Năm 1993, trong chuyến du lịch đến Việt Nam, Gerad O’Connell tình cờ khám phá ra sự thật về quá khứ của ông cố mình - Tham biện H.G.E O’Connell, người từng là Quản đốc Nhà tù Côn Đảo trong các năm 1914-1916 và chấm dứt sự nghiệp của mình với chức vụ trên.
Câu chuyện vừa bất ngờ, vừa kỳ thú này đã dẫn dắt Gerad O’Connell đến quyết định phải làm một điều gì đó để thay mặt ông cố mình tạ lỗi quá khứ.
Trong 10 năm từ 1982 - 1992, Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc từng lặn lội khắp Quảng Nam để tìm hiểu về Phong trào Cần Vương. |
Trong 5 ngày, từ 20 đến 25 tháng 7 năm 1998, những gì trải ra dưới mắt ông bà G. O’Connell - qua giới thiệu của Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc và chuyện kể của người dân địa phương - đã làm vợ chồng họ nhiều lần bị sốc. Họ đã đứng trên những cầu tàu được xây từ năm 1873 bằng những tảng đá nặng hàng tấn do tù nhân trên đảo kéo về từ núi Chúa, chạnh lòng khi hiểu ra cầu tàu được gọi bằng những danh số 871, 914, 915 để tưởng nhớ số tù nhân chết trong lúc thi công.
Họ đã đến Banh I (Bagne I) xây từ 1862 - năm người Pháp thiết lập Nhà tù Côn Đảo để giam những tội nhân mang án từ 1 đến 10 năm. Banh I có hầm đá, hầm xay lúa vừa là nơi giam cầm vắt kiệt sức lao động của tù nhân, vừa là nơi giết người lý tưởng của bọn cai ngục. Họ đã viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú Việt Nam có tên và chưa biết tên. Nhà Bảo tàng Côn Đảo, trước năm 1975, từng là dinh thự của 53 đời chúa đảo, trong đó có ông cố của G. O’Connell.
Ngay trong những ngày còn ở Côn Đảo, G. O’Connell đã trải lòng qua những dòng đầy cảm xúc:
“Những gì tôi mục kích được tại Côn Đảo và những gì tôi biết được về hòn đảo này gây cho tôi nỗi hổ thẹn về xứ sở của mình, về những hành động của những cai ngục và viên chức nhà tù. Tôi nghĩ rằng ông cố tôi đã có một thái độ khai phóng đối với tù nhân, như ông Huỳnh Thúc Kháng đã đề cập trong tác phẩm Thi tù tùng thoại của ông. Trong tác phẩm này có rất nhiều trang viết về ông cố tôi”.
Nếu G. O’Connell quan tâm đến lịch sử Côn Đảo giai đoạn 1914-1916, khoảng thời gian ông cố mình làm “Chúa Đảo”, thì Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc quan tâm đến các tù nhân bị đày ra Côn Đảo vì tham gia Phong trào Cần Vương. Cả hai đã chia sẻ cho nhau những cảm xúc của thế hệ đương đại khi nhìn về những thăng trầm lịch sử trong quan hệ giữa hai dân tộc.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc từng là Trưởng ban Phụ trách Đại học Sư phạm Huế, năm 1982 vào dạy Sử ở Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Năm 1988, ông bắt đầu nghiên cứu phong trào nông dân kháng thuế lần lượt nổ ra khắp 10 tỉnh Trung Kỳ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên vào năm 1908 mà Quảng Nam vinh dự lãnh vai trò tiên khởi. Năm 1998, ông là một trong những người đưa ra ý tưởng tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm sự kiện trọng đại này, nhưng mãi đến năm nay - 2008, tròn 100 năm mới thực hiện được điều mà lẽ ra phải làm từ sớm hơn.
G. O’Connell đang biên soạn một cuốn sách về cuộc đời ông cố và về nhà ngục Côn Đảo. Để hoàn thiện công trình, ông cất công đi tìm hình ảnh về nhà tù khét tiếng này (nhất là giai đoạn 1914-1916) qua các thư viện, nhà sưu tập khắp nước Pháp. Năm 2004, qua ông Ngạc, ông đã tặng một bộ ảnh mà mình sưu tập được cho Nhà Bảo tàng Côn Đảo. Trung tuần tháng 7 vừa qua, bộ sưu tập 36 bức ảnh về Nhà tù Côn Đảo và sinh hoạt tù nhân của ông (trong đó có vài ảnh của Tiến sĩ sử học Phan Thị Minh Lễ ở Đại học Paris VII) đã được Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc trưng bày trang trọng tại Hội thảo khoa học 100 năm phong trào chống sưu thuế Quảng Nam tổ chức tại huyện Đại Lộc với chủ đề “Cuộc Mậu Thân dân biến Trung Kỳ 1908”.
Quà tặng vô giá của G. O’Connell: Người đứng giữa trong hình này là Chí sĩ Phan Thúc Duyện. |
Trưng bày bộ sưu tập ảnh vô giá này, với Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc là thắp một nén nhang tri ân, tưởng niệm anh hồn những anh hùng chí sĩ đã nằm xuống vì quê hương, dân tộc. Còn với G. O’Connell, như một lời tạ lỗi muộn màng của người xưa đối với một dân tộc không hề khuất phục trước cường quyền bạo chúa: “Nhân danh ông cố tôi, và vì tất cả những điều xấu đã xảy ra tại Côn Đảo, tôi xin lỗi nhân dân Việt Nam”.
|
VIÊN PHÚC QUÂN