.

Tạo ra động lực, niềm tin mới cho thanh niên

.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã có Nghị quyết 25/NQ-TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Cùng với sự quan tâm của thanh niên cả nước nói chung về Nghị quyết quan trọng này, thanh niên thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó, để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nhân dịp này, P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với đồng chí NGÔ XUÂN THẮNG, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng về nội dung này.

* P.V: Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã nhận định:Sau 20 năm đổi mới và phát triển đất nước, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về công tác thanh niên, tình hình thanh niên và công tác thanh niên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đối với thành phố Đà Nẵng, tình hình thanh niên và công tác thanh niên diễn biến ra sao, thưa đồng chí?

- Đồng chí Ngô Xuân Thắng: Cùng với sự phát triển của thanh niên cả nước trong thời gian qua, thanh niên (độ tuổi từ 15-35) Đà Nẵng là một lực lượng quan trọng, có tiềm năng to lớn trong công cuộc phát triển của thành phố. Hiện nay, với gần 283.000 người, lực lượng này chiếm gần 34% dân số và gần 45% lực lượng lao động của thành phố. 

  

Những thành tựu đổi mới của đất nước, của thành phố trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 và sự quan tâm chăm lo về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với thanh niên đã tác động mạnh tới tình hình thanh niên. Cơ cấu dân số thanh niên thay đổi theo hướng tăng dần ở khu vực đô thị, giảm ở khu vực nông thôn.

Trình độ học vấn, nghề nghiệp, trình độ khoa học, công nghệ của thanh niên được nâng cao thêm. Vấn đề lao động, việc làm của thanh niên được giải quyết tốt hơn. Đời sống văn hóa tinh thần, sức khỏe của thanh niên được cải thiện. Ý thức tôn trọng pháp luật, tác phong làm việc công nghiệp trong thanh niên từng bước được nâng cao.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) của Đảng, Thành ủy và UBND thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết, chủ trương để chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Các Đảng bộ đều đưa nhiệm vụ công tác thanh niên vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, một số Đảng bộ có Nghị quyết, Chỉ thị về công tác thanh niên.

UBND cùng các ngành, đoàn thể, các địa phương cũng hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn - Hội - Đội hoạt động, đề ra các chính sách cụ thể liên quan đến thanh niên, quan tâm giúp đỡ thanh niên vay vốn, giải quyết việc làm cho thanh niên… Hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.

Từ số lượng 28.000 đoàn viên năm 1997, hiện nay thành phố đã có 113.256 đoàn viên với hơn 4.200 chi đoàn và Đoàn cơ sở hoạt động, với nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực và ngày càng phù hợp với tình hình, đặc thù thanh niên trên các mảng công tác. Nhiều phong trào lớn như “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, và hiện nay là phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành”… đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, hưởng ứng. Vai trò, vị trí, uy tín của tổ chức Đoàn ngày càng được củng cố và nâng cao, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, chính quyền thành phố thực hiện công tác thanh niên.

* P.V: Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để làm được điều này, theo đồng chí, cụ thể phải như thế nào?

- Đồng chí Ngô Xuân Thắng: Theo tôi, vấn đề trước hết là phải chăm lo cho thanh niên, bởi đó được xem là “chủ nhân của đất nước tương lai”, bởi đó là lực lượng hùng hậu, giàu tiềm năng, có tính sáng tạo và chất phát triển rất lớn, nhưng họ vẫn là lớp người thiếu kinh nghiệm và chưa từng trải, họ rất cần một sự định hướng, sự quan tâm và dìu dắt của những thế hệ đi trước, của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị để tìm ra con đường đi đúng của mình.
 
Trách nhiệm của hệ thống chính trị, của Đảng, của Đoàn  trước hết là định ra con đường, hướng đi của họ, trên cơ sở xây dựng, bồi đắp lý tưởng, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống của thanh niên, giúp đỡ, hỗ trợ cho họ với tinh thần thật sự chăm lo cho thanh niên, xác định quan điểm chăm lo cho thanh niên là trách nhiệm chung của toàn hệ thống, đó là điều quan trọng và cần thiết trước hết.

Cụ thể hơn, cùng với sự ra đời của Luật Thanh niên và Nghị quyết Trung ương 7 hiện nay, thì việc quan tâm xây dựng và thực hiện những cơ chế, chính sách góp phần chăm lo cho thanh niên trên từng mảng cụ thể: lao động, học tập, sáng tạo, vui chơi giải trí… cần được ưu tiên đầu tư và thực hiện có hiệu quả, với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, để tạo niềm tin, động lực và nền tảng cho sự phát triển của thanh niên.

