.

Đêm rằm không cô đơn

.

Mỗi năm, cứ đến đầu tháng tám, những đứa trẻ mồ côi tại các gia đình thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố lại háo hức với những trò chơi múa lân quen thuộc. Thua thiệt nhiều thứ,  nhưng có con lân, ông địa hòa chung với tiếng trống rộn ràng dưới ánh trăng rằm lung linh có thể giúp các em vơi đi nỗi buồn, khi mà số phận lấy đi người cha, người mẹ của các em. 

Bốn năm và con lân già cũ kỹ

Oanh (đứng giữa) đang “tuốt” lại con lân già trước khi biểu diễn cho các bạn cùng cảnh ngộ xem.

Với những nhóm trẻ em bình thường, mỗi năm đều có một cách chơi lân khác nhau. Chí ít cũng phải “tậu” cái đầu lân mới cho khác lạ với Trung thu năm trước để múa. Trẻ em nghèo, bất hạnh chơi lân cũng có nhiều điều đặc biệt. Không có tiền thì chơi lại đầu lân cũ, có sao đâu, bởi có trống, có ông địa thì ắt sẽ có “bầu đoàn thê tử” con nít nối đuôi theo con lân mà thôi. Ở 5 Gia đình với hơn 140 em có hoàn cảnh mồ côi không nơi nương tựa thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, dường như ước mơ có lân để múa chung vui trong đêm rằm là điều khó thành hiện thực. Các em không có điều kiện để sắm sửa bởi chuyện ăn uống sinh hoạt hằng ngày phải dựa hoàn toàn vào sự giúp đỡ của nhiều tổ chức từ thiện và những nhà hảo tâm.
 
Cũng như mọi năm, 5 ngày trước khi đêm Trung thu bắt đầu, cậu bé Oanh sống tại Gia đình số 4 lại mang chiếc đầu lân cũ ra sơn phết lại những đường nét trên mũi, mắt và săm se lại bờm con lân. Còn cái đuôi lân qua mấy mùa “chinh chiến” hiện đã rách bươm và cũ nát được em gửi qua Gia đình số 3 để các anh chị lớn tuổi hơn đang học may ở đó vá lại. Oanh cho biết, 4 năm về trước con lân này được hai vợ chồng hảo tâm tặng cho các em trong dịp Trung thu.
 
Món quà đó thật sự có ý nghĩa với những đứa trẻ bất hạnh đang sống chung với em trong một mái nhà từ thiện. Với Oanh, khi được các bạn tin tưởng giao để múa chính lại càng vui hơn nữa. Múa cho các bạn xem là niềm vinh hạnh nhưng cũng sợ vì nếu hơi quá đà thì con lân sẽ bị hư, lấy đâu ra để năm sau múa nữa. Vừa sơn phết em vừa bộc bạch: “Cứ được cầm cái đầu lân cho dù cũ kỹ nhưng vẫn thấy vui, năm nay em cũng sẽ mang con lân này ra dợt trước vài bữa cho nhuyễn trước khi múa trong đêm Trung thu cho các bạn xem”.

Thông điệp của sinh viên tình nguyện

Nếu biết rõ về 25 mảnh đời trẻ thơ tại Gia đình số 4 sẽ không khỏi mủi lòng, xót xa. Trần Văn Bảo không có cha, mẹ chết do tai nạn đường sắt, ở chung với ông ngoại và bị suy dinh dưỡng nặng. Nguyễn Thị Như Ý không có cha, mẹ bị tâm thần gần 30 năm. Vượt qua sự cùng cực ở miền quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, em là học sinh giỏi nhiều năm liền trước khi xin chuyển đến Gia đình số 4 sinh sống. Gia cảnh của Oanh cũng vậy, không rõ về cha,  mẹ phải bươn chải làm thuê làm mướn nhưng cuộc sống vẫn không đủ đắp đổi qua ngày.

Bảy năm sống ở Gia đình số 4, Oanh lớn lên trong sự yêu thương và chia sẻ của những số phận như em và những ông bố, bà mẹ tại đây. Cách đây hơn hai năm, một nhóm sinh viên tình nguyện có tên tiếng Anh là 4 Kids đến từ ba trường Đại học Bách khoa, Kinh tế, Ngoại ngữ và Sư phạm tìm tới Gia đình số 4 với mong ước cùng chia sẻ một phần những khó khăn, chủ yếu là giúp đỡ các em trong các dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và đặc biệt là Tết Trung thu.
 
Kha, một thành viên trong nhóm cho biết, chúng em cũng không có nhiều tiền, tiết kiệm một chút ít từ làm thêm, từ tiêu xài cá nhân và chủ yếu là vận động thêm những nhà hảo tâm để san sẻ khó khăn cho các em ở đây. Trung thu năm 2008 này, nhóm 4 Kids đã lên kế hoạch phục vụ cho Gia đình số 4. Sẽ có tiết mục múa hát, phát quà Trung thu và tiêu điểm là màn múa lân của chính các em. “Đây cũng là thông điệp để chúng em cùng toàn xã hội chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo mồ côi trong ngày Tết Trung thu. Sau này, khi ra trường, bọn em cũng sẽ dành thời gian để giúp các em”,  Kha tâm sự chân thành.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG    

;
.
.
.
.
.