.

Kỳ 2: Tìm lại dấu tích cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858)

.

Tại chân núi Nam Yên (thuộc xã Hòa Bắc), tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Khi quân Pháp phong tỏa đường đèo Hải Vân thì đường công văn, quân vụ từ Huế vào Đà Nẵng là chỗ nào? Về con đường này, Tú tài Trần Nhật Tĩnh chép: “Núi Nam Yên có một con đường tắt ra Huế rất thuận lợi và nhanh chóng.

       >>> Kỳ 1: Tìm lại dấu tích cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858)

Một cán bộ Viện Viễn Đông bác cổ khảo sát nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha trên bán đảo Sơn Trà năm 1927. (Ảnh tư liệu, Anh Rô sưu tầm)

Năm Tự Đức thứ 12, Bố chính tỉnh Quảng Nam là Thân Văn Tiếp thường đi bộ trên con đường này để khám tra, so với các con đường khác, kể cả con đường trung lộ qua núi Hải Vân thì con đường này có lẽ tốt hơn. Ngoài ra còn có một con đường khác, bắt đầu từ phía Bắc núi Trường Định, lên đến một chót cao, hình giống yên ngựa.

Từ đó đi xuống phía Đông vài trăm trượng đến Hốc Chuối là nơi tuyệt đẹp”. Được sự giúp đỡ của anh Đoàn Quốc Việt - một cán bộ xã Hòa Bắc, chúng tôi đã cắt đường rừng nhằm hướng núi Yên Ngựa mà đi thì đúng đây là con đường bộ độc đạo ngắn nhất ra Huế. Đứng cạnh một hốc đá lớn, nhìn xuống bên dưới là thị trấn Lăng Cô tôi chợt nhận ra vì sao lại có câu: ‘Bữa mai em đi chợ Huế, bữa xế em đến chợ Hàn!”. Chỉ có điều, tôi không tìm thấy gốc cây gỗ khắc chữ chỉ dấu dẫn đường như Trần Nhật Tĩnh đã đề cập!

Nhiều người chưa tìm hiểu thấu đáo cuộc chiến tranh chống Pháp tại Đà Nẵng nên đã chê trách vua Tự Đức không quan tâm đến “việc mất nước đến nơi này”. Tôi đã tìm thấy rất nhiều lần Tự Đức mất ăn, mất ngủ về cuộc chiến này. Ông cũng là người ban thưởng rất hậu cho dân Đà Nẵng, Hòa Vang, Điện Bàn trong dịp Tết năm 1858.

Ông cũng là người ban chiếu kêu gọi thân hào, địa chủ góp tiền xây dựng nghĩa trủng cho những người chết trong cuộc chiến này, đó là sự ra đời của nghĩa trủng Phước Ninh. Khác với nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh được xây dựng vào năm 1876. Theo như tấm bia hiện còn tại nghĩa trủng xưa thì: Viên trấn thủ Đà Nẵng lúc bấy giờ là Nguyễn Quý Linh và lãnh binh Trương Tải Phủ thấy cảnh dập vùi những nắm xương lạc loài sau trận chiến Cửa Hàn đã “vâng mệnh triều đình” kêu gọi thân hào, nhân sĩ và đồng bào ở Đà Nẵng và Hòa Vang để xây dựng nghĩa trủng này.
 
Về việc lạc quyên để làm việc nghĩa này, tôi được ông Mai Phước Ngọc cung cấp một văn bản như sau: “Bộ lễ tuân phụng sao lục: Phụng mệnh đức vua, nay quan phòng thủ cửa biển Quảng Nam ông Nguyễn Chánh Tâm đã tư báo ý định của triều đình về việc lạc quyên xây dựng nghĩa trủng. Quan thừa dịch Nam Ô trước đây là ông Mai Văn Văn, đã tài trợ 100 quan tiền để xây nghĩa trủng. Kinh qua việc này, chiếu thể lệ thi hành, bổn Bộ đã khởi thảo văn bản xin được gia thưởng. Nhà vua đã phê chuẩn và tự tay ký lệnh biểu dương khích lệ. Đến đây xin trân trọng trích sao những nét nổi bật của văn bản ấy. Ông Mai Văn Văn cựu quan thừa dịch trạm Nam Ô tuân phụng.

Tự Đức nhị thập cửu niên, thập nhị nguyệt, thập nhị nhật”. Như vậy, theo văn bản này cho ta hay rằng, sau khi thôi chức thừa dịch trạm Nam Ô, ông Mai Văn Văn đã cúng cả 100 quan tiền để xây nghĩa trủng. Theo suy luận của tôi, văn bản này ra đời năm 1876, vậy thì ông Văn góp tiền để xây nghĩa trủng Phước Ninh chứ không thể là Hòa Vang được. Có nghĩa trủng của những người chiến thắng thì cũng có nghĩa địa dành cho người bại trận, dân ta gọi là “khu mộ Tây” tại chân núi Sơn Trà hiện nay.

Tuy nhiên, gần đây trong khi sưu tầm tài liệu tại Cục lưu trữ Trung ương I (thành phố Hồ Chí Minh) tôi tìm thấy một bộ hồ sơ và nhiều hình ảnh của Trường Viễn Đông bác cổ về khu nghĩa địa này. Trong thư, Viện Viễn Đông bác cổ đề nghị toàn quyền Đông Dương (thư đề ngày 25-5-1921) cần tu sửa khu nghĩa địa này có đoạn: “Một cán bộ ở Viện Viễn Đông bác cổ đi công tác ở Tourane đã đến viếng thăm nghĩa trang này, và rất xúc động trước tình trạng này. Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng.
 
Chung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18-12-1859”. Tôi cố công đi tìm “cái hốc đựng hơn 1.500 bộ hài cốt” như văn bản này đã cho biết nhưng không thể được. Theo cụ Hà Kỳ Ngộ (hiện 98 tuổi) từng làm tại hãng Staca của Pháp hồi đầu thế kỷ này thì, cái hầm mộ đó được đào sâu chừng 4m cạnh khu nghĩa địa hiện nay, đến năm 1937 vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên vị trí mà ông cho biết hiện là khu quân sự, chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận khảo sát thêm.

Đã 150 năm trôi qua, cuộc chiến tranh xưa chưa phai nhòa trong ký ức của những thế hệ con cháu sống tại đất Hàn ngày nay song những gì còn lại đến nay vẫn là vốn quý cho chúng ta khảo chứng và chiêm ngưỡng. Ước sao, nhân dịp kỷ niệm 150 năm này, ai đó xây dựng một tour du lịch “tìm lại dấu xưa”, để mà hiểu hơn, yêu hơn một thời máu lửa của cha ông!

LƯU ANH RÔ

;
.
.
.
.
.