Vấn đề thứ hai là tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh niên. Tôi cho rằng, với sức mạnh tiềm ẩn của mình, với sự trưởng thành nhanh chóng và hoàn thiện về thể chất, nhân cách, sự hồn nhiên trong sáng về tâm hồn, tình cảm và khát vọng, với độ linh hoạt trong trí tuệ và tính cơ động trong nghề nghiệp, thì sự phát triển của thanh niên là một vấn đề mà xã hội phải đặc biệt quan tâm. Cả hệ thống chính trị, trong đó có Đoàn phải xây dựng được hình mẫu của thanh niên, để thanh niên hướng theo đó, soi mình vào đó để học tập, trưởng thành.
 
Theo tôi, hình mẫu thanh niên hiện nay phải là con người giàu lòng yêu nước, biết đặt lợi ích của cá nhân hài hòa trong lợi ích của tập thể và cộng đồng, có lý tưởng và bản lĩnh cách mạng, có kiến thức, tri thức và nghiệp vụ, kỹ năng lao động giỏi, sống có văn hóa, tình nghĩa, có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, và quan trọng hơn, đúng chất thanh niên hơn, là phải có lòng nhiệt tình, giàu tinh thần sáng tạo, tình nguyện. Xây dựng được con người mẫu này, bằng các biện pháp, chủ trương khác nhau cả hệ thống chính trị tạo điều kiện để thanh niên hướng tới hình mẫu này là những vấn đề hết sức cụ thể, hết sức cần thiết cho sự phát triển chung của thanh niên hiện nay.

Thanh niên luôn tích cực trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. TRONG ẢNH: Đoàn viên thanh niên Dân Chính Đảng thành phố khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân miền núi Quảng Nam. Ảnh: N.THÀNH


* P.V: Trong những năm tới, phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho thanh niên học tập, nghiên cứu, nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đời sống cho thanh niên. Thành Đoàn Đà Nẵng đã chuẩn bị như thế nào cho định hướng này, thưa đồng chí?

- Đồng chí Ngô Xuân Thắng: Với trách nhiệm của Đoàn đối với tuổi trẻ, Thành Đoàn Đà Nẵng trong những năm qua cũng như hiện nay luôn xem những vấn đề nêu trên là trọng tâm, là những mục tiêu quan trọng trong chương trình công tác của mình. Cũng chính vì thế, trong chương trình công tác của Thành Đoàn, những nhiệm vụ trên cũng luôn là những nhiệm vụ thường xuyên. Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2007-2012 cũng như chương trình công tác từng năm, đã xác định bên cạnh việc giáo dục, bồi đắp lý tưởng cho thanh niên thành phố và xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, thì Đoàn sẽ tập trung vào một số định hướng sau:

1- Triển khai và cụ thể hóa trong các đối tượng thanh niên phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” gắn với việc thực hiện chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố, trong đó tập trung vào các nội dung như: xung kích  trong lao động sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; xung kích trong cải cách hành chính, trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

2- Với phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, khẳng định chức năng Đoàn là người đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thanh niên, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên tự lập thân, lập nghiệp bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả: Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm; đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần; đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội. Mỗi nội dung đều có xác định những mục tiêu, giải pháp và chỉ tiêu cụ thể để các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên phấn đấu thực hiện trong từng giai đoạn và trong cả nhiệm kỳ. 

Ban Thường vụ Thành Đoàn luôn khẳng định: Để làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên trong giai đoạn hiện nay chính là việc giải quyết tốt bài toán nhu cầu và lợi ích, trong đó có cả lợi ích lớn, lợi ích chung của quốc gia, của cộng đồng, xã hội và cả những nhu cầu, lợi ích cụ thể, thiết thân hằng ngày của mỗi thanh niên. Chăm lo lợi ích, đáp ứng nhu cầu của thanh niên, đồng hành với thanh niên trong học tập, sáng tạo, lập thân lập nghiệp và phát triển là nội dung yêu cầu quan trọng trong đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn, tạo sự gắn kết bền chặt giữa tổ chức Đoàn và thanh niên hiện nay.

* P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

LÊ VĂN HOA (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.