.
KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY NHÂN DÂN ĐÀ NẴNG NỔ SÚNG KHÁNG PHÁP (1-9-1858 - 1-9-2008)

Tuyến đầu giữ đất

.

Nuôi tham vọng đánh chiếm Đà Nẵng mạnh mẽ và dai dẳng, từ chỗ tự đưa vào trong Hiệp ước Versailles (1787) điều khoản cắt hải cảng Đà Nẵng làm nhượng địa cho mình, đến hai lần nổ súng khiêu khích trong các năm 1843, 1845, và cuối cùng đến năm 1857, kế hoạch xâm lược Việt Nam đã được Pháp thông qua với mục tiêu đầu tiên là Đà Nẵng.

Theo các chuyên gia, nếu không kể cố đô Huế thì thành Điện Hải là một trong số ít di tích về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở miền Trung.

Với một lực lượng tham chiến hùng hậu, gồm 16 chiến hạm trang bị đại bác có sức công phá lớn, khả năng sát thương cao, tổng quân số 2.350 lính Âu - Phi, lại thêm 2 đại đội “lính bản xứ” gồm các giáo dân phản động, bọn thổ phỉ và dân phu Tàu, ngay trong ngày đầu tiên (1-9-1858) liên quân Pháp- Tây Ban Nha đã phá hủy hầu hết các vị trí phòng thủ của quân ta dọc cửa biển, khiến cho chúng tin chắc có thể “đánh nhanh thắng nhanh” để tiến quân ra Huế bắt triều đình Việt Nam đầu hàng. Nhưng thực tế sau đó cho thấy những toan tính của chúng đã vấp phải một ý chí kháng chiến kiên cường của cả Triều đình và quân dân Việt Nam tại mặt trận này.

“... Gây thiệt hại cho họ vài tấc đất hôm nay thì họ sẽ chiếm lại ngày mai…”

Triều đình Huế đã nâng cao ý thức phòng giữ Đà Nẵng: Cho xây dựng mới và tu bổ các pháo đài, trang bị thêm các vũ khí hạng nặng và  tăng quân đồn trú cho cửa biển này. Cho đến năm 1858, đây là nơi có hệ thống phòng thủ lớn nhất, hoàn bị nhất so với các cửa biển khác trong cả nước. Vua Tự Đức đã chỉ đạo khá sát sao mọi kế hoạch chiến đấu tại mặt trận Đà Nẵng: Kịp thời cho biền binh vào ứng cứu, liên tiếp cử các tướng lĩnh giỏi vào chỉ huy, từ Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý, Tham tri Phan Khắc Thận, Hồng lô tự khanh Nguyễn Duy, Thống chế Chu Phúc Minh, đến cả vị võ tướng tài ba Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ Nam Kỳ cũng được triệu ra giao trọng trách Tổng thống quân thứ Quảng Nam.

Những ai có kế sách hay đều được tin dùng, khen thưởng, không kể thành phần xuất thân là quan lớn hay nhỏ, như trường hợp Trần Nhật Hiển chỉ là một đội trưởng nhưng tâu kế sách “lưới đánh giặc, thuyền đánh giặc, bè đánh giặc và thuật đánh giặc” liền được Tự Đức ban khen và chỉ dụ các tướng lĩnh triển khai thực hiện. Đối với những trường hợp phạm lỗi thì tùy mức độ nặng nhẹ để nghiêm phạt. Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng và Tôn Thất Phan, Tôn Thất Cháy để mất hai thành An Hải, Điện Hải liền bị cách chức. Các suất đội Bùi Ngữ, Hồ Văn Đa khiếp sợ khi gặp giặc đều bị chém đầu. Quân lệnh không trừ một ai, ngay cả Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển trong một trận giao chiến để mất các đồn cũng bị giáng chức.

Về phía quân, dân thì một lòng kiên quyết chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Kẻ địch phải thừa nhận những người lính Việt Nam là “các chiến binh anh dũng”, họ ẩn mình trong những cái hố chữ phẩm có phên che giữa bãi đất bằng rồi thình lình vọt lên sáp chiến, còn dân chúng thì “tuy sống trong tình trạng bị đe dọa nhưng lúc nào cũng vui vẻ chờ ngày đánh chúng ta [quân Pháp]”. Nhân dân Đà Nẵng thực hiện vườn không nhà trống, cùng với dân các phủ huyện lân cận lập các độ dân dõng, chiến tâm cùng chiến đấu bên cạnh quân Triều đình và tích cực phục vụ chiến trường như xay lúa tải lương, đào hào đắp lũy, lấp sông Vĩnh Điện chặn đường tiến quân của địch.

