.

Cá có buổi chợ

.

Đến chợ cá Thọ Quang từ 3-4 giờ sáng, thậm chí là từ 11 giờ đêm, những người buôn bán cá thực hiện các công đoạn mua đi, bán lại, rồi từ đây cá tỏa đi khắp các chợ trong thành phố hay vào công ty chế biến thủy sản xuất khẩu để rồi chu du khắp nơi trên thế giới mà làm bữa ăn cho con người. Đi chợ cá mới hiểu câu “vàng có giá, cá có buổi chợ”.

10 người bán, 2 người mua

Tàu về cảng, ngư dân còn chờ vài ngày mới được chủ nậu “hỏi thăm” để cân cá.
Tiết trời chuyển gió mùa, biển động, cá về bến ít hơn so với những ngày trước. 5 giờ sáng vẫn chưa tỏ mặt người. Dưới hàng chục bóng đèn cao áp, tiếng trả giá, tiếng hỏi cá, mực hôm nay bao nhiêu râm ran cả khu chợ. Chị Lan ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu ra bến từ hơn 4 giờ sáng, cắp chiếc rổ nhựa đi từ đầu đến cuối chợ cá chọn mua cá nục và cá duỗi. Cá duỗi bình thường giá chỉ ở khoảng 13-15.000 đồng/kg, nhưng hôm nay tăng lên 20.000, con nào to (3-5 ký) còn đội giá lên 25.000 đồng; cá nục cũng đứng ở giá 17-18.000 đồng/kg.

Chị Lan mua cá mang lên bán lại ở chợ Phú Lộc. Theo chị, vì là chợ nghèo nên phải chọn mua cho được giá cá rẻ, hợp lý nhất mới bán lại được, “như cá nục ra đến chợ giá 20.000 đồng là cao lắm rồi, vì người mua ăn cũng cực, làm không ra nên không thể bán với giá cao hơn. Ở đây có thể mua với giá mấy cũng được nhưng sợ lên chợ bán không được”. Còn dì Lê Thị Thanh, ở tổ 27 Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê chọn mua những loại cá nhỏ mang đi chợ Hòa Mỹ. Dì bảo già rồi, chặt những loại cá lớn không nổi nên chấp nhận buôn mấy loại cá vụn. Nhà ở xa, dì Thanh phải có mặt ở bến cá này từ 3-4 giờ sáng, hôm nào biết cá ít thì đã có mặt từ 11 giờ đêm.

Tháng 4 đến tháng 8, mùa cá mành đèn có cá cơm, nục, de. Qua mùa biển động là mùa của cá duỗi, thu, ngừ. Mùa nào thức ấy, cá cũng sẽ ngon hơn. Cá thu cũng có nhiều loại như thu ải, thu nhồng, thu suốt, thu mùa. Hôm nay cá ngừ 30.000 đồng/kg; thu nhồng có giá 50.000 đồng/kg, mấy hôm trước chỉ 40.000. Chị Lan bảo không thể mua vì đang theo giá cũ, giờ bán với giá mới (70.000 đồng/kg/thu nhồng) khách hàng không mua.
 
Một chị nhà ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà nhất định giấu tên, chuyên mua rồi bán ngay tại chợ các loại cá sơn, bủm, đổng quéo, cá đo... Chồng chị làm chủ tàu, góp vốn đi biển với anh em, nhưng phải neo tàu từ Tết đến giờ vì đi biển lỗ quá. Theo chị, khi giá dầu lên 2.000 đồng, giá cá lên ngang ngửa thì dân biển ra khơi mới có lời, tức mỗi chuyến biển phải thu được trên 70 triệu đồng. Chị theo nghề mẹ chồng, 25 năm làm nghề buôn cá “xưa trăm người bán, vạn người mua, nhưng giờ 10 người bán chỉ có 2 người mua nên buôn bán rất khó. Nhiều bạn hàng của chị bỏ nghề. Hôm nào cá nhiều, các công ty đến cân xuất khẩu thì chủ tàu bán hết cả lô hàng hàng trăm ký; người mua lẻ dù mua với giá cao hơn nhưng chỉ mua được vài chục ký; trúng ngày công ty cân cá là về không”.

9 giờ sáng, chị Lan rời chợ, tay không, đành bỏ một buổi chợ, vì với giá cá ấy, chị cũng có thể mua mang lên chợ bán cho khách hàng, nhưng sẽ rất khó bán vì người đi chợ chưa quen với giá cá của mùa biển động.

Những người định giá cá

Mua cá ngay tại thuyền ở khu vực chợ cá bán buôn, bán lẻ, cảng cá Thọ Quang.
“Buôn có bạn, bán có phường”, câu thành ngữ này luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là ở cảng cá. Những tàu nhỏ đánh cá bằng lưới vây, rớ không chuyên một loại cá nào thường bán cá cho những người buôn nhỏ. Bạn hàng đã quen, khi những chiếc thuyền mang cá vô sát bờ, những chủ nậu đến thuyền ngã giá, quyết định mua với giá nào và định luôn giá cá, mực cho cả buổi chợ hôm đó. Khi cá mang lên bờ, những người như chị Lan hay dì Thanh mua lại với giá cao hơn 1-3.000 đồng/kg, sau đó mới mang ra chợ. Có khi ở chợ lại có những người buôn khác, lấy hàng lại, bán cho người tiêu dùng. Buổi chợ hôm đó, ở chợ Đống Đa, cá nục được bán với giá 26.000 đồng/kg, cá thu nhồng 100.000 đồng/kg, cá cu 80.000 đồng/kg, cá ngừ 50-55.000 đồng/kg.

