Từ thế kỷ XVII-XVIII, đế quốc Pháp đã có tham vọng bành trướng xâm lược Đại Việt. Giáo sĩ kiêm thương gia Pháp Pierre Poivre đến Đàng Trong 1748-1749 đã viết: “Cần phải làm chủ hai cảng Cửa Hàn và Hội An. Vũ lực là phương tiện duy nhất phải được áp dụng”.
Ngay từ 1804, hoàng đế Napoléon III đã nói toạc ý đồ xâm lược của Pháp: “Hội truyền giáo nước ngoài sẽ rất có ích cho tôi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tôi sẽ cử các giáo sĩ đi điều tra tình hình ở các nước. Tấm áo của họ sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che giấu những mưu đồ chính trị và thương mại”.
Tường đá dưới chân núi Trường Định - Hòa Liên, Hòa Vang, nơi nhà Nguyễn đặt nơi đồn trú để chống Pháp. (Ảnh tư liệu - Anh Rô sưu tầm) |
Hạm đội Pháp đã hành quân cấp tốc từ sáng tinh mơ ở cuối đảo Hải Nam và đã đến vịnh Đà Nẵng ngay chiều tối hôm đó. Hạm đội Pháp gồm 14 tàu chiến, trong đó có soái hạm Némésis và hai chiến hạm phối hợp của Tây Ban Nha do đại tá Lanzarotte chỉ huy. Tổng số quân là trên 2.000, trong đó có 450 binh sĩ Tây Ban Nha. Trên soái hạm Némésis, ngoài Trung tướng R.d.Genouilly còn có Giám mục Pellerin, cố vấn chính trị.
Cuộc đối đầu thứ nhất: Sáng ngày 1-9-1858, Genouilly gửi một tối hậu thư cho quan trấn thủ Đà Nẵng buộc phải nộp các thành và pháo đài cho Pháp trong vòng hai giờ. Tổng đốc Nam-Ngãi Trần Hoằng có trong tay 3.000 quân án binh bất động. Chưa đến hạn cuối cùng, Genouilly đã ra lệnh khai hỏa, các đại bác trên các tàu chiến bắn xối xả vào Thành An Hải ở hữu ngạn và Thành Điện Hải ở tả ngạn sông Hàn. Sau nửa giờ cường tập bằng pháo, đại tá Reynaud dẫn các đại đội cùng một phân đội công binh đổ bộ lên bờ.
Quân ta đánh trả quyết liệt. Quân Pháp-Tây Ban Nha nhờ sự yểm trợ của pháo trên các tàu nên các cơ sở phòng ngự dọc bờ biển bị thiệt hại, chúng lần lượt chiếm được Thành An Hải cùng pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương và các đồn, đến chiều ngày 1-9-1858, toàn bộ bán đảo Tiên Sa bị giặc Pháp chiếm. Chúng muốn tiến quân ra Huế, nhưng một số bệnh dịch đã xảy ra trong đoàn quân viễn chinh làm chúng không thực hiện được ý định.
Được tin bán đảo Sơn Trà bị mất, vua Tự Đức liền cử Đô thống Lê Đình Lý và Tham tri Phan Khắc Thận đem 2.000 cấm binh tăng cường cho Đà Nẵng. Quân Pháp thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, cố chiếm Đà Nẵng để đánh Huế và kết thúc chiến tranh. Giám mục Pellerin cho rằng đánh Đà Nẵng không mấy khó khăn vì giáo dân sẽ nổi dậy ủng hộ quân Pháp-Tây Ban Nha.
Cuộc đối đầu thứ hai: Sáng ngày 2-9-1858, quân Pháp dùng 6 tàu và pháo thuyền bắn phá tập trung vào Thành Điện Hải. Sau nửa giờ bị bắn phá, Thành Điện Hải bị hư hại nặng, quân ta được lệnh rút lui khỏi thành và các đồn phụ khác. Sau khi phá hủy kho tàng và thu gần 450 đại bác các loại, quân địch rút xuống tàu trở về căn cứ Tiên Sa vì sợ quân ta phản công vào ban đêm.
Tổng đốc Trần Hoằng do để mất Thành An Hải và Thành Điện Hải đã bị vua Tự Đức bãi chức và quan Đào Trí lên thay. Ông đặt chỉ huy sở tại làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Đến lúc này, ở hữu ngạn sông Hàn ta vẫn làm chủ các đồn Hóa Khuê, Mỹ Thị, ở tả ngạn sông Hàn có đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián và Nại Hiên, đồng thời chiếm lại Thành Điện Hải để củng cố.
Quân Pháp khống chế vịnh Đà Nẵng và sông Hàn, Genouilly tuyên bố chiếm Đà Nẵng. Ngày 6-10-1858, Jauréguiberry chỉ huy một đoàn tàu tấn công các đồn của ta ở hữu ngạn sông Hàn, vây hãm đồn Mỹ Thị. Thống chế Lê Đình Lý dẫn quân chống trả, chiến đấu dũng cảm, nhưng vì trang bị vũ khí thô sơ, nhiều binh sĩ trúng đạn, Thống chế Lê Đình Lý cũng bị thương nặng, quân ta phải rút lui. Thống chế Lê Đình Lý, do vết thương quá nặng đã hy sinh. Sự hy sinh của ông đã khích lệ tinh thần quân ta, nhờ vậy họ đã giải vây được đồn Mỹ Thị. Vua Tự Đức truy phong Thống chế Lê Đình Lý.
