.

Kỳ 1: Tìm lại dấu tích cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858)

.

Năm ngoái, tôi thật sự tâm đắc khi chứng kiến “Hội làng Khuê Trung và Lễ tế những nghĩa sĩ hy sinh tại Đà Nẵng” trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 được Sở VHTT (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp với quận Cẩm Lệ tổ chức tại phường Khuê Trung.

Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp, tôi tìm lại “dấu xưa” của cuộc chiến tranh ngày ấy. Bởi, đây cũng là sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2008 này và là niềm tự hào của nhân dân Đà Nẵng nói chung trong diễn trình chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Súng thần công tìm thấy trong thành Điện Hải.

Nghiên cứu về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp năm 1858 tại Đà Nẵng, tôi luôn đeo đuổi một câu hỏi: Kho quân lương của triều đình đặt ở đâu trên địa bàn Đà Nẵng lúc bấy giờ? Qua tìm hiểu những cụ già tại Khuê Trung, tôi được biết rằng: Khu vực Kho lương thực Đà Nẵng trước đây chính là làm trên nền của kho lương cũ. Vì lẽ, khối phố Bình Hòa hiện nay trước kia dân thường gọi là đất “Thổ khố” (đất kho) hay gọi nôm na là Xóm Kho; hơn nữa theo nhiều người già trong làng thì vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, người ta vẫn còn thấy các dãy nhà “lục khố” (6 kho) của triều đình đổ nát và xiêu vẹo trên nền đất xưa.
 
Tôi tin vào những lời kể này vì: Thứ nhất, con đường sông xuyên Quảng Nam đến Đà Nẵng nhanh nhất và thuận tiện, an toàn nhất chính là sông Vĩnh Điện (chính sông này hợp lưu với sông Cẩm Lệ, rồi đổ ra cửa sông Hàn). Khối phố Bình Hòa ngày nay lại nằm giữa giao điểm của 2 sông Hàn và Cẩm Lệ. Thêm vào đó, xét tất cả các địa điểm kế cận Đà Nẵng của huyện Hòa Vang lúc bấy giờ, chỉ có làng Cẩm Lệ là gần sông nhất, có bến đò tấp nập lại gần với đại bản doanh của quân đội triều đình (đóng ở làng Nghi An (thuộc phường Hòa Phát) và bên kia sông là Thị An (thuộc phường Hòa Quý hiện nay). Trong nhiều lần điền dã tại Khuê Trung và ven núi Phước Tường trước đây, tôi còn bắt gặp nhiều đoạn thành, hào được dựng bằng tre đứt quãng, dấu tích còn lại của chủ trương “lập thành rồi từng bước tiến bức địch” của Nguyễn Tri Phương năm nào.
 
Ngược sông Cẩm Lệ, đến làng Tứ Câu, tôi được người dân nơi đây chỉ cho biết nơi triều Nguyễn xây dựng các cơ pháo binh nhằm chặn đường tiến quân của quân Pháp nếu chúng muốn tiến đánh tỉnh thành La Qua ở Vĩnh Điện. Theo gia phả của họ Võ ở Tứ Câu thì Tú tài Võ Đăng Xuân có trọng trách lập cơ pháo binh Diên - Nam (tức huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam – Tác giả) án ngữ cửa sông Vĩnh Điện để phòng bị giặc Tây. Căn cứ vào sử liệu trên và dựa vào lời kể của các cụ già làng tại đây tôi dễ dàng tìm thấy dấu vết của “trận địa pháo” ngày xưa như sau: Một cứ điểm đóng tại Quán Mồng (nay là vườn nhà ông Kiểm Đôn làng Bồ Mưng, xã Điện Hòa).

