.

Chung một nỗi đau cùng tranh đấu cho hòa bình

.

Các Hibakusha tặng bà Nguyễn Thị Bình bộ ảnh về các Hibakusha đã thiệt mạng khi bom nguyên tử nổ và những Hibakusha sống sót mắc bệnh nan y.

(ĐNĐT) - Tối ngày 13-9, tại khách sạn Đà Nẵng, đã diễn ra một cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa 102 nạn nhân của bom nguyên tử (ở 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki trong thế chiến thứ hai) với 100 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) của thành phố Đà Nẵng. Rào cản của ngôn ngữ giữa họ không ngăn được sự đồng cảm, thấu hiểu nhau chung một nỗi đau là nạn nhân của chiến tranh.

Chúng ta là lời cảnh tỉnh đối với chiến tranh

102 Hibakusha (danh từ người Nhật gọi nạn nhân của bom nguyên tử) là thành viên của tàu Hòa Bình đến Đà Nẵng trong hành trình vòng quanh thế giới cổ vũ chống chiến tranh, xây dựng thế giới hòa bình. Phần lớn các Hibakusha đều đã ở tuổi lên ông, lên bà. Họ là những người còn sống sót sau hai quả bom nguyên tử đã lấy đi mạng sống của 300 ngàn người. Sống sót nhưng nhiều người sau đó đã ra đi vì những căn bệnh di chứng phóng xạ hạt nhân để lại.

Trong buổi giao lưu, ông Katsoys Omori, 77 tuổi, kể lại: Đó là một ngày làm việc bình thường, bỗng nhiên ông nghe có tiếng máy bay, có tiếng súng nổ ở phía xa cách nơi ông làm việc khoảng hơn 1,5Km. Một tiếng nổ khủng khiếp và một cây nấm khổng lồ bốc lên. Phút chốc cả thành phố chìm trong biển lửa. Chỉ một lát sau mọi người đều có cảm giác cổ họng bỏng rát. Họ bổ nhào ra sông để uống nước. Ngay lúc đó họ cũng không biết đấy là một vụ thả bom nguyên tử. Giờ đây mang trong mình hai căn bệnh ung thư, ông Katsoys Omori không thể chơi đàn piano, môn nghệ thuật yêu thích từ thời trai trẻ vì các ngón tay co cứng.

Hibakussha trao những chiếc vòng nguyện cầu hòa bình tự làm tặng các bạn Việt Nam.
Ôm lấy bé Lê Thị Hà - NNCĐDC đã 15 tuổi nhưng chỉ cao chưa đến 1m, bà Morimoto Junko xúc động rơi nước mắt. Bà cũng mang trong mình nhiều căn bệnh nan y, nhưng các cháu ngoại của bà vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì cả.

Bà nói: “Tôi vẫn còn hạnh phúc hơn các NNCĐDC Việt Nam bởi nỗi đau của họ đến thế hệ thứ ba vẫn chưa dứt”. Chỉ cho mọi người xem tập ảnh về cái chết cháy của Hibakusha khi bom nguyên tử nổ, những căn bệnh ung thư của Hibakusha còn sống sót, ông Tateshi Okamasu nói: “300 ngàn Hibakusha và 5 triệu NNCĐDC Việt Nam, chúng ta là lời cảnh tỉnh đối với chiến tranh”.

Đến với nhau vì một thế giới hòa bình

Khác với các Hibakusha, phần đông NNCĐDC có mặt trong buổi gặp gỡ là trẻ em. Là thế hệ thứ hai, thứ ba nhưng các em vẫn mang những căn bệnh, dị tật do cha truyền con nối bởi ảnh hưởng của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh. Đà Nẵng, căn cứ xuất phát của những chuyến bay rải chất diệt cỏ có chất độc da cam, là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cả hai ông cháu, ông nội Nguyễn Xuân Tân và cháu Nguyễn Thị Thảo Tiên đều gây xúc động cho các Hibakusha.

Bà Morimoto Junko rất xúc động ôm bé Lê Thị Hà.
Ông Tân là bộ đội chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã không ít lần ướt người vì thứ hóa chất khai quang của quân đội Mỹ rải xuống. Dioxin đã ngấm vào máu của ông, truyền đến đời con rồi cháu của ông. Ông Tân bày tỏ: "Thế chiến thứ hai đã kết thúc 63 năm, chiến tranh Việt Nam cũng đã đi qua 33 năm nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó. Hôm nay chúng ta đến với nhau, hãy cùng nhau lên tiếng vì một thế giới hòa bình. Để không còn những nỗi đau chiến tranh dai dẳng mãi”.

Dự buổi giao lưu, bà NguyễnThị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định: Cuộc đấu tranh vì hòa bình của chúng ta còn cam go bởi vì thế giới vẫn còn nhiều cuộc xung đột vũ trang, hoạt động khủng bố cướp đi cuộc sống của nhiều thường dân. Thế giới cũng tiềm ẩn nguy cơ các thế lực hiếu chiến toan tính sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa sinh để thực hiện tham vọng của mình. Cùng là nạn nhân chiến tranh, chúng ta cùng một ý chí phấn đấu cho một thế giới hòa bình để không có ai trên trái đất bị sát thương, hủy hoại vì đạn, mìn, bom hạt nhân và Dioxin.

Bài và ảnh: Đoàn Sơn

;
.
.
.
.
.