Những quan lại Quảng Nam đang công cán tại các miền đất nước cũng dâng sớ xin được về quê mộ quân đánh giặc. Hưu quan Phạm Gia Vĩnh đang quy dân lập ấp cũng chiêu tập được 1.000 người lập đội quân Nghĩa Dũng từ Hà Đông (nam Quảng Nam) kéo ra đánh Pháp. Đến những thầy giáo, nho sinh ở các tỉnh phía Bắc cũng chiêu mộ văn thân, nho sĩ, tráng dân phiên thành quân ngũ kéo vào xin “chia lửa với Sơn Trà”. Nhiều trận chiến đấu oanh liệt của quân ta diễn ra tại các đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, Cẩm Lệ gây cho địch nhiều tổn thất. Một sĩ quan Pháp phải than thở: “Để làm gì khi gây thiệt hại cho họ vài tấc đất hôm nay thì họ sẽ chiếm lại ngày mai… Nếu tiếp tục thế này, cuộc chiến sẽ kéo dài hàng trăm năm”.

Không có một chiến thắng nào khác sánh bằng

Chiến thuyền của liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ngày 1-9-1858.

Vậy là, với một lực lượng luôn được tăng viện, tổng cộng lên hơn 3.000 quân, với một tham vọng kết thúc quá trình xâm lược Việt Nam chỉ trong 3 tuần lễ, nhưng thực tế lại bị vây chặt tại mặt trận Đà Nẵng đến 18 tháng 22 ngày, cuối cùng quân xâm lược đành phải chấp nhận cái kết cục bi đát là bỏ hẳn mặt trận này, để lại nơi đây “một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá”.

Ý nghĩa to lớn trong việc giữ vững Đà Nẵng của quân dân ta không chỉ giới hạn ở phạm vi Đà Nẵng mà quan trọng nhất là qua đó đã giữ được kinh đô Huế, cơ quan đầu não của quốc gia. Đây là lần đầu tiên quân dân ta phải chiến đấu với một kẻ thù mới - thực dân phương Tây với những chiến hạm vượt đại dương được trang bị những vũ khí tinh xảo, có độ bắn chính xác, khả năng sát thương cao, lại được tôi luyện qua các cuộc chiến tranh ở chiến trường châu Âu và đã chinh phục nhiều thuộc địa.
 
Hơn nữa, điểm lại lịch sử 87 năm chống Pháp (1858-1945) thì đây là chiến thắng lớn nhất, oanh liệt nhất, không có một chiến thắng nào khác sánh bằng. Ở trong Nam, khi quân Pháp tấn công, chỉ sau 2 ngày đại đồn Chí Hòa đã thất thủ; hơn 1 tháng sau phủ Tân Bình bị mất và trong vòng 13 tháng sau đó, các thành Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long đều thất thủ. Bi đát hơn, với 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên chỉ sau 5 ngày bị tấn công đã rơi vào tay giặc! Ở phía Bắc, chỉ trong vòng 3 tuần lễ giặc đã chiếm được Hà Nội và 5 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình.

Thực tế đó cho thấy với chiến trận tại Đà Nẵng, Triều đình Huế biết kiên quyết tổ chức quân dân chiến đấu nên giành được thắng lợi. Nhưng sau đó vì Triều đình không còn trông cậy, tin tưởng vào sức chiến đấu của toàn dân, không kiên quyết tổ chức chiến đấu đến cùng, lại lần lượt trượt dần vào việc “nghị hòa” để đến nỗi mất dần, và cuối cùng mất hẳn chủ quyền dân tộc vào tay quân xâm lược.

Trước tàu đồng súng lớn của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, Đà Nẵng vẫn kiên cường đứng vững. Thế mà 25 năm sau, éo le thay, cùng cảnh ngộ với các tỉnh, thành khác, nơi đây phải trở thành một bộ phận đất thuộc địa bởi hiệp ước Quý Mùi do Triều đình Hiệp Hòa ký ngày 25-8-1883, và sau đó là  đất “nhượng địa” của Pháp bởi đạo dụ ngày 1-10-1888 của Đồng Khánh.     
                                              
NGÔ VĂN MINH

;
.
.
.
.
.