.

Nỗi bức xúc dai dẳng

.

Thành phố Đà Nẵng chỉ có 118 thôn của huyện Hòa Vang với gần 120 nghìn nhân khẩu. Thế nhưng, hiện khu vực này tỷ lệ người dân dùng nước sạch đủ tiêu chuẩn rất thấp, khoảng trên 20%.

Người dân thôn Trung Sơn vẫn phải vất vả đi xa gánh nước về dùng.

Thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên (Hòa Vang) chỉ cách phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) một con đường nhỏ và cách chợ Hòa Khánh vài ba cây số. Thế mà đến nay, 177 hộ ở thôn này đang phải dùng nước ngầm bị ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Giảng kéo chúng tôi ra giếng nước giãi bày: “Nước múc lên thì trong lắm. Để một chốc đọng cặn thành lớp. Giặt áo trắng ít bữa vàng khè.

Dùng nước này tắm bị ghẻ lở”. Bà vạch lưng áo chỉ những nốt lở trên người cho hay: “Do tắm nước giếng đó. Đi làm về mệt, không có điều kiện lên các hộ phía trên gánh nước về dùng”. Theo bà, có đến 1/3 hộ ở thôn Trung Sơn này có giếng nước tương tự mà toàn những hộ sát ruộng và gần Khu công nghiệp Hòa Khánh nhất. Như để khẳng định cho điều vừa nói, bà tiếp tục kéo chúng tôi sang các nhà bên cạnh. Tại giếng nước gia đình các chị Hà Thị Sang, Hà Thị Bốn, nguồn nước cũng bị ô nhiễm như vậy.

Vừa sáng sớm, ông Lê Văn Qua, ở tổ 4, Trung Sơn đã quảy đôi thùng lên nhà trên cách đó chừng trăm mét gánh nước. Hỏi ông tại sao không dùng nước giếng nhà mình, ông cho hay: “Nhà tôi ở gần ruộng, nước ô nhiễm lắm, dùng không được. Thôn này chỉ có các nhà phía trên đường bê-tông nước có thể dùng tạm, tức là tắm rửa không bị lở ngứa”. “Thế nước dùng đun uống và thổi cơm hằng ngày lấy ở đâu?”, “Trước đây múc từ giếng lên lắng lọc, cứ thế dùng. Còn nay, nước ô nhiễm quá, nhiều hộ sợ bị bệnh nên mua nước đóng chai về dùng. Cứ một tuần hết 2 bình loại 10 lít.
 
Nước này gánh về chỉ dùng tắm giặt, rửa rau”. Ông Mai Tấn Xí cho hay: Nước sạch ở thôn này bức xúc đã lâu. Đại biểu HĐND các cấp về tiếp xúc cử tri, vấn đề đầu tiên bà con kiến nghị là giải quyết khâu nước sạch, nhưng nhiều năm nay có thấy gì đâu! Vừa qua nghe thông báo một tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ xây 2 bể lớn chứa nước sạch cho cả thôn, tuy chưa triển khai nhưng bà con không đồng tình với giải pháp này. Điều bà con mong muốn là được đầu tư đưa nước thủy cục về. Nếu cần phải đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con sẵn sàng, miễn là nhanh chóng có nước sạch đủ tiêu chuẩn để dùng cho đời sống hằng ngày.    

Ở xã Hòa Liên còn 7-8 thôn như vậy. Ông Nguyễn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết: Toàn xã có 11 thôn, đến nay 3 thôn đã được dùng nước thủy cục. Các thôn phía trên dùng nước ngầm nhưng đỡ hơn bởi xa Khu công nghiệp Hòa Khánh. Bức xúc nhất là 2 thôn Trung Sơn và Vân Dương. Khu vực này là đất cát, nước trong, nhưng không dùng được. Nói về mức độ ô nhiễm, ông Thu nói: Đã có cơ quan nào xét nghiệm mẫu nước đâu mà biết!

Nước giếng ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên bị ô nhiễm.

Ở xã Hòa Phước, 100% hộ vẫn dùng nước ngầm bị nhiễm phèn khá nặng. Hoặc như xã Hòa Phong, đến nay chỉ có 6/15 thôn có nước tạm dùng được. Thôn có nhiều người mắc bệnh ung thư Phong Nam xã Hòa Châu, đến nay vẫn chưa có nước sạch dùng. Vấn đề nước sạch nông thôn ở Đà Nẵng là sự bức xúc dai dẳng. Việc triển khai các dự án cấp nước tuy có, nhưng vừa manh mún, vừa chậm trễ. Với tiến độ đầu tư nhỏ giọt như hiện nay, bao giờ nông thôn mới có nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn để dùng?

Ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB, đơn vị quản lý nước sạch nông thôn cho biết: Vốn đầu tư cho lĩnh vực này không nhiều, chủ yếu từ nguồn chương trình mục tiêu của Chính phủ, do vậy chỉ triển khai ở những thôn tình hình nước sạch quá bức xúc như ở Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong.

Dự án quy mô nhỏ, lấy nước ngầm tại chỗ nên số hộ dùng chưa nhiều. Hỏi ông về tiêu chuẩn đánh giá nước sạch nông thôn, kể cả các dự án đã triển khai, đưa Quyết định số 51/ 2008/ QĐ-BNN ban hành bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ông cho hay: Nếu chiếu theo quyết định này thì tỷ lệ dùng nước sạch  bảo đảm tiêu chuẩn còn thấp hơn nhiều so con số báo cáo hiện nay. Để xét nghiệm đánh giá một mẫu nước phải đạt trên 20 chỉ tiêu về các loại chất có trong nước. Về việc này, hiện nay, chi cục chưa thực hiện được, bởi rất tốn kém và cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Phải nói rằng, nước sạch nông thôn ở Đà Nẵng chưa được đầu tư đúng mức. Vì sức khỏe người dân, vấn đề nước sạch cần được ưu tiên. Theo ông Lê Duy Vọng, nông thôn Đà Nẵng cách đô thị không xa, do vậy giải pháp khả thi nhất là đưa nước thủy cục về.
        
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu 

;
.
.
.
.
.