.

Về Phong Lệ, nhớ tháng Tám xưa

.

Phong Lệ - làng hội đủ các yếu tố đắc địa của thuật phong thủy theo suy nghiệm của người Việt, nơi ghi dấu những nét văn hóa  khá đặc trưng của Hòa Vang xưa, nơi nhắc ta nhớ lại những sản vật “tiến cung” nổi tiếng và nhất là những con người, địa danh đã đi vào lịch sử như một sự khẳng định giá trị bền vững của một ngôi làng.

Ông Ích Trưng (người đứng bên trái) trước nhà thờ Ông Ích Khiêm ở Phong Lệ.

Có lần tôi được một “lão túc nho” gốc làng Phong Lệ giải thích cho cái thế phong thủy hữu tình của làng Phong Lệ xưa qua dáng đứng của núi Phước Tường và sự bao bọc của dòng sông Cẩm Lệ; được luận giải “tính võ biền và sự tài hoa” của người Phong Lệ qua hình tượng Ông Ích Khiêm. Thật ngạc nhiên khi nghe nhắc đến những đặc sản “tiến cung” và cuộc vận động cướp chính quyền tại đây hồi mùa Thu năm 1945. Ít ai biết rằng, trước năm 1945, Phong Lệ là nơi hằng năm phải dâng tiến cho các vua triều Nguyễn hai sản vật quý là: Thuốc lá và xoài.
 
Tôi tìm đến gò Đồn, vườn Cấm (Viên Cấm) ở ấp Thuận Đông thuộc Hòa Thọ Tây hiện nay để diện kiến những gốc xoài “tiến cung” xưa, nay chỉ còn một gốc trơ cằn. Người ta nói rằng, sở dĩ xoài tượng Phong Lệ được tiến cung dâng lên vua là vì xoài ở đây vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt, mùi rất thơm. Mãi đến năm 1975, Phong Lệ vẫn còn 3 cây xoài tượng đặc biệt ngon dành cho vua ở gò Đồn (nay gần Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòa Vang) và ở vườn Hương Điền.

Tuy nhiên, cuốn hút tôi nhất vẫn là những di tích cổ ghi dấu thời khắc người Phong Lệ chấm dứt trọng trách dâng sản vật thuốc lá và xoài lên vua “ngự dụng” trong tháng Tám năm 1945. Đây di tích Dinh Ông, nơi nhân dân Phong Lệ tập luyện quân sự, rèn chế vũ khí cho những ngày cướp chính quyền. Đây dấu vết miếu Cây Cừa - nơi tập trung những người dân chân đất, gồm đủ thành phần của các làng Phong Lệ, Bình Thái, Cẩm Lệ… vùng lên cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Khi ta tổ chức cướp chính quyền thì Phong Lệ vẫn nằm trong tầm khống chế của quân Nhật. Điều đáng quý là, bất chấp những hiểm nguy đó, người dân Phong Lệ vẫn anh dũng vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân đúng với sự chỉ đạo của Ủy ban chỉ đạo cướp chính quyền huyện Hòa Vang.

Dinh Ông được xây dựng năm 1854. Ông Ích Trưng - một trong những người lớn tuổi của làng cho biết, khi ông còn nhỏ, thường chăn bò quanh dinh thì thấy trong dinh còn thờ một chiếc sọ cọp cổ. Để chuẩn bị thực lực cho việc cướp chính quyền trong lúc quân Nhật còn đóng dày đặc tại Phước Tường, Đà Sơn, Cẩm Lệ và huyện lỵ Hòa Vang, Ban bạo động cướp chính quyền Phong Lệ đã tổ chức huấn luyện quân sự cho thanh niên nam nữ trong vùng, nhiều người là sĩ quan thuộc lính Khố đỏ của Pháp về hưu tại địa phương như đội Bốn (tức Ngô Văn Trác), đội Xằng... cũng tình nguyện huấn luyện quân sự cho anh em tự vệ.

