>> Kỳ 1: Đà Nẵng - Cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược 1858-1860
Cuộc đối đầu thứ ba: Vào Nam Bộ chiếm được Thành Gia Định, Genouilly trở ra Đà Nẵng ngày 15-4-1859. Năm ngày sau, ngày 20-4-1859, viên tướng này tấn công dữ dội Thành Điện Hải. Quân ta đánh trả quyết liệt dưới sự chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương, nhưng hỏa lực địch mạnh làm cho quân ta phải rút lui, Thành Điện Hải bị quân địch chiếm.
Quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công đồn Hóa Khuê. |
Quân ta dựa vào lũy bắn trả kịch liệt quân địch. Hiệp quản Phan Hữu Điển tử trận. Liệu thế không chống nổi, Thống chế Nguyễn Tri Phương cho bỏ phòng tuyến thứ nhất để bảo toàn sinh mệnh cho binh sĩ, rút về cố thủ ở phòng tuyến thứ hai với các đồn Liên Trì, Nại Hiên và Nghi Xuân. Quân địch không dám tấn công nữa.
Sau trận thắng 8-5-1859, quân Pháp-Tây Ban Nha lại rơi vào đại bại; trong các tháng 2, 6 và 7-1859, các trận dịch tả đã phát ra dữ dội làm quân địch bị bệnh và chết tăng lên rất nhiều. Trước tình trạng đó, ngày 20-6-1859, Tướng Genouilly đề nghị Triều đình Huế đàm phán với 3 yêu sách: tự do truyền đạo, tự do thương mại và được chiếm hữu một lãnh thổ để bảo đảm việc thi hành hòa ước.
Những điều kiện đó làm vua Tự Đức khó chấp nhận. Triều đình có nhiều ý kiến trái ngược nhau, vua Tự Đức bèn giao cho Thống chế Nguyễn Tri Phương cầm đầu phái đoàn hiệp thương. Cuộc hiệp thương kéo dài trong hai tháng 7 và 8-1859 mà không đi đến kết quả. Genouilly cho rằng ta không thiện chí, ngày 7-9-1859 cắt đứt cuộc hiệp thương, âm mưu đánh chiếm phòng tuyến thứ hai và giao cho thiếu tá Déroulède vạch kế hoạch hành quân quy mô và chu đáo.
Ngày 15-9-1859, quân Pháp-Tây Ban Nha mở cuộc tấn công với ba cánh quân: cánh hữu do Reybaud đánh chiếm đồn Liên Trì và hệ thống phòng thủ phụ thuộc; cánh tả cũng do Reybaud chỉ huy đánh chiếm đồn Nại Hiên và hệ thống phòng thủ phụ thuộc; cánh giữa là quân Tây Ban Nha do Lanzarote chỉ huy đánh chiếm các cơ sở phòng thủ nối liền đồn Liên Trì và đồn Nại Hiên.
Về phía quân ta, phòng tuyến thứ hai là một hệ thống đồn lũy, công sự nối liền đồn Liên Trì cho đến đồn Nại Hiên, dài trên 1.500m với hai lớp hào đầy chông tre, lũy đất vững chắc, nhiều ụ đại bác… kiên cố hơn phòng tuyến thứ nhất bị thất thủ ngày 8-5-1859.
Quân Pháp mở đầu cuộc hành quân lúc 4 giờ sáng ngày 15-9-1859. Cánh hữu của Pháp chạm trán 2.000 binh sĩ của ta dũng cảm xông ra khỏi chiến lũy giáp chiến với quân địch làm chúng có nguy cơ bị đẩy lùi, nhưng nhờ cánh quân của Breschin ứng cứu nhờ vậy quân địch trở nên thắng thế. Tham tán Phạm Thế Hiển cho quân ta rút khỏi đồn Liên Trì và đồn Phước Ninh, tập kết ở đồn Chân Sơn để ngăn chặn quân địch tiến ra Huế.
Cánh quân bên tả tiến đánh đồn Nại Hiên, đồn Hóa Quê và đồn Mỹ Thị, quân ta mất người chỉ huy nên bị rối loạn làm đồn Nại Hiên lọt vào tay quân địch, tuy nhiên quân ta vẫn làm chủ đồn Mỹ Thị và Hóa Quê.
