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý điều hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Thành phố đã kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó phát hiện 52 trường hợp vi phạm; tổ chức thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đến nay, đã có 105 đơn vị triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập với 3.426 người kê khai. Về thực hiện các chế độ, chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ năm 2007 đến nay, thành phố đã tiết kiệm chi thường xuyên và nguồn thu để cải cách tiền lương là 66,7 tỷ đồng; tiết kiệm chi thường xuyên để khắc phục thiên tai và kiềm chế lạm phát là 42,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc thẩm định giá phục vụ mua sắm tài sản công, đấu thầu, thẩm định kết quả đấu thầu, thẩm tra hồ sơ thiết kế-dự toán và hồ sơ quyết toán các công trình hoàn thành… được tiến hành chặt chẽ, qua đó tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Thành phố đã tiến hành 282 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 5.857 đơn vị cơ sở qua đó phát hiện các dạng sai phạm trong công tác quản lý kinh tế-xã hội với tổng số tiền là 2,236 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1,973 tỷ đồng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra và đề nghị truy tố 4 vụ án tham ô với số tiền 2,5 tỷ đồng. Tòa án Nhân dân thành phố đã xét xử một vụ án với số tiền vi phạm hơn 362 triệu đồng, nhưng không nằm trong nhóm tội  tham nhũng… Qua công tác kiểm tra Đảng, đã phát hiện 189 đảng viên vi phạm, trong đó có 42 cấp ủy viên.

Qua thực tế, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của TNLP; nhiều người coi TNLP chỉ xảy ra ở nơi khác, còn mình thì không có; việc tự phát hiện TN vẫn là khâu yếu. Việc chỉ đạo, điều hành, phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động PCTNLP giữa các ngành, thậm chí giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật còn lúng túng…

Cùng với việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố cũng có những kiến nghị, đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả PCTNLP. Theo đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên trách; hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan; đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính; nhanh chóng thiết lập chế độ quản lý tiền tệ và thanh toán qua hệ thống ngân hàng; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Nhà nước…
 
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng kiến nghị, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực nhạy cảm, trong đó có việc lập hồ sơ thiết kế, dự toán các công trình quan trọng; xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PCTNLP có năng lực, tinh thần trách nhiệm và khách quan; bảo vệ, biểu dương những người tố cáo TN đồng thời với việc xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tố cáo chống TN để gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo…

Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành liên quan đã trả lời những vấn đề mà Đoàn kiểm tra quan tâm như: Việc xử lý 6 vụ việc có dấu hiệu TN như: Dự án Đồng Nò, Cụm cảng Hàng không miền Trung, Công ty Hữu Nghị…; công tác kiểm tra của Đảng; việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; vai trò giám sát của HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp… trong lĩnh vực PCTNLP.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Lê Hồng Anh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đà Nẵng. Đồng chí cũng lưu ý, thành phố cần giải quyết dứt điểm những vụ việc mà dư luận đề cập để tránh gây hoài nghi và khiếu nại vượt cấp.
 
Về thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Đà Nẵng phải xác định rõ là vị trí trọng yếu, là động lực của khu vực và cả nước nên cần làm tốt phát triển kinh tế-xã hội gắn với PCTNLP trên những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ cương hành chính; thực hiện tốt các quy định, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát thực tiễn có cách làm sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm; huy động sức mạnh toàn dân tham gia công tác PCTNLP…

Bên cạnh đó, thành phố cần thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa để phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp liên quan đến TN, không để kéo dài. Trong PCTNLP phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Tin và ảnh: N.THÀNH

;
.
.
.
.
.