Ngày ấy, đêm đêm, tại Gò Mô và miếu Cây Cừa hoặc cây đa cổ thụ của thôn Cẩm Bắc tiếng hô quân lệnh dõng dạc của những người chỉ huy hòa lẫn vào tiếng bước chân rầm rập của thanh niên nam nữ tại đây. Nhất là sự có mặt của các đội nữ tự vệ ở các thôn. Các đội nữ tự vệ được Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ưu ái trang bị cho mỗi chị một bộ đồ đồng phục: quần soọc, áo sơ mi trắng, tay phải cầm gươm, tay trái đeo băng đỏ trông rất oai vệ và trang nghiêm!

Cụ Hoàng Bưu - trong Ban vận động cướp chính quyền thôn Bình Thái còn nói thêm về mối quan hệ giữa Ban bạo động cướp chính quyền tại đây với cấp trên như sau: “Ngay sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh 2 ngày, thì đồng chí Lê Văn Hiến - từng làm việc với các cơ sở ở thôn Phong Lệ và Nghi An đã gửi cho Ông Văn Long một bản Chương trình và Điều lệ Việt Minh, trong đó có 10 chương nêu rõ chương trình hành động của cách mạng Việt Nam. Các tài liệu này được ông Lê Viết Cò (ở xóm Đồng bé) bí mật mang về Phong Bắc để chúng tôi căn cứ vào đó chuẩn bị triển khai cướp chính quyền!”.

5 giờ 30 phút ngày 17-8-1945, nhân dân các thôn Phong Lệ, Yến Bắc, Cẩm Hòa đã tề tựu đông đủ tại Dinh Ông, ai cũng có gậy gộc cầm tay, dây dừa cuộn tròn buộc trên đầu gậy để tham gia đi cướp chính quyền. Trước khí thế của quần chúng nhân dân, hầu hết các lý trưởng trong vùng đều đem triện đồng, sổ sách đến nộp cho chính quyền cách mạng.
 
Cụ Bưu nói thêm: “Do lúc bấy giờ còn quân Nhật chiếm đóng tại Cẩm Lệ, Phước Tường, Đà Sơn và huyện đường Hòa Vang nên Ban bạo động cướp chính quyền huyện đã chủ trương cướp chính quyền ở tổng và xã trước, còn huyện đường thì tiến hành sau cùng, nên các thôn thuộc cánh dưới của Hòa Thọ lúc bấy giờ như Cẩm Lệ, Bình Thái việc cướp chính quyền diễn ra chậm hơn một ngày để tránh đụng độ với Nhật! Đó là một chủ trương linh hoạt và sáng suốt của Ban vận động cướp chính quyền Quế Lâm (tức Hòa Vang) lúc bấy giờ!”. Sau khi cướp chính quyền thành công ở mỗi làng, nhân dân các làng thuộc Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây hiện nay đã cùng kéo xuống huyện đường Hòa Vang để tham gia cướp chính quyền tại đây.

Những ngày này, tìm lại những “dấu xưa, tích cũ” tại Phong Lệ, nhất là được chiêm ngưỡng khu di tích lịch sử Hòa Thọ, tôi thực sự thích thú khi biết rằng: trên nền của vùng đất “tháng Tám lịch sử” năm xưa của Phong Lệ, mặc dù sau khi đã chia tách thành quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang thì lãnh đạo huyện Hòa Vang vẫn tài trợ cho Hòa Thọ (nay là Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây) 300 triệu đồng để xây dựng một khu di tích lịch sử tại gò Mô.

Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn biết bao nếu cả di tích Dinh Ông cũng được đưa hẳn vào khuôn viên của khu di tích này. Dẫu sao, với người dân Phong Lệ nói riêng và Hòa Thọ nói chung, thì di tích Dinh Ông, miếu Cây Cừa, cây đa cổ thụ Cẩm Bắc… mãi mãi là những minh chứng sống động một thời.

LƯU ANH RÔ

;
.
.
.
.
.