.

“Pháo đài” giữa vùng rốn lũ

.

“Trong đời tôi, đã hơn 70 tuổi, nhưng lần đầu tiên mới cảm nhận được sự nguy hiểm từ một trận lũ kinh hoàng như năm vừa rồi. May mà có nhà trú ẩn đa năng chứ không thì hàng trăm người trong thôn ni chạy lũ không kịp. Nước lên nửa đêm, răng mà đi cho kịp…”.

Nhớ lại cơn lũ lịch sử tháng 11-2007 hoành hành trên địa bàn miền Trung, mà nặng nhất là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, bà Lê Thị Cẩm, người dân tổ 25, khối phố An Lưu, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn vẫn còn sợ hãi…

Mùa bão lũ năm nay, người dân khối phố Mân Quang có thêm niềm vui khi địa phương sắp hoàn thành ngôi nhà trú ẩn đa năng thứ hai ngay tại khu phố.


Nhớ lại trận đại hồng thủy năm ngoái, nhiều người dân như bà Cẩm đều có chung một cảm xúc khó tả khi đang ở trong ngôi nhà trú ẩn nhìn về dòng nước xoáy từ sông Vĩnh Điện tiếp tục dâng cao trắng xóa và ngập từng căn nhà. Nhà bà Cẩm nằm sát sông nên bị ngập nặng. Gia đình bà là hộ dân được di dời khẩn cấp vào nhà trú ẩn đa năng để an toàn tính mạng.

Trong đợt lũ năm ngoái, bà Cẩm ở ba ngày rưỡi tại nhà trú ẩn đa năng. Khi nước rút hết mới trở về dọn dẹp nhà cửa. Trong mùa lũ dữ năm ngoái, nhà trú ẩn đa năng mà bà Cẩm nhắc đến nằm ở khối phố An Lưu, phường Hòa Quý sừng sững như một “pháo đài” giữa vùng rốn lũ. Hơn 100 người già và trẻ em trong vùng đã được di dời kịp thời về đây để bảo đảm an toàn tính mạng.

Đây là công trình sống chung với lũ đầu tiên được nghiên cứu áp dụng ở thành phố Đà Nẵng, hoàn thành và kịp đưa vào sử dụng trong năm 2007. Anh Nguyễn Văn Cường, tổ trưởng tổ 25, khối phố An Lưu khẳng định rằng, năm nay nếu nước lũ có cao hơn năm ngoái, chúng tôi cũng không sợ vì đã có ngôi nhà trú ẩn với sức chứa có thể lên đến 300 người cùng một lúc.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý giải thích: Nhà đa năng có nghĩa là, tầng dưới có thể làm nơi sinh hoạt, hội họp, vui chơi của người dân lúc bình thường, tầng trên dùng để tránh lũ với đầy đủ các phòng ở, nhà bếp, nhà vệ sinh, máy fax, máy phát điện… Nhà được xây dựng kiên cố, 2 tầng. Đây là một trong những hạng mục nằm trong Dự án “Giảm thiểu rủi ro thủy tai” của CECI (Trung tâm Nghiên cứu hợp tác quốc tế Canada) tại Việt Nam, do các tổ chức nhân đạo quốc tế trong nhóm đối tác DIPECHO - Chương trình phòng ngừa thiên tai của Ủy ban châu Âu tài trợ từ cuối năm 2005.

Nhận thấy tác dụng to lớn của ngôi nhà trú ẩn đa năng An Lưu, năm 2008, UBND quận Ngũ Hành Sơn quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp kinh phí 500 triệu đồng từ ngân sách địa phương để xây dựng thêm một nhà trú ẩn đa năng thứ hai tại khối phố Mân Quang, phường Hòa Quý. Khởi công từ cuối tháng 5, công trình đang trong giai đoạn hoàn thành phần thô.

Theo thiết kế, tổng diện tích 2 sàn khoảng 250 mét vuông, có thể chứa được gần 300 người dân trong điều kiện bão, lũ. Bà Trần Thị Thừa, có nhà nằm sát nhà trú ẩn đa năng Mân Quang vui vẻ nói: “Nhà tui có 7 người, có cả trẻ em và người lớn tuổi nên năm nay nếu có lũ lớn thì sẽ leo lên nhà trú ẩn để ở, thay vì phải bơi ghe qua đoạn đường dài như trước đây rất nguy hiểm đến tính mạng”.

Những công trình sống chung với lũ như nhà trú ẩn đa năng sẽ giúp người dân phường Hòa Quý yên tâm hơn trong mùa mưa lũ. Với đặc thù là vùng thấp lụt, các khu phố An Lưu, Mân Quang, Khuê Đông, Thị An và một phần Khái Tây luôn bị cô lập trong lũ, vì vậy việc xây nhà trú ẩn đa năng là thiết thực đối với người dân Hòa Quý. Đây cũng là mô hình cần nhân rộng cho các vùng thấp lụt khác trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.