Con cá từ biển, lên bờ, đến tay người tiêu dùng phải qua 2-3 khâu trung gian. Các bà nội trợ hay kêu giá cá mắc, rẻ và thắc mắc vì sao cá ăn thì đắt, ngư dân lại kêu ra khơi lỗ đều bắt nguồn mọi nguyên nhân từ đây. Dì Sáu, một nậu cá ở khu chợ dành cho những người buôn nhỏ, cảng cá Thọ Quang chuyên mua trực tiếp từ tàu, thuyền, bán lại cho bạn hàng trên bờ cho rằng: “Dù có định giá, thì giá ở khu chợ này vẫn cao hơn giá cá mà công ty mua của ngư dân”.

Để làm đầu nậu, bắt buộc những người buôn này phải có vốn lớn, nhưng không quá 100 triệu đồng, như tiết lộ của dì Nguyễn Thị Liễu, ở tổ 35 Vũng Thùng, phường Thọ Quang. Dì lý giải “vì buôn ở khu chợ nhỏ trên đường đi vào cảng, ít khi phải ứng tiền dầu cho chủ tàu mượn, đồng vốn quay vòng ít, cá thì hôm mua được hôm không do phụ thuộc ở công ty, nên ít khi xuất vốn cho mượn”. Những người buôn bán cá ở đây đều đoan chắc một điều là giá cá lên xuống do các công ty xuất nhập khẩu thủy sản định giá, nên ngư dân không có lời sau mỗi chuyến biển. Nhưng thực tế lại khác...

Một thế giới khác

Cá được bán qua vòng thứ 2,3.
Đi sâu vào trong cảng cá, bắt gặp những chủ nậu được gọi là “trùm sò” ở cảng. Giá cá lên, xuống như thế nào đều phụ thuộc vào họ chứ không phải là công ty như những người buôn nhỏ phía trước cảng nhầm tưởng. Ông Lý Văn Còn, chủ tàu ĐNa 90253 ở tổ 36 Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê cập bến 3 ngày mới bán được cá. Ông còn may mắn hơn tàu của ông Phước neo cạnh đó cập cảng đã 6 ngày, cá vẫn chưa cân. Tàu của ông Còn chuyên đi mực, cá dấm, cá bò, mới bám biển 3 tháng nay sau khi nằm bờ ròng rã 5 tháng liền.

Ông cho biết “không phải các chủ tàu “làm eo”, chờ được giá mới bán, mà tất cả đều phụ thuộc vào chủ nậu, lúc nào họ muốn cân thì cân, chứ không phải cứ tàu cập cảng là cá được lên bờ”. Chuyến biển này tàu của ông chuyên cá bò, đợt trước giá cá lên đến 40.000 đồng/kg, nay rớt xuống còn 37-38.000 đồng, cá của tàu ông còn hạ hơn mức giá chung 1.500 đồng do vô mấy ngày, cá không còn tươi, 10 tấn cá mất 15 triệu. Chuyển hết cá lên bờ, ông để vợ ở lại cân ký với chủ nậu, còn mình đưa tàu về neo ở cảng Thuận Phước trong tâm trạng buồn bã. Một chuyến biển đã không có lãi để trả lương và bồi dưỡng cho 15 thuyền viên, giờ bị ép giá, không buồn sao được!.

Các chủ tàu cho biết, ở cảng cá này các đầu nậu tham gia mua cá của các chủ tàu rồi mới bán lại cho các công ty chế biến thủy hải sản. Mỗi chủ nậu chuyên buôn bán 1-2 loại cá khác nhau nên một tàu có khi quan hệ với hàng chục chủ nậu, tùy theo loại cá họ đánh bắt. Chị Trần Thị Thương, ở tổ 35 Thuận Phước, quận Hải Châu, làm thuê cho một chủ nậu cho biết, bà chủ của chị là đầu mối của khoảng 30 tàu cá đánh bắt xa bờ. Cả bến có hơn 10 đầu nậu và các công ty muốn mua cá, mực đều phải qua đầu nậu mới có hàng.

Một chủ nậu tên Bé chỉ dành cho tôi 2 phút để nói vắn tắt, giọng quả quyết: “Hồi trước giá cá 9.000 đồng thì dầu 15.000, nay dầu được bù giá, khoảng 16-17.000 nghìn thì giá cá trung bình đã lên đến 18-20.000 đồng/ký, giá cá lên được 1 năm nay nên không thể nói đi biển là lỗ được. Trong khi bọn chị (các chủ nậu) toàn cho các tàu ứng tiền dầu trước, tàu có 5-10 tấn cá thì tiền dầu ứng trước là 50-100 triệu. Cá về bến chưa cân kịp cho công ty thì đã phải trả tiền dầu rồi”.

Cũng không thể phủ nhận vai trò của các chủ nậu trong việc ứng tiền cho các tàu ra khơi, nhưng thị trường phụ thuộc vào họ khiến cho giá cá định sẵn, ngư dân vất vả cả chuyến biển cũng không có lời lãi, và kéo theo hàng trăm tàu cá lớn nhỏ phải nằm bờ vì không có vốn và nhiều hệ lụy khác. Hàng trăm tàu cá và hàng nghìn cuộc đời sống dựa vào biển phải phụ thuộc vào hơn 10 đầu nậu. Một thực tế mà có lẽ cảng cá nào cũng gặp phải. Khi chừng nào các công ty hoặc một đơn vị của Nhà nước chưa thể tổ chức thu mua, đấu giá để định giá cá cho ngư dân tùy thuộc mỗi chuyến biển, thì chừng ấy họ còn thiệt thòi và phụ thuộc vào những chủ nậu.

Hoàng Nhung

 

 

;
.
.
.
.
.