.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

* Phê bình Chủ tịch UBND 6 quận, huyện không dự Hội nghị

Ngày 19-8, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 22/CT-TW (ngày 5-6-2008) của Ban Bí thư (khóa X) về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp” trên địa bàn thành phố. Đồng chí Phan Như Lâm chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã quán triệt tinh thần Chỉ thị 22/CT-TW: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta từng bước được hoàn thiện. Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và lao động có chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức Công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp đã trở thành người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ), góp phần giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển. Tuy nhiên, gần đây những tranh chấp lao động dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật có xu hướng gia tăng với quy mô lớn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và môi trường đầu tư, gây thiệt hại cho NLĐ, cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Công tác quản lý Nhà nước về lao động còn bất cập. Nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có tổ chức Công đoàn hoặc Công đoàn hoạt động chưa hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhiệm vụ cụ thể: Khẩn trương triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; đánh giá những kết quả và những việc chưa làm được trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW (ngày 23-11-1996) của Bộ Chính trị; tiếp tục hoàn thiện các biện pháp hạn chế xảy ra tranh chấp lao động; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về lao động, khung pháp lý và tạo môi trường để đại diện NSDLĐ, hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề hoạt động có hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật và chính sách lao động; Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đổi mới cơ chế hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp và có chính sách đào tạo, đãi ngộ cán bộ Công đoàn trong doanh nghiệp; Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ phát triển mô hình tập hợp thanh niên, công tác nữ công trong doanh nghiệp. Các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt nội dung chỉ thị này trong toàn hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để thực hiện mục tiêu ổn định chính trị-xã hội, thu hút đầu tư, tạo việc làm và cải thiện đời sống NLĐ. Các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tốt việc tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế, thu hút đầu tư, tránh đưa tin một chiều tạo phản ứng không tốt trong quan hệ lao động và dư luận xã hội.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố đã trình bày kế hoạch triển khai Chỉ thị 22/CT-TW và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị có liên quan. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện. Theo đó, thành phố sẽ thành lập Ban quan hệ lao động giúp UBND thành phố chỉ đạo, xử lý các vấn đề về quan hệ lao động. UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng và bố trí chỗ ở cho NLĐ trong khu công nghiệp.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện quy định pháp luật về lao động cho biết: Hiện có trên 85% NLĐ được ký hợp đồng lao động, trong đó cao nhất là khối doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ 96%. Xây dựng và đăng ký thỏa ước lao động tập thể có 90% doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và ngoài quốc doanh tỷ lệ này rất ít. Việc áp dụng thang bảng lương và định mức lao động chưa được các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 cuộc đình công tự phát không đúng quy định pháp luật ở 3 doanh nghiệp với trên 10.000 NLĐ tham gia. Tranh chấp chủ yếu là lương thấp, chậm thanh toán, thiếu công khai, không chế độ tăng lương nhưng lại tăng ca liên tục vượt thời gian quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phan Như Lâm đánh giá tình hình xảy ra đình công tranh chấp lao động ở Đà Nẵng không nhiều nhưng không được chủ quan. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phải coi trọng công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW. Coi việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cân bằng lợi ích hợp pháp giữa NLĐ với doanh nghiệp là góp phần thúc đẩy ổn định trật tự xã hội, ổn định chính trị, góp phần thu hút đầu tư, phát triển của thành phố.

Tại Hội nghị này, đồng chí Phan Như Lâm phê bình Chủ tịch UBND 6 quận, huyện (trừ quận Cẩm Lệ) đã không dự Hội nghị như thành phần mời, yêu cầu Văn phòng Thành ủy có công văn thông báo ý kiến phê bình đến các quận, huyện này.

S.T

;
.
.
.
.
.