.
MỞ VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TƯ TẠI ĐÀ NẴNG

Luật có hiệu lực nhưng phải chờ đề án

.

Luật Công chứng có hiệu lực đã hơn một năm (từ 1-7-2007). Đến nay đã có 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép hoạt động công chứng tư (Văn phòng công chứng-VPCC). Các VPCC đi vào hoạt động tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng dịch vụ công và người dân là đối tượng hưởng lợi. Tại Đà Nẵng, việc cấp phép mở VPCC vẫn phải chờ UBND thành phố phê duyệt đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

VPCC ra đời sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh về chất lượng dịch vụ công mà người hưởng lợi là người dân. TRONG ẢNH: Giao dịch tại Phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp.


Giải thích vấn đề vì sao thành phố chậm triển khai  đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng để cấp phép hoạt động cho VPCC, bà Võ Thị Như Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết: Sở đã trình đề án lâu rồi, từ tháng tư và đang chờ UBND thành phố phê duyệt. Khi được hỏi đã có hồ sơ nào nộp về Sở đề nghị lập VPCC chưa? Bà Hoa cho biết, hiện đã có một người “đang có ý định” mở VPCC nhưng mới chỉ có đơn thôi.
 
Hỏi tên người “có ý định” này, bà Hoa không nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Nguyễn Vũ Minh Nguyệt, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hải Châu vừa nghỉ hưu là người có đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ đề nghị mở VPCC tại UBND thành phố từ cuối tháng 2-2008. Hồ sơ của bà không chỉ có đơn mà đầy đủ thủ tục theo đúng quy định tại Điều 27 của Luật Công chứng.
 
Tại Khoản 2, Điều 27 quy định rất rõ: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập VPCC, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập VPCC. Trong trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật”. Như vậy, bà Nguyệt nộp hồ sơ tính đến nay đã được một khoảng thời gian hơn 5 lần thời hạn (20 ngày làm việc) quy định.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp-Bộ Tư pháp và được ông trả lời: Lập đề án để thực hiện biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được quy định tại Luật Công chứng. Ở Đà Nẵng mới chỉ có một hồ sơ duy nhất đề nghị mở VPCC cho nên không nhất thiết phải chờ có đề án mới cấp phép hoạt động cho VPCC. Đề án không thể trên luật.

Cần nhận thức rằng: Không nên phân biệt công hay tư giữa VPCC của tư nhân lập và Phòng công chứng là đơn vị thuộc Sở Tư pháp bởi vì cả hai đều thực hiện cung cấp dịch vụ công. Chính quyền không mất tiền đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện, trả lương cho bộ máy mà chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Vậy hà cớ gì không khuyến khích và tạo điều kiện, thậm chí nên có chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế để xã hội hóa lĩnh vực này.

Ông Thất cũng cho biết, Bộ Tư pháp có nhận được công văn của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ có hướng dẫn thêm. Theo ông Thất quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, trong Luật Công chứng cũng không quy định Nhà nước chỉ định khu vực  hay địa điểm được đặt VPCC. Không cần phải hỏi Bộ Tư pháp, thành phố Đà Nẵng nên tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các địa phương có nhiều VPCC như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

 

VPCC ra đời góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực công chứng. Để giữ chân “khách hàng”, VPCC sẽ có nhiều hình thức phục vụ ngoài cả 8 giờ “vàng ngọc” của Nhà nước, phục vụ tại nhà, tại cơ quan, đơn vị theo yêu cầu của khách hàng.

Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp và VPCC do tư nhân lập nên đều phải tuân thủ các nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; khách quan, trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

 

Bài và ảnh: HOÀNG ANH
;
.
.
.
.
.