Cứ điểm thứ 2 ở làng Quá Giáng xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cách cứ điểm thứ nhất chừng 300m. Cứ điểm thứ 3 được bố trí tại vườn nhà ông Biện Ngạn (nay là nhà ông Hương Khuê) làng Tứ Câu xã Điện Ngọc. Bấy giờ, điểm này được đặt nhiều khẩu thần công lớn để chặn đường tiến quân của địch đến tỉnh thành La Qua, nên đến nay nhân dân ở đây vẫn còn gọi địa danh này là Cồn Súng.

Thú vị nhất là khi căn cứ vào cuốn “Hòa Vang huyện chí” của tú tài Trần Nhật Tĩnh, tôi làm một chuyến du khảo ngược dòng Cu Đê để tìm lại dấu vết của cuộc chiến năm nào. Ngay cửa sông Cu Đê về phía Tây độ vài trăm mét, ta dễ dàng nhận thấy núi Xuân Dương, miêu tả về núi này, tác giả “Hòa Vang huyện chí” viết: “Về phía Nam núi Xuân Dương có mỏm đá ra tận đến biển, nước rất sâu, người dân địa phương có lập đền thờ thần Hà Bá, đền rất linh thiêng.

Năm Tự Đức thứ 12 (tức năm 1859) quân Pháp xâm phạm Đà Nẵng, Ban Biện quân vụ là Trần Đình Túc và Đốc binh Nguyễn Nhàn được phân giữ cửa này. Cách phía Đông chừng 50 trượng, có đắp đồn để canh giữ”. Tôi dò dẫm tìm dấu vết của đồn xưa nhưng chỉ thấy cây cối um tùm, chiều tà đang ngã bóng xuống dòng Cu Đê. Tiếp tục ngược dòng Cu Đê trong lúc chiều tà, tôi sững người trước vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Cồn Soi. Về cồn này, Tú tài Trần Nhật Tĩnh viết: “Nơi sông Cu Đê gặp Suối Nước lạnh tục gọi là Ngã Ba, giữa dòng có một cồn cát nổi lên chừng nửa mẫu, cát trắng như bột bạc.
 
Bốn phía có đá đẹp lạ dựng đứng như bức tường thành, những hôm trời nắng, ánh sáng của đá như mặt gương, ánh hoa trắng đỏ, cây lá xanh tươi, ánh sáng rọi vào nhau, thực là một cảnh đẹp lạ thường! Bố chánh sứ Quảng Nam Thân Văn Tiếp dừng lại đây rất lâu để ngắm cảnh ấy”. Tôi tiếp tục ngược dòng Cu Đê, đến các núi Trường Định, Phò Nam, Nam Yên theo hướng dẫn của cuốn “Hòa Vang huyện chí” và đều gặp dấu tích của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ.

Đúng như Trần Nhật Tĩnh viết “Năm Tự Đức thứ 12, giặc Pháp xâm phạm cửa Câu Đê. Ngài Đại sứ Nguyễn Tri Phương sai tùy biện là Nguyễn Đình Thi đến phía tây núi Trường Định ước cách vài trăm trượng đắp đồn để phòng ngự, gọi là đồn Trường Định, dựa vào thế núi ở phía đông bắc, tức là  nơi này”.

Căn cứ vào ghi chép trên, tôi tìm thấy dấu vết một đoạn tường thành xưa hiện còn lại. Thành được làm bằng những tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau. Một người dân địa phương cho biết: Sau năm 1975 vẫn còn thấy rõ toàn bộ hình chữ nhật của thành này, sau đó dân dỡ đá về xây đình, xây nhà nên chỉ còn hai đoạn dài, mỗi đoạn chừng 40 mét. Tôi cũng đi tìm “đồn Quan Nam” như ghi chép của tác giả “Hòa Vang huyện chí” là: “Năm Tự Đức thứ 12, ngài Đại sứ Nguyễn Tri Phương sai Nguyễn Văn Thi đắp đồn ở phía bắc núi Phò Nam để phòng ngự quân Pháp. Võ Trác chịu trách nhiệm canh giữ ở đó và gọi đó là đồn Quan Nam”. 

LƯU ANH RÔ  
                          

;
.
.
.
.
.