(ĐNĐT) - Sáng ngày 27-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố gồm đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố và ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang nhằm chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII.
Cử tri nêu các vấn đề cần phản ánh tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XII. |
Các cử tri cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện pháp luật hiện nay còn yếu; vì vậy cần tập trung nâng cao chất lượng của công tác này, trong đó phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp rộng rãi trong các trường phổ thông. Tình trạng gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm… diễn ra tràn lan trong thời gian qua cần có biện pháp chế tài, xử phạt và chấn chỉnh để ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân. Chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường còn bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc, cần có giải pháp hợp lý trong vấn đề này.
Về các vấn đề của địa phương, cử tri huyện Hòa Vang cho rằng, cần tăng cường hệ thống thú y ở cơ sở để ngăn chặn hiệu quả, khoanh vùng dịch bệnh gia súc gia cầm trong quá trình chăn nuôi đang phát triển nhanh chóng như hiện nay tại nông thôn. Đối với các phường Hòa Phát, Hòa An (quận Cẩm Lệ), cử tri tiếp tục bức xúc về vấn nạn ô nhiễm môi trường do chưa có hệ thống cống thoát nước, chưa xử lý triệt để việc xả chất thải từ trên tàu ở tuyến đường sắt đi ngang địa bàn; an toàn giao thông đường bộ và đường sắt vẫn chưa có hướng xử lý tốt, nhất là các tuyến đường ngang đường sắt và mật độ giao thông quá cao trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa phận thành phố trong khi đã có tuyến đường tránh Nam Hải Vân.
Cử tri quận Cẩm Lệ bày tỏ ý kiến về việc chậm triển khai thực hiện các dự án giải tỏa, đền bù, tái định cư đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Việc 17 hộ dân các tổ 23, 24, 25 và 26 của phường Hòa Thọ Tây đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải được xem xét, giải quyết.
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố, đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tiếp thu ý kiến của các cử tri; đồng thời trình bày những thông tin liên quan đến các vấn đề cử tri thành phố quan tâm.
* Trước đó, ngày 26-9, các ĐBQH Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Thị Kim Thúy đã có đợt tiếp xúc cử tri tại quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê.
Tại các buổi tiếp xúc ở hai đơn vị trên, đồng chí Nguyễn Bá Thanh trình bày với cử tri nội dung cơ bản của kỳ họp, dự kiến khai mạc vào ngày 16-10 và kéo dài trong 28 ngày. Theo đó, Kỳ họp thứ 4, QH khóa XII sẽ xem xét các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước từ năm 2005 đến 2007; đồng thời xem xét các báo cáo khác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác đối ngoại; tình hình thực hiện nghị quyết của QH về các công trình quan trọng quốc gia…
Về công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp lần này sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật và 1 nghị quyết gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Công nghệ cao, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Đa dạng sinh học và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật gồm: Luật quản lý nợ khu vực công, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Bồi thường Nhà nước, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Luật Đăng ký bất động sản.
Kỳ họp lần này cũng xem xét, quyết định Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND cấp xã.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu cử tri đã nêu lên những vấn đề bức xúc, cần phản ánh và xem xét tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XII. Theo đó, hiệu lực thực hiện pháp lý trong tình hình hiện nay vẫn còn thấp, vì vậy cần xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện các luật do QH thông qua, trong đó có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật. Chính sách tiền lương vẫn còn bất cập, gây ảnh hưởng đến việc thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, năng lực tốt. Việc thực hiện không tổ chức HĐND các cấp quận, huyện, phường cũng như để dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND cấp xã là đúng đắn và hợp với xu thế.
Trong lĩnh vực giáo dục, cần đầu tư một cách bài bản về trang thiết bị trường học để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời tổ chức lại hệ thống đào tạo ngành sư phạm ở bậc cao đẳng, đại học trong cả nước. Việc vay vốn của nước ngoài cần phải công khai và có lộ trình cụ thể trong việc trả nợ vay…
Về những vấn đề tại địa phương, các đại biểu cử tri bày tỏ sự lo ngại trước việc nhiều dự án chậm triển khai, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và gây ô nhiễm môi trường như: Khu công nghiệp Hòa Khánh, Nhà ga đường sắt mới, Phần Lăng 2… Vấn đề giải quyết việc làm cũng đang còn nhiều bức xúc, nhất là việc thu nhập thấp trong tình hình giá cả tăng cao hiện nay. Ngoài ra, việc giải quyết những bất cập trong an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự… cũng được các cử tri nêu lên, cần có sự giải quyết nhanh chóng của các cấp chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực y tế, cử tri quận Thanh Khê lo ngại trước tình trạng đầu tư cho tuyến quận, huyện còn quá ít, chế độ bồi dưỡng cho cán bộ y tế ở tuyến này còn thấp…, từ đó khó thu hút bệnh nhân cũng như giữ chân được những cán bộ y tế có chuyên môn cao.
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố, đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tiếp thu ý kiến của các cử tri, đồng thời giải thích những vấn đề trong khả năng giải quyết của thành phố cũng như cơ sở.
* Cùng ngày, các ĐBQH Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Thị Mỹ Hương có buổi tiếp xúc với cử tri các quận Hải Châu và Sơn Trà.
Cử tri bày tỏ đồng tình với công tác chuẩn bị cho kỳ họp của Ủy ban Thường vụ QH theo hướng giảm đọc báo cáo, tăng phát biểu mang tính tranh luận và rút gọn thời gian kỳ họp. Cử tri bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời gửi gắm đến kỳ họp của QH cần có biện pháp kiềm chế lạm phát hiệu quả hơn, có biện pháp mạnh chống đầu cơ, găm hàng tăng giá và những tháng cuối năm, có biện phát kích thích phát triển kinh tế tìm đầu ra hiệu quả cho nông dân trồng lúa và nuôi trồng thuỷ sản. Đề nghị Chính phủ có biện pháp kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống hiệu quả hơn hàng lậu và gian lận trong thương mại.
Cử tri bày tỏ lo lắng trước những vi phạm gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất mà vụ việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan là một điển hình. Vì vậy, phải có biện pháp mạnh xử lý có tính răn đe đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, diễn biến phức tạp. Do vậy việc kê khai tài sản theo qui định của luật phòng, chống tham nhũng phải được công khai cho toàn dân được biết. Kê khai tài sản mà chỉ để trong nội bộ biết thì người dân khó giám sát và cùng tham gia chống tham nhũng.
N.T - S.T