.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20-8-1888 - 20-8-2008)

Tôn Đức Thắng, từ chủ nghĩa yêu nước đến lý tưởng cộng sản

Trong chuyến hành phương Nam năm 2007, đoàn tham quan của cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng may mắn được các bạn đồng nghiệp Báo An Giang đưa đi tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang.

Khu tưởng niệm nằm trong một khuôn viên rộng lớn và đẹp như một công viên, có rất nhiều cây xanh cổ thụ và ríu rít tiếng chim kêu. Sau khi tham quan các căn phòng trưng bày rất nhiều tranh ảnh, tài liệu, hiện vật gắn với cuộc đời và hoạt động của một chiến sĩ cách mạng, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đã đến thăm căn nhà Bác Tôn, nơi đã sản sinh ra người cộng sản kiên trung, một chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bác Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888, trong một gia đình nông dân khá giả giàu truyền thống yêu nước tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng đầy thử thách khắc nghiệt. Người dân sống trên vùng đất này cần cù lao động, giàu tình thương người và rất dũng cảm trước thiên tai.

Thân phụ của Bác Tôn là Tôn Văn Đề và thân mẫu là Nguyễn Thị Dị, theo những người ở Cù lao Ông Hổ kể lại, họ là những nông dân cần cù, hiền lành, chất phác. Bác Tôn là con trai đầu lòng, sau Bác có một em trai và hai em gái. Khi Bác Tôn cất tiếng khóc chào đời, cũng là thời điểm bọn thực dân Pháp mở rộng xâm lược ra toàn cõi Việt Nam, và đó cũng là thời điểm mà phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ ở khắp ba kỳ nhằm chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp…

Thời thơ ấu, Bác được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Người thầy đầu tiên là nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông kinh nghĩa thục”. Thầy Năm Khách thường kể cho cậu học trò Tôn Đức Thắng về những sự kiện ở quê hương, giảng giải đạo làm người, giáo dục tình yêu đất nước và lòng trung thành với sự nghiệp của cha ông. Truyền thống quê hương và tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của các nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Dương,… đã in sâu trong tâm hồn Bác Tôn, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.

Năm 1906, Bác Tôn tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên, nhưng từ chối ra làm việc cho các chức sắc ở làng, từ chối điều kiện thuận lợi gia đình tạo cho để trở thành công chức. Năm 1907, với tuổi thanh niên rực lửa, trong lòng mang nặng truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, khoan dung của quê hương và nỗi nhục, nỗi đau của người dân nô lệ bị mất nước, mất độc lập tự do, Bác Tôn lên Sài Gòn học việc và dự kiến thực hiện hoài bão của đời mình. Ý chí tự lập ngay từ khi tuổi còn trẻ là một nét độc đáo góp phần tạo nên tính cách toàn diện của Tôn Đức Thắng sau này.

Ngay từ khi còn là học sinh của Trường Bá Nghệ Sài Gòn, Bác Tôn là một trong những người tổ chức nhiều cuộc bãi khóa để phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào nông dân ở nhiều nơi. Sau khi tốt nghiệp Trường Bá Nghệ, Bác gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam và làm việc tại Xưởng sửa chữa tàu Ba Son. Tại đây, Bác Tôn đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son thắng lợi, ghi một dấu ấn đầu tiên trong quá trình hoạt động của mình. Làm thủy thủ trên tàu viễn dương, đi đến nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều tầng lớp người dân trong xã hội, cũng như Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên trẻ Tôn Đức Thắng đều nhận thức ra rằng, ở đâu, người lao động cũng là người cùng khổ, bị bóc lột, đàn áp. Và chính từ tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, tình yêu thương con người nồng nàn đã đưa Bác Tôn đến với tình yêu quốc tế bao la. Sự kiện người thanh niên Việt Nam Tôn Đức Thắng tham gia cuộc binh biến của Hải quân Pháp ở Hắc Hải năm 1919, để ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga, là một minh chứng cụ thể về tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả của Bác Tôn.

Rõ ràng, từ lập trường của người yêu nước, hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm hòa mình và tham gia, tổ chức các phong trào bãi công bãi khóa của công nhân, học sinh… đã chuyển biến tư tưởng của Bác Tôn từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó cũng giải thích vì sao, khi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Bác Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản…

HOÀI AN (Ghi chép và tổng hợp)

;
.
.
.
.
.