(ĐNĐT) - Ngày 8-8, hàng nghìn người dân trong vùng quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân (KDLSTHX) thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã tập trung tham dự buổi tiếp dân của lãnh đạo thành phố nhằm giải quyết những vướng mắc ban đầu trong việc triển khai thực hiện dự án này.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã chủ trì buổi tiếp dân này, cùng với sự tham dự đông đủ của các cấp lãnh đạo, sở, ngành liên quan của thành phố và quận Cẩm Lệ.
Chủ trương đúng nhưng triển khai chưa tốt
Khu vực Lỗ Giáng sẽ trở thành khu tái định cư trong tương lai. |
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân trong tổng số 1.600 hộ dân chịu ảnh hưởng quy hoạch của dự án KDLSTHX đã tụ tập đông đủ tại sân vận động phường Hòa Xuân. Trong dòng người đó, anh Trần Văn Thời, trú tổ 24, khu vực Cẩm Chánh cho biết, khi nghe có cuộc tiếp dân của dự án này, anh đã rất háo hức, vì từ khi công bố quy hoạch dự án đến nay, anh chưa có được thông tin gì nhiều, nhất là việc mức giá đền bù ra sao, tái định cư về đâu, làm ăn sẽ như thế nào...
Đó cũng là tâm tư của hầu hết những người dân đến dự cuộc tiếp dân tập thể lớn nhất từ trước đến nay của lãnh đạo thành phố trong lĩnh vực giải tỏa, đền bù, chỉnh trang đô thị. Bởi từ khi có quyết định phê duyệt dự án ngày 9-1-2008 đến nay, nhiều vướng mắc người dân chưa biết hỏi ai, thì các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm định, áp giá đền bù một cách vội vã, tạo nên một số ý kiến chưa đồng thuận trong nhân dân.
Đại diện cho người dân khu vực Lỗ Giáng 2, ông Nguyễn Liền nêu kiến nghị, từ năm 1993, khi có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân trong toàn xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang (cũ) đã đồng tình đóng góp công của để xây dựng đường. Làm được một số tuyến thì dừng lại. Nay áp giá đền bù theo tiêu chí “rộng - hẹp” của đường, thì những người dân ở nơi chưa được mở rộng đường phải chịu thiệt. “Chúng tôi cũng chưa được biết giá đất tái định cư như thế nào thì làm sao yên tâm để bàn giao mặt bằng!”.
Kiến nghị của ông Liền nhận được sự đồng tình của nhiều người. Điều đó cho thấy, việc công khai thông tin một cách rộng rãi đã chưa được chú trọng trong dự án này. Ông Hồ Hương (Lỗ Giáng 2) nhìn nhận, việc phổ biến thông tin còn yếu, người dân chủ yếu mới biết thông tin qua mạng, chứ chưa được giải thích, thông báo một cách rõ ràng về các vấn đề liên quan mật thiết đối với họ.
Đó là chưa nói, việc các cơ quan chức năng tiến hành kiểm định, áp giá đền bù mà chưa giải thích một cách cặn kẽ, thấu đáo cho người dân cũng đã tạo nên khó khăn ban đầu. Ông Trần Đấu, ở khu vực Trung Lương đề nghị, cần phải có thời gian cho những người trong gia đình thảo luận, thống nhất với biên bản kiểm định, áp giá, chứ không nên bắt ký xác nhận ngay vì có những vấn đề cần xem xét lại, tránh những tranh cãi sau này.
Phát biểu tại buổi tiếp dân, nhiều người dân thể hiện sự đồng tình với chủ trương thực hiện dự án có quy mô lớn để tạo nên diện mạo đô thị mới cho khu vực Đông Nam thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những việc trước mắt như kiểm định, áp giá đền bù, nhiều người bày tỏ sự băn khoăn của mình trước vấn đề khu vực nào, hộ dân nào được giữ lại và những gì phải thực hiện giải tỏa, di dời; những vấn đề thuộc về an sinh xã hội, phát triển kinh tế của người dân “hậu giải tỏa”...
Những hộ dân ở khu vực Cẩm Chánh, vốn bao đời nay gắn với ngư nghiệp băn khoăn không biết mình về đâu, có được làm nghề cũ hay không, ngư lưới cụ đầu tư cho đánh bắt có được đền bù sau khi giải tỏa phải chuyển đổi ngành nghề... Câu chuyện muôn thuở về việc làm, nhất là đối với lao động thuần nông trung niên cũng được nhắc lại bên cạnh vấn đề mới phát sinh là giá cả leo thang chóng mặt đã tạo nên tâm lý lo ngại về “hậu giải tỏa”... Từ đó, nhiều kiến nghị cần có một chính sách “hỗ trợ đặc biệt” cho người dân khi thực hiện dự án trong giai đoạn này, từ hỗ trợ thuê nhà, di dời mồ mả, cải táng, giá đền bù... cho đến vấn đề mưu sinh lâu dài là hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho nông dân.