Thống chế Nguyễn Tri Phương tập họp quân còn lại của phòng tuyến Liên Trì-Nại Hiên rút về Hải Vân. Quân Pháp dùng pháo để khống chế việc rút quân của ta nhưng không thành công.
Sau trận đánh này, ngoài số chết và bị thương, chết bệnh, quân Pháp kiệt quệ về sức khỏe và chán nản tinh thần. Trung tướng Genouilly cũng mệt mỏi tinh thần và ốm đau, nhận thấy chiến tranh ở Việt Nam gay go không dễ chiến thắng, không còn hăng say và niềm tin như ban đầu, trở nên vô cùng chán nản và đệ đơn về Paris xin từ chức tháng 6-1859. Thiếu tướng Page thay thế và đến Đà Nẵng ngày 19-10-1859.
Quân Pháp dù thắng nhưng không dám giữ các đồn mà chỉ phá hủy rồi rút về bán đảo Sơn Trà hay căn cứ Điện Hải.
Cuộc đối đầu thứ tư: Thiếu tướng Page muốn ra oai với Triều đình Huế, không lấy phòng tuyến thứ hai của ta làm mục tiêu mà nhằm vào các đồn và pháo đài ở chân đèo Hải Vân.
Ngày 18-11-1859, Page điều động soái hạm Néméris và hai tàu chiến nữa, khai hỏa vào pháo đài Điện Hải và đồn Chân Sản rất dữ dội. Hỏa lực của ta tập trung bắn soái hạm. Nhiều quả đại bác của ta bắn trúng tàu Néméris ở quanh phòng chỉ huy, một quả đã cắt đôi người đại tá Déroulède (người vạch kế hoạch đánh Đà Nẵng) làm một số binh sĩ bị thương, may mà Page thoát chết. Page ra lệnh các tàu chiến pháo kích dữ dội rồi cho sĩ quan Desaulx dẫn 300 quân chiếm đồn Chân Sản, quân ta phải rút lui vào núi.
Vua Tự Đức rất lo ngại, lệnh cho Thống chế Nguyễn Trọng Thao đem quân từ đèo Hải Vân đánh xuống đồn Chân Sản. Các quan Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở các đồn Câu Đê và Hóa Ổ đem quân đánh phối hợp, quân Pháp không chống nổi bỏ đồn Chân Sản xuống tàu chiến thoát ra khơi vào tháng 1-1860.
Trước đó vào tháng 12-1859, Page đề nghị Triều đình Huế ký hòa ước 11 điểm, trong đó có việc giao hảo, giao thương, tự do truyền đạo, đặt sứ giả tại Huế. Ngày 29-1-1860, Page nhận thấy không đạt được hòa ước nên cắt dứt đàm phán.
Triều Napoléon III cho rằng Page đã tỏ ra vô kỷ luật vì trận đánh ngày 18-11-1859 là một cuộc tấn công không cần thiết, gây tử vong một số sĩ quan giàu kinh nghiệm, Page bị khiển trách và giáng cấp. Page rời Đà Nẵng vào Sài Gòn với nhiệm vụ mới. Quân Pháp chỉ còn đóng giữ Sơn Trà, An Hải, Điện Hải và chẳng làm được gì hơn.
Hơn một tháng sau, ngày 23-3-1860, đoàn quân viễn chinh Pháp đóng tại Đà Nẵng dưới quyền của đại tá Toyon được lệnh rời khỏi Đà Nẵng để tham chiến ở Trung Hoa, sau khi triệt hạ mọi cơ sở xây dựng trên bán đảo Tiên Sa và để lại một nghĩa trang với 1.500 ngôi mộ của lính Pháp và Tây Ban Nha.
Giữa nghĩa trang, trong một ngôi nhà nguyện nhỏ đặt một tấm bia bằng đá trên đó ghi những dòng chữ: “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigaud de Genouilly bị chết trong những năm 1858-59-60 và được an táng ở đây”.
Vua Tự Đức hoan hỉ xuống chiếu cho thần dân như sau: “Lòng can đảm và sự hy sinh của các tướng sĩ ta đã chiến thắng vẻ vang quân Tây dương. Lợi dụng những chiến thắng đó để làm cho quân địch vô phương, ngõ hầu đem lại thái bình và an ninh cho xứ sở, vì phúc lợi tối thượng của thần dân trung thành của Trẫm. Đó là niềm mong mỏi thiết tha nhất của Trẫm”.
NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG