.
KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 – 1-8-2008)

Nhớ lời Bác dặn về công tác tư tưởng

Công tác tuyên giáo của Đảng luôn được xác định là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng của toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Đồng thời, là cơ sở để nâng cao và khẳng định vị trí tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức… Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, nhà tư tưởng - văn hóa kiệt xuất của Đảng là người chiến sĩ đầu tiên hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng. Sự trưởng thành mạnh mẽ và  những thành tựu công tác tuyên giáo trong suốt 78 năm qua của Đảng ta đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trực tiếp từ sự quan tâm sâu sắc của Người.

Nói về công tác tư tưởng - văn hóa, Bác khẳng định: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Có thể nói rằng, toàn bộ sự nghiệp công tác tuyên giáo 78 năm qua và những đòi hỏi, phương hướng mới đối với công tác tuyên giáo đều đã được thể hiện và quán triệt sâu sắc, tổng kết từ những lời dạy của Bác về công tác tuyên giáo.

78 năm qua, từ khi Đảng ta ra đời đến nay, công tác tuyên giáo của Đảng đã góp phần xứng đáng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong 20 năm đổi mới của đất nước, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác tuyên giáo của Đảng có nhiều đổi mới cả về nhận thức lẫn hoạt động, cả về nội dung lẫn phương thức, tiếp tục góp phần tích cực vào thành công của công cuộc đổi mới… Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định: tư tưởng dẫn đầu; Đảng phải quan tâm đến giáo dục tư tưởng và lãnh đạo quá trình tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Người nhấn mạnh: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng.

Phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư  tưởng”, và “Mục đích của chính Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”. Người đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, xem đó là mặt trận mà mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy. Theo sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tư tưởng trong toàn Đảng và trong xã hội. Công tác tư tưởng được đánh giá đã  đóng góp lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng.
 
Trong công cuộc đổi mới đất nước, công tác tư tưởng vẫn luôn được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu, các nghị quyết của Đảng đều đề cao vị trí, vai trò của công tác tư tưởng và yêu cầu phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng… Thực hiện tư tưởng của Bác, Đảng ta đã coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Công tác tư tưởng của Đảng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế, coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng về đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, công tác tư tưởng đã tạo ra sự chuyển biến quan trọng về nhận thức trong Đảng và trong toàn xã hội, khắc phục tư tưởng quan liêu bao cấp, khẳng định các nguyên tắc của đổi mới, chống lại các biểu hiện dao động, bi quan, giáo dục đổi mới tư duy về kinh tế, về CNXH ở nước ta, từng bước thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tăng cường phát triển quan hệ với các nước, chủ động hội nhập kinh tế, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước.

Trên đà phát triển của kinh tế - văn hóa, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện, mức hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao… Với Bác, phương thức công tác tư tưởng có một vị trí rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bác chỉ ra rằng, sau khi có đường lối, chủ trương rồi, phải có biện pháp thực hiện tốt. Công tác tư tưởng, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức “Tư tưởng thông, mọi người hăng hái thực hiện kế hoạch mới tốt”.

Từ thực tiễn hoạt động phong phú của mình, Người đã chỉ dẫn rất cụ thể về phương thức tiến hành công tác tư tưởng. Người dạy: Nói và viết phải giản dị, ai cũng hiểu được, trong đó Người tuyên truyền phải tự thông tư tưởng trước. Trong các phương thức công tác tư tưởng, Bác cho rằng: nêu gương người tốt việc tốt là cách làm tốt nhất, có tác dụng nhiều mặt, qua đó “xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”… Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phương thức công tác tư tưởng của Đảng ta trong những năm đổi mới đất nước có những đổi mới đáng kể, đó là hướng về cơ sở, giải quyết những vấn đề từ cơ sở, công tác tư tưởng đặc biệt chú ý phương pháp thuyết phục, nêu gương, tăng cường đối thoại, khắc phục tình trạng độc thoại và huy động tất cả các phương tiện thông tin đại chúng cùng làm tốt công tác tư tưởng.
 
Trong 2 năm qua, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động, các “binh chủng” báo, đài, báo cáo viên thành phố Đà Nẵng đã vào cuộc với tinh thần đi sâu, đi sát cơ sở. Qua đó, phát hiện, nêu gương biểu dương những điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân trong việc chuyển biến “làm theo” đạo đức của Bác. Có thể nói, khí thế lan tỏa từ Cuộc vận động trong công tác tư tưởng của thành phố đã góp phần đáng kể, tạo niềm tin để nhân dân quyết tâm, đồng thuận cùng chính quyền thành phố vượt qua khó khăn trước mắt về tình hình kinh tế, cùng chia sẻ với Chính phủ trong công tác kiềm chế lạm phát…

Đất nước trong thời kỳ tiếp tục đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác tư tưởng phải luôn vững vàng trong công tác, tư duy chính trị, chủ động và sắc bén hơn nữa trong việc phát huy nhân tố mới, đẩy lùi tiêu cực, bác bỏ các luận điệu sai trái và đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Những bài học về công tác tư tưởng của Bác sẽ luôn là động lực để những người công tác trên mặt trận tuyên giáo phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) của Đảng về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” vừa là động lực, vừa là đòi hỏi để những người làm công tác tư tưởng - văn hóa nhìn lại vai trò của mình, hoạt động tốt hơn, nâng cao tầm trí tuệ, tầm nhìn, nâng cao năng lực hoạt động nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

THY PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.