.
CHIA SẺ VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Nói và hành động

.

Bốn nhóm được phân chia theo từng lĩnh vực gồm y tế, giáo dục, hoạt động xã hội, học nghề và việc làm. Họ ngồi lại thành vòng tròn rồi cùng thảo luận về chủ đề “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với định hướng đa dạng hóa các lĩnh vực hỗ trợ có sự tham gia của cộng đồng”.

Đây là một trong những chương trình tập huấn dành cho cán bộ Ban Quản lý Chương trình Phát triển vùng huyện và xã do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam triển khai tại 8 xã của huyện Hòa Vang.

NKT sẽ làm được những điều như người bình thường nếu có sự chung tay của cộng đồng.

Với mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng cho thành viên, Ban quản lý Chương trình Phát triển vùng huyện và xã trong chương trình phát triển vùng huyện Hòa Vang về vấn đề khuyết tật và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng nhằm định hướng và có kế hoạch triển khai các hoạt động, dịch vụ trợ giúp người khuyết tật (thông qua việc lồng ghép trong chương trình phát triển vùng huyện).
 
Anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ phụ trách về khuyết tật của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam cho biết: “Đối với những người khuyết tật (NKT), phục hồi chức năng không chỉ là điều trị mà còn hướng tới hòa nhập xã hội một cách toàn diện. Với mục tiêu này, thông qua các chương trình, dự án, chúng tôi muốn hỗ trợ NKT phát triển cùng với cộng đồng, ở trong cộng đồng, ngay tại cộng đồng nơi NKT đang sinh sống nhằm xóa bỏ rào cản, bảo đảm cuộc sống hòa nhập toàn diện. Qua đó, mọi NKT có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng chuyên môn và các dịch vụ khác như giáo dục, thu nhập… bình đẳng như mọi người trong xã hội”.

Các thành viên cùng thảo luận nhóm.

Tham gia vào lớp tập huấn này, các thành viên bộc lộ nhận thức của mình qua các trò chơi thể hiện thái độ với NKT, về những tình huống trải nghiệm khuyết tật như bịt mắt khi di chuyển, mang áo mưa với một tay bị trói. Để cụ thể hóa mục tiêu, nhằm đem lại hiệu quả trong hành động, người tham gia được hoạt động nhóm bằng phương pháp thảo luận sôi nổi dưới góc nhìn chuyên môn về y tế, giáo dục, tham gia hoạt động xã hội, học nghề và việc làm.

Chị Võ Thị Thu Nguyệt, cán bộ chuyên trách dân số-gia đình và trẻ em xã Hòa Nhơn cho rằng: “NKT cần được đối xử bình đẳng như những người bình thường khác. Trước đây, cái nhìn về NKT thiếu sự sẻ chia nhưng bây giờ mọi người đã hiểu đầy đủ hơn, nó không còn là sự thương hại hay mặc cảm, tự ti. Và điều quan trọng là cộng đồng làm gì để giúp NKT vươn lên bằng mọi khả năng, chứng minh cho xã hội thấy NKT làm được và hơn cả những người bình thường khác”.

Cán bộ Tổ chức TNTG giới thiệu chương trình “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”.

Ở xã Hòa Nhơn, chúng tôi gặp không ít trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vượt lên số phận bằng khả năng và bằng sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng. Đó là trường hợp 3 đứa con nhà chị Nguyễn Thị Hồng, trú thôn Thạch Nham Đông bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hay như em Trần Duy Tài, sinh năm 1989, trú tại thôn Phước Hưng Nam, bị liệt nửa người, nhưng với sự giúp đỡ của bạn bè và người thân, em đã vượt qua chương trình THPT và hướng tới mục tiêu cao hơn.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.