Cả ngày hôm qua, 19-8, cuộc đối thoại với các hộ dân khiếu nại kéo dài của lãnh đạo thành phố dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, diễn ra công khai và dân chủ, có sự tham dự của các các ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Nhiều vấn đề đã được đưa ra nhằm tìm hướng giải quyết sau khi Thủ tướng Chính phủ thông báo kết luận chấm dứt xem xét, giải quyết khiếu nại, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận…
Tìm hướng giải quyết sau kết luận
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh trả lời ý kiến người dân.
Ngay trong phần nhận xét của Báo cáo số 1116/TTCP-V.IV ngày 17-6-2008 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) gửi Thủ tướng Chính phủ, do Chánh Văn phòng UBND thành phố Nguyễn Văn Cán công bố tại cuộc đối thoại, đồng ý với việc giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, khiếu nại của 11 hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện các dự án, đã được UBND thành phố xem xét giải quyết kịp thời và có chính sách hỗ trợ thêm cho công dân như: bố trí thêm đất tái định cư, hỗ trợ thêm tiền…
Qua kiểm tra, rà soát lại các vụ việc trên, TTCP nhận thấy: Các dự án mà UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện đã có nhiều hộ chấp hành di dời giao mặt bằng dự án cho Nhà nước…Mỗi dự án còn lại một số hộ không chấp nhận, liên tục khiếu nại đã được nhiều cấp xem xét giải quyết đúng quy định của pháp luật, nên không thể giải quyết khác được. Yêu cầu các hộ chấp hành quyết định giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Tài nguyên và Môi trường… Một số hộ dân khiếu nại về mức chênh lệch giữa giá đất đền bù khi thu hồi với giá đất tái định cư, tiền đền bù không đủ mua lại lô đất tái định cư. Qua xem xét thấy: Giá đất tái định cư cao hơn giá đất khi thu hồi là đúng. Thực tế khi thu hồi đất ở thời điểm nào thì UBND thành phố đã có quy định giá đất đền bù và giá đất tái định cư tại thời điểm đó.
Từ những nhận xét đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 11 hộ dân thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Tài nguyên và Môi trường; chấm dứt việc xem xét giải quyết khiếu nại của 11 hộ dân nêu trên. Kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 5-8-2008 của Văn phòng Chính phủ.
Từ ý kiến kết luận này của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Việc đối thoại với các hộ dân là thành ý của lãnh đạo thành phố. Lãnh đạo thành phố mời các hộ dân đến đối thoại, không phải để nói đúng hay sai, mà là để làm thế nào cho tốt hơn!”
Vẫn còn những tiếng nói riêng
Mặc dù lãnh đạo thành phố đã nêu lên thành ý của mình như vậy, nhưng để bênh vực quyền lợi của mình, đại diện các hộ dân vẫn nêu lên những vấn đề mà họ cho rằng còn bức xúc. Bà Vũ Thiện Thu Hoài và đại diện các hộ dân Thái Văn On… cho rằng, việc lấy đất của họ để phân lô bán nền là không đúng với pháp luật. Tất cả đều mong muốn được tái định cư tại chỗ với diện tích đất ngang bằng với diện tích đất mà họ đang sử dụng khi tiến hành giải tỏa. Việc giá bán đất tái định cư quá cao so với giá đền bù là không hợp lý, không đủ điều kiện để họ làm nhà, sinh sống…
Tuy nhiên, theo báo cáo sau khi rà soát các vụ việc của TTCP, các khiếu nại trên đều đã được UBND thành phố giải quyết đúng pháp luật. Chẳng hạn, dự án mở rộng, nâng cấp Sân vận động Chi Lăng, đường Triệu Nữ Vương (nối dài) phải giải tỏa 175 hộ dân, trong khi đó đất quy hoạch chia lô chỉ có 45 lô. UBND thành phố đã có quy định những hộ dân có đủ 3 điều kiện mới được tái định cư tại chỗ, nên một số hộ dân phải chịu di dời, tái định cư nơi mới… Ngoài ra, những vấn đề thuộc về “lịch sử” để lại như việc thu hồi 1.140 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cấp sai thẩm quyền, đã gây nên những vụ khiếu nại đến hôm nay. Đó là trường hợp của các hộ Hồ Thị Mai (phường Hòa Hiệp), Hồ Ngọc Phước (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu)…
Các trường hợp cụ thể, đã được lãnh đạo thành phố cũng như đại diện các ban, ngành liên quan giải thích một cách cặn kẽ. Thế nhưng, vẫn còn những tiếng nói riêng, không đồng tình với cách giải quyết đó, nhất là việc khai thác quỹ đất, chênh lệch giá đền bù và tái định cư...Mặc dù Bí thư Thành ủy gợi mở về hướng giải quyết “thấu tình” là sẽ xem xét hỗ trợ một phần từ tiền bán giá cao diện tích đất bà Dung đang sử dụng, nhưng ông Hồ Ngọc Phước, đại diện hộ ông Hồ Ngọc Anh vẫn không chấp nhận và yêu cầu phải đập nhà bà Dung để trả đất cho ông. Trong khi đó, TTCP kết luận “Một phần diện tích đất nằm trong chỉ giới đường bộ, gia đình ông Hồ Ngọc Anh không trực tiếp sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, do đó không có cơ sở để giải quyết giao lại cho gia đình ông sử dụng”!...
Trước những đòi hỏi đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói: Nếu những đòi hỏi quá cực đoan thì không thể gặp nhau được. Cần phải có thiện chí, vì lãnh đạo thành phố luôn tìm cách giải quyết tốt nhất. Đa số người dân đã đồng tình với cách làm của lãnh đạo thành phố. Theo quan niệm của lãnh đạo thành phố, thì việc khai thác quỹ đất ở các vệt đường mới mở là phục vụ lợi ích công cộng, không lấy đất đó chia cho một cá nhân ai. Quan niệm đó cũng căn cứ trên luật pháp. “Trong quá trình làm nhiều, thì cũng có một vài sơ suất. Nhưng những cách làm của thành phố đều từ tấm lòng của người dân và vì người dân. Tôi tin người dân Đà Nẵng biết có những thiệt thòi nhưng họ cũng vì sự phát triển của thành phố nên chấp nhận những thiệt thòi cá nhân đó!”-Đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Cũng trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh kết luận, thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì phải chấp hành, kể cả UBND thành phố cũng như các hộ dân. Tuy nhiên, qua cuộc đối thoại này, lãnh đạo thành phố sẽ tìm ra những vấn đề thuộc về tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để giải quyết trên tinh thần thiện chí!
|
Bài và ảnh NGUYỄN THÀNH