Tình hình Đà Nẵng ngày càng khó khăn, vua Tự Đức quyết định cử Thống chế Nguyễn Tri Phương làm Thống chế quân vụ và Tổng đốc Phạm Thế Hiển làm Tham tá quân vụ. Các ngày 21 và 22-12-1858, quân Pháp đưa tàu ngược sông Hàn sâu hơn để đánh các đồn Nại Hiên và Hóa Khuê. Hai Hiệp quản Nguyễn Triều và Nguyễn An đã chỉ huy quân ta đánh trả quyết liệt và dũng cảm. Chẳng may hai vị tướng anh hùng này đã bị tử thương ngay tại chiến tuyến, nhưng quân ta đã đẩy lui được quân địch.
Vua Tự Đức truy phong thăng cấp hai quan Hiệp quản và giáng chức Thống chế Nguyễn Tri Phương vì đã để hai quan Hiệp quản hy sinh. Vua chỉ dụ Thống chế nghiên cứu mưu sách đánh địch. Rút kinh nghiệm từ các trận Nại Hiên và Hóa Khuê, Thống chế cho xây thành đắp lũy kiên cố và Tham tá Phạm Thế Hiển cho đắp phòng tuyến Liên Trì vào tháng 12-1858. Chính nhờ vậy mà quân Pháp nhiều lần tấn công các đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, Thạc Gián đã bị các tướng Tống Phước Minh, Nguyễn Duy và Phan Khắc Thận đánh lui. Để yên tâm, Thống chế Nguyễn Tri Phương cho xây thêm một đồn mới ở Liên Trì vào tháng 1-1859.
Một lần nữa, quân Pháp tấn công đồn Thạc Gián và Nại Hiên, nhưng quân ta phục kích đánh lui được địch. Vua Tự Đức đã ban tặng Thống chế Nguyễn Tri Phương thanh ngự kiếm và một ít sâm quế để ủy lạo. Thống chế lại cho đắp một lũy đất khá dài bao quanh Thành Điện Hải, các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài lũy làm những hố chông, phía sau lũy luôn luôn có quân mai phục, sẵn sàng nổ súng đánh trả.
Trong một cuộc tiến công quy mô của quân Pháp đánh úp từ ba mặt vào phòng tuyến của ta, quân xâm lược đã bị sa bẫy, một phần rơi xuống hố chông, phải rút lui xuống tàu để tháo chạy. Vua Tự Đức vui mừng trước chiến thắng này, đã thưởng 100 quan tiền và một bữa rượu thịt khao quân tham gia trận đánh.
Năm 1858, thời tiết tỉnh Quảng Nam nắng nóng kéo dài, tiếp đến là mưa dầm dễ làm phát sinh dịch bệnh kiết lỵ, dịch tả, sốt nhiệt đới trong đoàn quân viễn chinh làm cho quân địch chết gấp nhiều lần so với số lượng tử vong do chiến sự. Mặt khác, không hề có một sự nổi dậy của giáo dân ủng hộ Pháp như Giám mục Pellerin nói.
Ở mặt trận Đà Nẵng, bất kỳ đàn ông nào không tàn tật, đau ốm đều gia nhập những đội dân quân mới thành lập mà Phạm Gia Vịnh là một dân quân nổi tiếng thời đó. Ngược lại trong hàng ngũ địch, tình hình bệnh dịch lan tràn, trong số 880 lính chỉ còn khoảng 500 là còn khả năng cầm súng được vào trung tuần tháng 1-1859. Nhân dân ở Sơn Trà thực hiện “vườn không, nhà trống” bất hợp tác với địch.
Trước tình hình đó, R.d.Genouilly ngày 2-2-1859 rời Đà Nẵng dẫn quân vào Nam để đánh Gia Định. Chỉ bốn hôm sau đó, đại tá Faucon, ngày 6-2-1859 đã dẫn quân đi đánh đồn Hải Châu nhưng đã bị Thị vệ Hồ Oai cùng các tướng Tôn Thất Thi và Nguyễn Nghĩa đẩy lùi, bắn chìm ba giang thuyền của địch.
Ngày hôm sau 7-2-1859, Faucon đánh đòn trả thù đồn Hải Châu với cường độ dữ dội hơn. Quân ta đánh trả quyết liệt, hai Hiệp quản Trần Trinh Lương và Lê Văn Da đều tử trận, Đô đốc Tống Phước Minh không giữ nổi đồn phải lui quân về giữ đồn Phước Ninh. Sau đó, nhờ tướng Nguyễn Duy đem quân chi viện đánh lui được quân địch, thu hồi đồn Hải Châu, nhưng quân ta đã hy sinh gần 1.000 binh sĩ.
Đến tháng 3-1859, Faucon mở cuộc tấn công mới vào các đồn Hải Châu và Thạc Gián, các quan Đào Trí và Tôn Thất Hàm ra sức chỉ huy, quân ta chiến đấu ngoan cường nên địch không chiếm được đồn Hải Châu. Ở đồn Thạc Gián, dưới sự chỉ huy của Phó Vệ úy Phạm Gia Vịnh, phòng tuyến vẫn được giữ vững.
NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG