.

Sẽ tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo cao hơn

.

LTS: Cán bộ, công chức bỏ việc, nghỉ việc đang là vấn đề thời sự hiện nay ở Hà Nội và nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Ở Đà Nẵng tuy không nhiều, nhưng cũng đã có hàng chục cán bộ, công chức xin nghỉ hoặc bỏ việc và đây thực sự là nỗi lo của những người làm công tác tổ chức “nhân sự”.

Vì sao có tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư và khắc phục vấn đề này như thế nào, P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông ĐẶNG CÔNG NGỮ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng về nội dung này.

Phần lớn cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp đều thiết tha yêu nghề.

* P.V: Trong thời gian qua, có nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ hoặc bỏ việc, là người làm công tác “nhân sự”, ông có thể cho biết những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

- Ông Đặng Công Ngữ: Trong cơ chế thị trường, khi xác định lao động cũng là loại hàng hóa đặc biệt thì việc dịch chuyển lao động theo cơ chế này từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại cũng là việc bình thường. Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nêu ở nhiều nơi, nhiều ngành công chức chuyển công tác diễn ra khá nhiều do có nhiều nguyên nhân khác nhau, đây cũng là điều dễ lý giải.
 
Tình hình này ở Đà Nẵng chưa nhiều (có 162 người nghỉ từ năm 2003 đến nay, trong đó năm 2008 là 14 người) nhưng cũng đã là sự cảnh báo thật sự; làm công việc này, bản thân tôi cảm thấy có  nhiều trăn trở và lo lắng. Thiết nghĩ nếu Nhà nước có nhiều chính sách cụ thể, linh hoạt hơn, lao động trong khu vực hành chính phải được coi như cái nghề, bảo đảm những điều kiện cơ bản như: sống bằng chính sức lao động mình bỏ ra, công việc có tính cạnh tranh hơn, thích nghi kịp thời với cơ chế mới… thì có lẽ các vấn đề trên cũng sẽ trở nên bình thường.

* P.V: Số cán bộ, công chức nghỉ việc có ảnh hưởng gì đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là các ngành như Y tế, Giáo dục… Sở Nội vụ đã có những đề xuất gì với lãnh đạo thành phố để khắc phục, thưa ông?

- Ông Đặng Công Ngữ: Trong mỗi vị trí công việc đều cần có người thích hợp, nếu bố trí không phù hợp thì khó phát huy tác dụng, bởi vậy khi một công chức rời khỏi cơ quan đột xuất mà không có sự chuẩn bị trước thì đương nhiên có sự ảnh hưởng nhất định, đặc biệt ở những công việc có tính đặc thù, những vị trí cần có sự tích lũy nhiều kinh nghiệm, chưa tính đến tình trạng thiếu người thì càng trầm trọng hơn. Để khắc phục hiện tượng này, trong thời gian qua, thành phố đã bổ sung và ban hành nhiều chính sách như chế độ trợ cấp đi học, chính sách cử cán bộ, công chức đi học nước ngoài, chính sách thu hút, tạo môi trường cho cán bộ trẻ sinh hoạt như CLB cán bộ trẻ, mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo để cán bộ trẻ có cơ hội thể hiện năng lực của mình; ngoài ra cán bộ trẻ còn được lãnh đạo thành phố trực tiếp tiếp xúc trao đổi… Nhìn chung, lãnh đạo thành phố rất quan tâm vấn đề này.

* P.V: Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên đề ra chủ trương thu hút nhân tài; sau nhiều năm đi vào thực hiện, ông có thể cho biết những thành quả đã đạt được cũng như những trăn trở, những đề xuất về công tác này?

- Ông Đặng Công Ngữ: Sau 10 năm thực hiện chủ trương thu hút nguồn nhân lực, thành phố đã tiếp nhận được một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đến công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; đây là giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Đến nay đã tiếp nhận 603 người (từ khi có QĐ 34 là 94 người); trong đó có 246 người được tuyển dụng vào biên chế (46,3%); 102 người được kết nạp Đảng (19,2%); đề bạt, bổ nhiệm 3 Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương; 2 Trưởng phòng thuộc Sở và tương đương; 10 Phó Trưởng phòng thuộc Sở và tương đương; 8 Trưởng phòng các đơn vị trực thuộc Sở và tương đương; 13 Phó Trưởng phòng các đơn vị trực thuộc Sở và tương đương; 5 người được bầu giữ chức vụ Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND xã, phường.

Chủ trương thu hút nguồn nhân lực của Thành ủy và UBND thành phố được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, được đông đảo nhân dân, nhất là các đối tượng thu hút đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Chủ trương này khẳng định việc đi trước trong chính sách thu hút nguồn nhân lực và tôn trọng nhân tài của thành phố; góp phần tạo nguồn cán bộ, công chức vừa trước mắt, vừa lâu dài cho thành phố; khắc phục dần tình trạng “chảy máu chất xám” về các đô thị lớn ở hai đầu đất nước.

Các đối tượng tiếp nhận bố trí công tác được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước đánh giá cao về ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, quan hệ tốt với tổ chức và công dân, cố gắng nắm bắt công việc, chịu khó nghiên cứu, học hỏi và có tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao; sớm thích nghi công việc; phát huy tốt năng lực trình độ chuyên môn ở vị trí công tác được phân công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế việc thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách, chế độ đãi ngộ chưa đủ “lực hút”, đặc biệt là trong việc sử dụng hợp lý để phát huy năng lực của đối tượng này; việc thực hiện một số chế độ chưa được kịp thời theo quy định đã đề ra; thu nhập thấp ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của các đối tượng, nhất là đối với những trường hợp xa gia đình. Mặt khác, chính sách cũng chưa thu hút được các chuyên gia, những người có trình độ cao để tham mưu được các chương trình lớn của thành phố…

* P.V: Được biết, thành phố Đà Nẵng có chủ trương về thi tuyển các chức danh lãnh đạo, xin ông cho biết cụ thể về nội dung này?

- Ông Đặng Công Ngữ: Năm 2007, thành phố có chủ trương cho phép thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp để rút kinh nghiệm, đây là cơ chế mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ, với số lượng đã thực hiện 5 chức danh cũng chưa phải là nhiều nhưng bước đầu hiệu quả đã thể hiện rõ, được sự đồng tình cao vì mấy lẽ sau:

+ Tuyển chọn được người có năng lực hơn, đối tượng rộng mở hơn, tránh sự khép kín.
+ Người có năng lực, trình độ có cơ hội tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.
+ Người trẻ có cơ hội thể hiện năng lực của mình.
+ Bổ sung vào cơ chế quản lý cán bộ hiện hành.

Năm 2008, thành phố Đà Nẵng có chủ trương mở rộng các đối tượng bao gồm công chức trong các cơ quan hành chính với các chức danh trưởng, phó phòng và các đơn vị sự nghiệp. Đến nay đã có 11 đơn vị đăng ký thi tuyển 32 chức danh, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức thi 50% số lượng trên. Vừa qua Sở Nội vụ cũng đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo phòng; Sở Giao thông Vận tải thành phố thi tuyển chức danh Chánh văn phòng của Thanh tra Sở và cũng đạt kết quả tốt. Thiết nghĩ, đây là việc làm cần phát huy, từ kinh nghiệm này có thể tổ chức thi tuyển cho chức danh cao hơn…

* P.V:  Xin chân thành cảm ơn ông!

LÊ VĂN HOA (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.