.

Chuyện ở hồ công viên

.

Chuyện cá chết trong hồ Công viên 29-3 đã qua, nhưng dư âm về 3 tấn cá chết được người dân vớt và mang đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn thành phố với giá rẻ thì vẫn chưa thể nào dứt được. Thì ra chuyện cá chết ở hồ công viên đã là chuyện bình thường.

3 tấn cá thẳng đường vào chợ

Nhiều người dân hiếu kỳ đã tập trung ở khu vực hồ Công viên 29-3 xem vớt cá.

Sau cơn mưa tối 8-9, tờ mờ sớm hôm sau, người dân đi tập thể dục khu vực hồ nước Công viên 29-3 Đà Nẵng phát hiện hồ nổi đầy xác cá, và rất nhiều con cá đang ngắc ngoải. Chủ yếu là cá rô phi, cá diếc. Trời vừa sáng hẳn, người dân quanh khu vực, cả xe ôm, xe thồ và lao động tự do quanh vùng đã kéo nhau đến hồ vớt cá. Nhiều xe máy chở xô, bao tải… đầy cá lừ đừ vớt được tại đây đi tiêu thụ. Đến chiều thì hồ đã bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân cá chết chưa được các ngành chức năng làm rõ thì hàng tấn cá chết và gần chết đã được người dân đưa đến các chợ trên địa bàn thành phố với giá bán cực rẻ, chỉ xấp xỉ ½ giá bình thường mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Công ty Công viên (CTCV) Đà Nẵng đã huy động hàng chục bảo vệ ngăn cản không cho người dân xuống hồ vớt cá, nhưng đành bất lực, do người dân đổ đến quá đông, lực lượng bảo vệ thì quá mỏng. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao hàng trăm người dân đổ xô đến vớt hơn 3 tấn cá chết đi bán tại các chợ nhưng không gặp bất cứ sự cản trở nào từ các ngành chức năng. Và cũng không ai biết, ăn những con cá chết và đó có ảnh hưởng như thế nào với sức khỏe.

“Quả bóng” trách nhiệm bị đá quanh

Sau 5 phút, một người có thể vớt được vài kg cá tại hồ Công viên 29-3 Đà Nẵng.

Các ngành chức năng từ CTCV cho đến UBND quận Thanh Khê, Sở TN-MT thành phố vẻ như lúng túng trong xử lý vì vấn đề này, không biết trách nhiệm thuộc về ai. Một cán bộ Văn phòng Sở TN-MT cho biết: Theo phân cấp, hồ Công viên 29-3 do quận Thanh Khê quản lý, sử dụng và khai thác. Chính vì thế, trước hết, trách nhiệm thuộc về quận Thanh Khê. Nếu quận không đủ khả năng để làm thì có văn bản gửi lên Sở để có cơ sở hỗ trợ xử lý. Vị cán bộ này cũng cho biết, ngay trong ngày 9-9, Sở TN-MT đã tiến hành phân tích mẫu nước tại khu vực hồ công viên, tuy nhiên việc phân tích mẫu nước chỉ dừng lại ở kết luận mẫu nước ô nhiễm hay không, còn cá chết do nguyên nhân gì thì chỉ có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới biết!

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh - Trưởng phòng TN-MT quận Thanh Khê lại cho rằng, mặc dù trên văn bản giấy tờ thì quận Thanh Khê quản lý và khai thác 7 hồ, trong đó có hồ Công viên 29-3, nhưng trên thực tế thì hồ Công viên 29-3 do CTCV quản lý và khai thác. Trao đổi với một số phóng viên báo chí, ông Lê Ngọc Thủy, Giám đốc CTCV Đà Nẵng cho rằng, do diện tích mặt hồ quá lớn và lượng bùn dưới lòng hồ lên đến hàng chục tấn nên khả năng CTCV Đà Nẵng không thể xử lý được. Hiện CTCV Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng và Sở TN-MT thành phố đề nghị hỗ trợ xử lý môi trường tại đây. Nghĩa là: Sở TN-MT nói trách nhiệm thuộc quận Thanh Khê; quận nói trách nhiệm thuộc CTCV; CTCV bảo không đủ khả năng và… nhờ Sở TN-MT!

Cá chết, không phải là chuyện lạ

Một thanh niên tham gia vớt cá tại hồ nước Công viên 29-3, hai tay cầm 2 con cá rô phi lớn vừa vớt được. Ảnh: Nguyên Khôi

Ông Lê Ngọc Thủy cho biết: Chuyện cá chết ở hồ công viên là chuyện bình thường. Mỗi năm có 2 đến 3 lần như thế.

Ngày 12-9, Phòng Quản lý MT - Sở TN-MT thành phố Đà Nẵng đã có kết quả công tác giám định mẫu nước tại hồ Công viên 29-3. Theo đó, nước hồ Công viên 29-3 có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, hàm lượng kim loại nặng trong nước như Cu, Pb cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép, chất lượng nước không bảo đảm. Hiện tượng cá ngáp nổi lên mặt nước và chết hàng loạt là do hàm lượng oxy hòa tan trong nước hồ bị suy kiệt, cộng thêm tác động mực nước hồ rất thấp (0,1-2m), lớp bùn đáy dày (0,1-0,4 m) do lâu ngày không nạo vét đã tích tụ nhiều khí độc, và trời mưa dông làm cho nước hồ và bùn đáy bị xáo trộn chuyển động làm tăng hàm lượng một số hơi khí độc gây chết nhiều loại thủy sinh. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước hồ Công viên 29-3 là do nguồn nước thải từ các khu dân cư chảy vào hồ; hồ Thạc Gián, hồ Vĩnh Trung vẫn còn một đường dẫn nước thải vào hồ Công viên 29-3…

Sau khi có kết quả quan trắc, Sở TN-MT đã kiến nghị CTCV Đà Nẵng có biện pháp nạo vét thường xuyên lòng hồ cũng như các bùn cặn tại các cống thải nước vào hồ để giảm thiểu lượng bùn lắng vào lòng hồ. Đồng thời thiết kế hệ thống bơm khí và các ống đục lỗ dưới lòng hồ để cung cấp oxy khi cần thiết.

Việc cá chết ở hồ Công viên 29-3 không còn là chuyện lạ với người dân thành phố Đà Nẵng, nhưng “lạ” ở chỗ là tại sao hàng tấn cá chết được vớt đi bán tại các chợ mà không gặp bất cứ sự cản trở nào từ phía cơ quan chức năng. Lạ ở chỗ, sau mỗi lần sự việc này xảy ra, không lẽ các cơ quan chức năng không rút ra được điều gì, mà cứ để lặp lại?

Chỉ tội cho hồ công viên. Một nơi yên tĩnh, ngát xanh giữa thành phố đầy náo nhiệt, sau mỗi lần cá chết, phải mất hàng chục ngày, mới được trả về dáng vẻ trong lành. Ai dám chắc mùa sau, cá không còn chết?

Túy Loan

;
.
.
.
.
.