.
TÌNH HÌNH MƯA LŨ Ở CÁC TỈNH PHÍA BẮC

Gần 200 người chết, mất tích và bị thương

.

* Tập trung khắc phục tình trạng ách tắc giao thông để tiếp cận các vùng bị cô lập

Theo thông báo ban đầu của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương: tính đến ngày 11-8-2008, đã có gần 200 người dân ở khu vực phía Bắc bị chết, mất tích và bị thương trong đợt mưa lũ vừa qua.

Cụ thể là: 97 người chết do mưa lũ, trong đó Lào Cai có 36 người, Yên Bái 33 người, Phú Thọ 6 người, Quảng Ninh 8 người, Hà Giang 9 người, Lạng Sơn 2 người, Bắc Kạn 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 48 người, trong đó Lào Cai 38 người, Yên Bái 5 người, Hà Giang 2 người, Bắc Kạn 1 người, Lạng Sơn 2 người. Mưa lũ còn làm 307 căn nhà bị sập, trôi, 4.230 căn bị ngập và hư hại, gần 9.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; đồng thời làm 38 người dân bị thương.

Đoạn sạt lún đèo Sơn La đã bắt đầu thông xe vào 8 giờ sáng 11-8

Mưa lớn dồn dập và nước lũ bất ngờ đã làm cho các tuyến đường Quốc lộ 41, 4D, 4E, 279, 70, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện của Lào cai bị tắc nghẽn vì ngập úng và sạt lở đất. Nhưng các đơn vị chức năng và các địa phương đã cố gắng khắc phục nhanh, nên đến nay, các tuyến giao thông Lào Cai - Sapa, Lào Cai - Bát Sát và Lào Cai - Bảo Thắng đã thông tuyến. Tại Yên Bái cũng tương tự: Các tuyến Quốc lộ 37, 32, 32C và nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn đã bị ách tắc do sạt lở, ngập lụt. Tại Phú Thọ, các tuyến đường Quốc lộ 311, 318, 319B, 314C, 321, 32B, 32C,320 bị ngập và sạt lở.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã điều động các cán bộ trực tiếp xuống địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã điều động 1 Trung đoàn gồm 306 cán bộ, chiến sĩ, 12 xe ô tô và một số vật dụng khác đến Lào Cai tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Bộ chỉ huy quân sự bộ đội biên phòng, công an tỉnh huy động lực lượng bộ đội địa phương, dân quan tự vệ là 1100 chiến sĩ, 6 ô tô... vào khu vực Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, nơi xảy ra lũ quét, để tổ chức cứu nạn. Các ngành phối hợp với các địa phương cũng đã phân công cán bộ nắm chắc địa bàn dân cư chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.
 
Đặc biệt, sáng qua chuyến trực thăng đầu tiên của quân đội đã chở gần 2 tấn hàng của Chính phủ (gồm mỳ tôm và nước đóng chai) đến cứu trợ cho dân vùng lũ thuộc các xã Việt Thành, Báo Đáp, Quy Mông, Văn Tiến, Y Can, Minh tiến, Minh Quân... của huyện Trấn Yên và chở hàng lên huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Đến trưa qua, mực nước sông Hồng tại Lào cai và Yên Bái đã rút xuống khá nhiều, có nơi hơn 1 mét, nhưng vẫn còn trên mức báo động 3, nên nhiều vùng vẫn bị cô lập hoàn toàn do nước lũ. Cùng với hỗ trợ máy bay trực thăng, ban đầu Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh Yên Bái 100 tấn mỳ tôm và 100 tấn nước uống để vận chuyển tới dân vùng lũ. Hiện tại, máy bay trực thăng tiếp tục vận chuyển hàng để cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lụt ở tỉnh Yên Bái.

Chiếc trực thăng trong sáng 11-8 đã thực hiện 3 chuyến bay mang theo 4,5 tấn mỳ tôm và nước uống đến các xã thuộc huyện Trấn Yên, Văn Yên cứu trợ đồng bào vùng lũ. Ảnh: TTXVN


Tại Phú Thọ, đã có 630 bộ đội thuộc Quân khu 2, 4.895 dân quân, tự vệ, 7 xe tải, 25 nhà bạt, 1.000 gói mì ăn liền, 25 tấn gạo, cùng thuốc men,... sơ tán kịp thời toàn bộ người và tài sản vùng ngập lụt; hỗ trợ nhà bạt, lương thực cho các hộ bị sập nhà, mất tài sản; không để xảy ra trường hợp người bị chết do tràn đê; đồng thời tổ chức hộ đê tại những đoạn đê xung yếu. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Hải Phòng đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB và TKCN cấp huyện, đồng thời cử các đồng chí lãnh đạo xuống các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, triển khai các phương án hộ đê theo cấp báo động sẵn sàng đối phó với diễn biến mưa lũ xảy ra. Hiện nay, hồ Hoà Bình đang mở 2 cửa xả đáy; hồ Tuyên Quang mở hoàn toàn 8 cửa xả đáy.

Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Đào Xuân Học cho biết: hiện nay các tỉnh cần tập trung khắc phục tình trạng ách tắc giao thông để tiếp cận các vùng bị cô lập, đặc biệt là ở Lào Cai. Đồng thời ưu tiên giải quyết số hành khách bị kẹt ở các tuyến đường sắt, đường bộ và cung cấp lương thực, nước uống cho các vùng bị lũ quét, sạt lở đất, nhất là đối với các gia đình mất nhà cửa, tài sản. Khôi phục thông tin liên lạc, tăng cường tuần tra canh gác, sẵn sàng hộ đê đối với các tỉnh hạ du sông Hồng, sông Thái Bình.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.