.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20-8-1888 – 20-8-2008)

Bác Tôn - người chiến sĩ trung kiên của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế

.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người dân Việt Nam gọi thân mật là Bác Tôn. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị rơi vào tay thực dân Pháp xâm lược, chứng kiến sự hành hạ, đối xử bất công của chúng đối với người dân nước Việt, Bác Tôn sớm xuất hiện tình cảm yêu nước, căm thù thực dân.

Cùng với tiếng vang của các nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương và nhiều tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp đã in sâu trong tâm hồn cậu bé Tôn Đức Thắng. Từ hành trang yêu nước, thương nòi ấy, năm 1906 đến 1909, Bác Tôn theo học ở Trường Kỹ nghệ Viễn Đông rồi vào làm công nhân ở Nhà máy đóng tàu Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn. Ở đây, Bác Tôn đã từng tổ chức bãi công năm 1912, năm 1914 Bác bị bắt lính sang Pháp và làm thợ máy cho một đơn vị Hải quân Pháp. Năm 1919, Bác tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của đế quốc Pháp vào nước Nga Xô viết tại Hắc Hải. Năm 1920, Bác về nước, xây dựng cơ sở Công hội, vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8-1925).

Đền thờ Bác Tôn tại Cù lao Ông Hổ, An Giang. Ảnh VĂN PHƯƠNG

Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn mở ra vào một ngày cuối năm 1926, khi nhận được chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Bác Tôn nhanh chóng tán thành gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tán thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, trong con người Tôn Đức Thắng, yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, cũng đồng thời là trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin đã nâng lòng yêu nước chân chính của anh công nhân Tôn Đức Thắng lên một tầm cao mới, thêm sức mạnh và hăng hái lao vào hoạt động cách mạng. Năm 1927, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ thành lập, Bác Tôn được cử là một thành viên trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ và trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Ở cương vị này, Bác đã tích cực tuyên truyền giác ngộ và cùng các đồng chí của mình tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng mác-xít chân chính ở Việt Nam… Cuối năm 1929, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì Bác bị mật thám Pháp bắt, đưa về Khám lớn Sài Gòn, giặc dùng mọi cực hình tra tấn tàn bạo hòng khai thác những tin tức về cách mạng. Nhưng chúng đã thất bại trước khí phách kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ Cộng sản. Bác Tôn bị Pháp kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ở nơi “địa ngục trần gian”, Bác vẫn vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cùng các đồng chí ở Banh 1 thành lập Chi bộ đặc biệt và trở thành một trong những người lãnh đạo của chi bộ cùng anh em trong tù tiếp tục đấu tranh.

Tại nhà tù Côn Đảo, năm 1930 Bác Tôn đã chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ ta đưa tàu ra đón trên 2.000 người tù chính trị Côn Đảo về đất liền. Tự tay Bác Tôn lái một chiếc tàu vượt biển, đưa anh em về trong niềm vui khôn tả của đồng bào, đồng chí và người thân. Tuy phải tù đày cả quãng thời gian gần 17 năm liền, tuổi cũng đã cao, nhưng Bác Tôn không muốn có một ngày nghỉ ngơi mà lập tức bắt tay vào công việc cách mạng. Bác được cử làm Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến và phong trào cách mạng từ vùng sông nước Cửu Long đến khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 6-1-1946, đồng bào Nam Bộ cùng nhân dân cả nước nô nức tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam mới, Bác Tôn được bầu làm đại biểu Quốc hội. Theo quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Tôn được điều động ra Bắc nhận nhiệm vụ mới là Phó trưởng Ban Thường trực cơ quan lập pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Phong trào thi đua yêu nước, Bác Tôn được giao trách nhiệm đứng đầu cuộc vận động rộng lớn và quan trọng này. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Tôn được Trung ương cử ra thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Theo đề nghị của Bác Hồ, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Bác Hồ qua đời, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và giữ trọng trách này đến những ngày cuối cùng của cuộc đời…

Từ khi trở thành một người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, Bác Tôn vẫn sống như một người bình thường, hòa vào cuộc sống của mọi người, quen nếp sống tự lập, tự phục vụ mình. Bác Tôn thường tự làm lấy những công việc mà mình có thể làm được để giảm bớt sự vất vả cho các đồng chí giúp việc…

Khiêm nhường, tận trung với nước luôn là điều dễ nhận thấy ở Bác Tôn. Tháng 10-1975, về thăm quê ở Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, Bác Tôn chỉ nhận mình là một người được Đảng và Nhà nước cho phép về thăm quê nhà. Trong cách ăn mặc hằng ngày, Bác Tôn cũng rất giản dị. Có lần, các đồng chí ở miền Nam đến thăm thấy Bác Tôn mặc chiếc áo ấm cũ có nối thêm một đoạn cho khỏi ngắn, đã cảm động hỏi làm sao Chủ tịch nước lại mặc áo nối? Bác Tôn vui vẻ trả lời: “Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”. Sự giản dị và tấm lòng vì dân của Bác Tôn thật hồn hậu biết bao! Đối với đồng bào, đồng chí, đặc biệt là với các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, Bác Tôn thường xuyên dành tình cảm ân cần chăm lo. Được tặng Giải thưởng Lê-nin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và kèm theo mười vạn rúp, Bác Tôn đã ủng hộ số tiền này cho Phong trào bảo vệ thiếu nhi thủ đô. Số tiền một vạn rúp các bạn Liên Xô trao để mua quà tặng, Bác Tôn cũng chỉ dùng một phần nhỏ để mua một chiếc cối xay hạt tiêu tặng người vợ thân yêu, còn lại đem gửi trả bạn…

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một người cộng sản mẫu mực, người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo kính mến, biểu tượng đại đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta, người chiến sĩ trung kiên của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Sống gần trọn 92 mùa xuân (qua đời ngày 30-3-1980), Bác Tôn đã cống hiến 70 năm đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc bảo vệ hòa bình trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Trọn đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu tấm gương sáng ngời về phẩm chất cao đẹp của người Cộng sản. Đạo đức cách mạng của Bác Tôn luôn là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên tích cực học tập, rèn luyện, noi theo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

THY PHƯƠNG
(Biên soạn, tổng hợp tư liệu)

;
.
.
.
.
.