Nhiều kiến nghị được giải đáp thỏa đáng
Nhiều kiến nghị của đông đảo người dân phường Hòa Xuân đã được giải đáp thỏa đáng. |
Trước sự “mù mịt” về thông tin của người dân, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, dự án KDLSTHX có một ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch, mở rộng đô thị Đà Nẵng trong tương lai. Dự án có diện tích 410ha với số lượng hộ dân phải di dời, giải tỏa là hơn 1.600 hộ. Trong tương lai, đây sẽ là khu đô thị hoàn chỉnh với hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, thương mại...
Khu đất ở sẽ không chia lô mà quy hoạch thành hệ thống nhà biệt thự, nhà vườn, chung cư cao cấp. Việc tái định cư của người dân được quy hoạch tại khu E1 và E2 với 2.500 lô, có đầy đủ hạng mục hạ tầng kỹ thuật và công trình phúc lợi, dân sinh... Ông Tuấn cho biết thêm, khu vực này đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2003-2004, nhưng trong cơn lũ lịch sử vừa qua đã thấp hơn “cốt” chung của thành phố từ 2,5 đến 3 mét. Vì vậy, việc quy hoạch lại sẽ cải thiện được tình trạng ngập lụt, đồng thời tạo nên một diện mạo hiện đại hơn cho thành phố.
Trước khi đi vào giải đáp những kiến nghị của người dân, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trong việc tổ chức quy hoạch khu vực này giai đoạn 2003-2004 cũng như các cơ quan chức năng “nôn nóng” trong kiểm định, áp giá đền bù thời gian vừa qua.
Giải thích những thắc mắc về việc đầu tư, Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố phải bỏ ra 2 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án này, thành phố chỉ bán khoảng 100ha đất cho nhà đầu tư, số còn lại cho thuê và thành phố cũng đứng ra thực hiện việc giải tỏa, đền bù chứ không giao hoàn toàn cho nhà đầu tư.
Trả lời ý kiến của ông Nguyễn Hữu Minh (tổ 23, Cồn Dầu) cũng như thắc mắc về việc “đi-ở”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố thống nhất giữ lại các công trình Nhà thờ Cồn Dầu, Chùa Lỗ Giáng (Chùa Hòa Xuân), Nghĩa trang Liệt sĩ Hòa Xuân và tiến hành tôn tạo, nâng nền các công trình này; còn các hạng mục khác như Nghĩa trang Cồn Dầu, Chùa Trung Lương... phải thực hiện di dời để tránh ngập lụt, hư hỏng. Các hộ dân khu vực Cẩm Chánh sẽ được xem xét bố trí tái định cư gần sông (nhưng không ở mặt tiền sông) để thuận tiện cho sản xuất ngư nghiệp, đảm bảo đời sống; còn tất cả các khu vực khác phải di dời. “Tuy nhiên, ai muốn ở lại trong KDLSTHX thì có quyền đăng ký với UBND thành phố. Tuy nhiên, giá đất ở đây cao rất nhiều so với đất tái định cư”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Một điểm mới trong quy hoạch được lãnh đạo thành phố công bố đã làm an lòng nhiều người dân trong khu vực này. Đó là thành phố sẽ tiến hành xây dựng khu vực tái định cư trước, không giải tỏa nhà và thu hồi đất để hoang hóa. Trong thời gian đó, người dân yên tâm ở lại và làm ăn, sinh sống trong vùng dự án. Khi nào khu vực tái định cư hình thành, có nơi ở mới, thì người dân thực hiện di dời. Tuy nhiên, trong khi chờ dự án triển khai, người dân không được xây dựng công trình kiên cố mà chỉ được phép sửa chữa nhỏ. Việc trượt giá sẽ được xem xét nâng từ mức 20% hiện nay lên 25%.
Giải đáp thắc mắc của ông Trần Đấu về thời gian kiểm định, áp giá, Bí thư Thành ủy yêu cầu cơ quan chức năng kiểm định, ký biên bản trong thời gian 7 ngày để có sự thống nhất với các hộ giải tỏa. “Tuy nhiên, đối với những trường hợp không hợp tác kiểm định, áp giá, chính quyền địa phương sẽ tiến hành việc bắt buộc kiểm tra hành chính để thực hiện nhiệm vụ này!”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định.
Tại buổi tiếp dân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã thông báo rõ các mức giá đền bù và giá đất tái định cư của KDLSTHX như sau: |