.

Trở về xe đạp

.

Khi xăng còn 11.000 đồng/lít, chiếc xe đạp bị đưa vào xó nhà, còn nay…

Mỗi sáng, dọc tuyến ĐT-605 ra quốc lộ 1A, địa phận xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), hình ảnh người đội mũ bảo hiểm đứng bên lề đường xin xe đi nhờ trở nên quen thuộc. Đó là cách nhiều công nhân, thợ nề, lao động nông thôn chọn lựa để đến được nơi làm ở các khu công nghiệp Hòa Khánh, Cẩm Lệ, Sơn Trà... Anh N.Đ.T (Dương Sơn, Hòa Châu) cho biết, từ ngày xăng tăng giá, anh quyết định đi bộ xuống đây, xin người ta đi nhờ, được đoạn nào hay đoạn đó.

Xe đạp hiện là phương tiện tiện dụng nhất ở nông thôn.
Có khi xin xe ra đến Cầu Đỏ, đón xe buýt Hội An-Đà Nẵng, chỗ làm gần bến xe nên đi bộ thêm một đoạn là đến. Khi xăng còn 14.500đồng/lít, anh chi mỗi tháng gần 300 nghìn đồng tiền xăng. Xăng 20 nghìn đồng/lít, anh tính sẽ chi hơn 400 nghìn đồng mỗi tháng. Lương công nhân vẫn không tăng. Đi nhờ xe, đi xe buýt hiện nay đối với anh là giải pháp khả thi nhất. Nhiều thợ nề, thợ xây trước đây thường ra làm công trình, nhà ở ngoài phố, thời xăng tăng giá, họ tìm việc làm ở các  khu vực gần nhà hơn, vừa đỡ tốn xăng đi lại, vừa ăn trưa tại nhà, tiết kiệm được nhiều thứ.

Những ngày cuối tuần, gia đình anh N.C.L (Hòa Châu) thường chở nhau đi  ra phố chơi, uống cà-phê. Xăng tăng giá, từ chủ nhật này, gia đình anh ở nhà tự chế cà-phê uống, nghe nhạc Trịnh. Anh cười: “Vừa tiết kiệm được xăng, lại tạo được không gian riêng mình, không ai làm phiền. Nhờ xăng tăng, mình phát hiện ra thú vui, cách thức hưởng thụ mới. Gia đình cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều”. Chị N.T.L, kế toán một doanh nghiệp tại xã Hòa Phước nói, trước kia, xăng chưa tăng, chị hay la cà, dạo chơi bằng xe máy sau giờ làm, nhưng giờ chị dồn 2-3 việc cần giải quyết đi một lần luôn.

Còn trong bãi để xe chợ Lệ Sơn (xã Hòa Tiến), số lượng xe máy dường như giảm xuống đáng kể. Số lượng xe đạp được trông coi tăng lên, chiếm diện tích lớn hơn so với trước. Người dân ở quê, đặc biệt là nông dân quay trở lại dùng chiếc xe đạp lâu nay nằm trong xó nhà, còn xe máy nằm “đắp chiếu”. Điều này thể hiện thói quen tiêu dùng của người nông dân: tiết kiệm, giữ gìn, để dành... Đối với các gia đình có xe máy, họ tiết kiệm triệt để, hạn chế việc đi lại. Lúa lại được vận chuyển đến các máy xay xát bằng xe đạp. Chị N.T.Thanh  (Hòa Châu) tâm sự: “Mình đi gần, đi xe đạp là chủ yếu. Đi xe máy thì khỏe và nhanh hơn, nhưng khi đưa xe vào quầy đổ xăng, xót ruột lắm. Mấy đứa gần vô học, phải tiết kiệm tiền mà nộp học phí cho con”.

Xe đạp thay thế xe máy, trâu cày thay thế máy cày. Không có trâu, người phải cần mẫn cuốc từng lát đất. Có nhà đi rèn, mua thêm vài chiếc cuốc, tận dụng nhiều công lao động trong nhà. Có người sửa sang chiếc xe bò, đến mùa gặt còn có cái mà dùng... Theo ông Lê.T. (Hòa Khương): “Nghe trên  ti-vi dự báo giá xăng dầu còn tăng nữa, mình phải nghĩ ra cách thu hoạch lúa ít tốn xăng nhất. Mỗi vụ chi trả việc lồng, bừa, vận chuyển mất gần một nửa sản lượng lúa”.

Nhiều người nông dân đã nghĩ đến chuyện mua lại trâu để vận chuyển và cày bừa. So với máy chạy bằng dầu, tiền trâu cày vẫn rẻ hơn nhiều. Anh đèo em đến lớp bằng xe đạp. Cụ già xuống quán mua rượu bằng đôi chân. Các chị đạp xe ra ruộng thăm lúa. Trâu cày thay máy cày... Cuộc sống ở nông thôn vẫn lặng lẽ thích ứng với thời cuộc trong lúc khó khăn này.

Bài và ảnh: HỒNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.