Chủ tịch Tôn Đức Thắng có rất nhiều cống hiến đối với cách mạng Việt Nam và thế giới. Đồng chí không những là người thành lập Công hội bí mật - tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam; góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, một chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2008), Báo Đà Nẵng xin trích giới thiệu những hoạt động cách mạng của đồng chí tại nhà tù Côn Đảo.
Đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn tháng 7-1929, một năm sau đó chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Gần 10 năm bị giam ở ngục tù, đồng chí đã tỏ rõ là một người chiến sĩ cộng sản bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân, đây là hội tù Côn Đảo đầu tiên nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và trong cuộc sống hằng ngày, từ đó gần gũi giác ngộ cách mạng cho những người tù không phải là cộng sản.
Nhiều tù nhân đã được giác ngộ, một số lưu manh cũng được cảm hóa bởi tình cảm chân thành của người cộng sản Tôn Đức Thắng. Đồng chí là một trong những đảng viên thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo. Chi bộ thành lập đã mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, nhằm những mục tiêu cụ thể trước mắt và những mục tiêu lâu dài. Đồng chí đã đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và tồn tại của hai tờ báo Ý kiến chung và Tiến lên của chi bộ, góp phần trong việc thống nhất tư tưởng và hành động của những người tù cộng sản ở Côn Đảo.
Khi chi bộ thực hiện chủ trương “biến nhà tù thành trường học cộng sản”, đồng chí tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức đó. Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ địch, đồng chí tìm cách tiếp cận báo chí cách mạng, sách kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, tài liệu của Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế cứu tế đỏ cung cấp cho các đảng viên ở tù làm tài liệu học tập. Khi biết tin phát xít Đức điên cuồng tấn công Liên Xô, trong nội bộ tù Côn Đảo đã diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt.
Bằng kiến thức lý luận vững chắc, tầm hiểu biết thực tiễn, đồng chí đã lý giải và truyền niềm tin vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng cho mọi người, góp phần làm ổn định tư tưởng đảng viên trong chi bộ. Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, nội bộ tù nhân có sự phân hóa, cùng các đảng viên kiên trung trong chi bộ, đồng chí đã vạch rõ sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa phát xít, khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Vận dụng sáng tạo thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí đã tham gia đánh bại những luận điệu phản động của một số tù nhân theo quan điểm Quốc dân đảng cố tình vu khống, xuyên tạc chủ nghĩa Cộng sản, gieo rắc tư tưởng học thuyết “đấu tranh sinh tồn”, giúp họ nhận rõ những sai lầm trong tư tưởng và hành động.
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và làm kẻ thù khiếp sợ. Tấm gương người cộng sản kiên cường đó đã khẳng định: Dù kẻ thù dùng mọi chính sách khủng bố cực kỳ dã man đến mấy cũng không thể nào ngăn cản được bước tiến của cách mạng, trái lại nó trở nên một thứ lửa thử vàng rèn luyện người chiến sĩ cách mạng càng thêm cứng rắn…
HOÀI AN (Theo Ban Tuyên giáo Trung ương)
.
.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20-8-1888 - 20-8-2008)
Những năm tháng kiên cường ở nhà lao Côn Đảo
Thứ Sáu, 15/08/2008, 08:55 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.