.

Trong bối cảnh gian truân

.

Trong một thời gian dài, Phan Thanh Giản - một nhân vật lịch sử rất gần gũi với nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng - bị kết tội là bán nước. Sự kết tội này không chỉ bằng câu vè truyền miệng “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân ”(*) mà còn bởi giới sử học nước nhà.

Thương dân mất chức

 

Chân dung Phan Thanh Giản.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796, quê ở Vĩnh Long, đỗ tiến sĩ năm 1826 - vị tiến sĩ đầu tiên của cả vùng đất Nam kỳ, phụng sự ba triều vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

 
Vọng vũ (mong mưa) là một bài thơ mà ông đã làm vào năm 1835, khi được cử làm Bố chánh Quảng Nam, với một tấm lòng chia sẻ tận cùng những khó khăn với người dân đất Quảng: Trông những thửa ruộng cao thấp kia/ Mạ lúa đã úa vàng mất nửa/ Sang thu này giá gạo tất cao/ Huống lại bị hồi hạn dữ này/ Nông dân thật đáng thương/ Mong trời sớm xuống trận mưa xuân/ Để kịp thời cho dân tỉnh táo lại…

Năm 1836, khi nghe tin vua Minh Mạng sắp ngự du Ngũ Hành Sơn, ông đã dũng cảm dâng sớ can ngăn vua: Nhà vua đi tuần hạnh, dân trong hạt nghe nói ai mà chẳng vui mừng, nhưng nay vào khoảng tháng tư, tháng năm mùa hạ, mùa lúa không được tốt, lại đang gặp lúc thời tiết cày cấy trồng trọt. Nếu lại phải một phen cung ứng thì dân lo được việc này sẽ mất việc kia. Vậy xin tạm đình để dân dốc sức vào việc ruộng nương. Vua Minh Mạng nổi trận lôi đình, nghi ngờ có uẩn  khúc bên trong nên giáng ông xuống hàng lục phẩm.    

Lá cờ ba sắc không thể bay trên  thành lũy...

Năm 1863, Phan Thanh Giản lại có dịp gắn bó mật thiết với một người Quảng Nam, đó là tiến sĩ Phạm Phú Thứ. Trong phái đoàn đại diện cho triều đình sang Pháp và Y Pha Nho xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, cụ Phan Thanh Giản được cử làm chánh sứ, còn cụ Phạm Phú Thứ làm phó sứ. Họ sống và làm việc bên nhau nên rất hiểu lòng nhau.
 
Khi Phan Thanh Giản vừa qua đời, Tự Đức, người chịu trách nhiệm cao nhất về việc để mất nước đã lớn tiếng kết tội Phan Thanh Giản xét phải tội chết, truy đoạt chức hàm, đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ...  thì cụ Phạm Phú Thứ qua bài điếu văn, đã có cái nhìn khác: “Lòng yêu nước sâu kín của ngài đối với nước nhà đáng khóc lên được… Có bao nhiêu người hiểu biết tình thế thật sự của nước nhà?”. Do cụ từng gần gũi, thân thiết và có lòng với nhân dân Quảng Nam  nên từng có một thời, tại trung tâm thành phố Đà Nẵng có một con đường và một ngôi trường trung học phổ thông mang tên Phan Thanh Giản.

Phan Thanh Giản làm quan tổng cộng 41 năm, trong đó 5 năm cuối đời (1862-1867) gặp nhiều thách thức và bế tắc, dẫn đến bi kịch cho bản thân ông. Năm 1862, ông cùng Lâm Duy Hiệp đại diện cho triều đình buộc phải ký Hòa ước Nhâm Tuất, nhượng 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho Pháp.

Năm 1867, với chức Kinh lược sứ, ông để mất luôn 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên). Nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc để mất toàn bộ đất Nam kỳ, và để tỏ bày tấm lòng của mình với vua, với nước, ông đã “tự xử”, nhịn ăn 17 ngày rồi uống thuốc độc tự vẫn vào ngày 4 tháng 8 năm 1867. Trước đó, ông đã có một tuyên ngôn rất đáng trân trọng: Lá cờ ba sắc (của Pháp) không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống.

Một trí thức nặng lòng yêu nước

Sau khi ông mất, cho đến những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, sự đánh giá về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản còn quá nhiều khác biệt.

Năm 1962-1963, trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử ở miền Bắc đã nổi lên cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản và đi đến kết luận Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân, thậm chí cho rằng đó là hành động theo giặc, chống lại cách mạng, phản lại quyền lợi tối cao của Tổ quốc…
 
Lạ kỳ thay, tại Vĩnh Long, Bến Tre và nhiều địa phương khác ở Nam kỳ, đa số nhân dân vẫn âm thầm thờ phụng Phan Thanh Giản, tự nguyện gìn giữ, tu tạo nơi thờ tự, các di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến cụ, lưu truyền những chuyện kể về  năng lực, đức độ, nhân cách, về lòng  thương dân, yêu nước của cụ.

Giới sử học buộc phải đánh giá lại nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Biết bao câu hỏi đặt ra cần được giải đáp một cách thỏa đáng, thấu lý đạt tình.

Xưa nay bán nước là để vinh thân phì gia chứ có ai tự tử chết, để lại di chúc dặn 2 con trai không theo giặc? Cụ mang tư tưởng thất bại chủ nghĩa hay buộc phải tránh một cuộc chiến đấu không cân sức để tránh đổ máu cho quân dân ta? Nếu tổ chức chiến đấu thì liệu có thắng lợi hay rồi cũng mất thành như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu? Để mất Nam kỳ lục tỉnh thì người chịu trách nhiệm chính yếu là triều đình nhà Nguyễn chứ sao lại đổ hết tội lỗi lên đầu một ông già đã quá 70 tuổi, nhiều lần xin nghỉ hưu nhưng không được chấp nhận?

Qua hai cuộc hội thảo khoa học về Phan Thanh Giản được tổ chức ở Vĩnh Long năm 1994 và ở TP. Hồ Chí Minh năm 2003, giới sử học đã chính thức xóa cái án “bán nước”, “phản bội Tổ quốc” của Phan Thanh Giản, và đánh giá rằng ông là một trí thức nặng lòng yêu nước thương dân nhưng cuối đời đã lâm vào cảnh bế tắc, bi kịch trong một bối cảnh gian truân và đau thương của đất nước (GS Phan Huy Lê).

Nhân ngày giỗ lần thứ 141, vào đầu tháng 8 vừa qua, Lễ tưởng niệm  cụ Phan lần đầu tiên do chính quyền Nhà nước đứng ra chủ trì tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Bức tượng đồng chân dung Phan Thanh Giản đã được gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến theo lời hứa của cố Thủ tướng lúc sinh thời. Danh dự Phan Thanh Giản được phục hồi không chỉ là niềm vui của nhân dân Nam kỳ mà còn là niềm vui của không ít người dân xứ Quảng, nơi cụ đã  nặng lòng và có nhiều duyên nợ.     
      
HUỲNH HÙNG

(*) Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình coi thường dân chúng


;
.
.
.
.
.