.

Đôi điều được biết về Tướng Hoàng Minh Thảo

.

Thế là ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại bao nỗi tiếc thương cho nhân dân, chiến sĩ. Người ta đã gọi ông bằng cái tên của vị tướng có đầy đủ đức tài: Dũng tướng, trí tướng và nhân tướng. Tôi, một nghệ sĩ biên đạo múa có thời gian trong quân đội, ở chiến trường Khu 5, có lần được gần ông, biết thêm đôi ba điều về ông, có kỷ niệm riêng với ông. Ông mất, nhớ ông, viết để cùng mọi người kính viếng hương hồn ông.

Những năm cuối đời, khi tuổi đã trên 80, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vẫn viết sách, viết báo, đi nói chuyện về nghệ thuật quân sự và tham dự các hội nghị khoa học.

Năm 1972, cùng Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Trung-Trung Bộ lên phục vụ cho chiến trường B3 (Tây Nguyên), lúc đó còn cả Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc (Việt Bắc kết nghĩa với Tây Nguyên). Tôi và anh Duy Luận (biên đạo múa Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc) gặp và quen thân nhau. Cùng ở với nhau trong khu vực Bộ Tư lệnh Mặt trận. Một hôm, anh Luận rủ tôi lên chơi thăm Tướng Thảo. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì sao anh Luận lại nói chuyện lên chơi với Tư lệnh Mặt trận - vị tướng nổi tiếng ở chiến trường Tây Nguyên một cách hồn nhiên, thoải mái đến vậy! Tôi e dè thì anh Luận đã khuyến khích: “Đi đi, “cụ” ấy bình dân lắm, tớ đến đây trước cậu, được tiếp xúc với cụ vài lần rồi, cụ rất quý anh em văn nghệ sĩ, cụ cứ dặn mãi: “Rảnh lên chơi! Đừng ngại gì!”...

Xuất phát từ nhu cầu được hiểu biết để có những sáng tác về Tây Nguyên, nghe anh Luận rủ vậy, chúng tôi trèo lên đồi cao, nơi Tư lệnh Hoàng Minh Thảo ở. Nhìn thấy ông, vị tướng có trán cao, mắt sáng, lông mày rậm xếch tôi đã thấy “sợ” nhưng ông cười hiền, bắt tay đón với giọng rất vui: “Luận hả? Còn nghệ sĩ nào đây?”. Luận giới thiệu về tôi. Cụ hỏi luôn về xuất xứ, gia cảnh, quê hương bản quán của tôi một cách thấu đáo, thân tình. Chừng mươi phút giao tiếp ban đầu, cụ liếc nhìn đồng hồ, dặn đồng chí sĩ quan văn phòng tiếp chúng tôi để chờ cụ về: “Huân và Luận cứ ở đây chơi, mình phải đi giao ban chừng một tiếng sẽ về, ta sẽ nói chuyện nhiều!”.

Ngồi với đồng chí cán bộ văn phòng, tôi với Luận được nghe kể mấy câu chuyện về nhân cách Tướng Hoàng Minh Thảo.

Ngày Bác mất, Tư lệnh chiến trường B3 Hoàng Minh Thảo suốt mấy ngày đêm sống trong buồn đau, im lặng. Ông cứ đứng dõi trông về phương Bắc, hầu như không ăn uống. Anh em văn phòng Bộ Tư lệnh lo ông ngã bệnh, khuyên giải mãi mà ông vẫn không nguôi lòng nhớ thương Bác Hồ. Đồng chí bí thư chi bộ văn phòng bèn phải trịnh trọng đứng trước mặt ông, đọc nghị quyết chi bộ yêu cầu đảng viên Hoàng Minh Thảo phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết, tự bảo vệ cho sức khỏe của mình để lo nhiệm vụ lãnh đạo chiến đấu! Sau lúc ấy ông mới như dường tỉnh lại!

Với cán bộ, chiến sĩ văn phòng tư lệnh giúp việc và phục vụ cho ông, ông đối xử thân tình như thủ túc, như người cha, người anh trong một gia đình. Mọi người đều nhận thấy trong cách sống, làm việc và đạo đức của ông rất gần với tấm gương của Bác Hồ. Bởi chính ông là học trò ưu tú của Bác.

Một lần, nhân lúc ông đi vắng, anh chiến sĩ công vụ có bạn đồng hương ở đơn vị gần đó đến chơi, thấy trên bàn của ông có chiếc máy cạo râu liền táy máy mở xem, chẳng biết thế nào không lắp vào được. Anh chàng sợ quá, về đơn vị mãi lâu không dám đến. Ông biết chuyện, cho gọi lên, tháo máy chỉ dẫn cho cậu ta biết cách lắp lại rồi nói vui: “Có gì mà sợ! Chưa biết thì hỏi, lính giải phóng phải mạnh mẽ chứ!”.

Anh em Đoàn Văn công B3 (Văn công bộ đội Tây Nguyên) kể về chuyện ông giải quyết cụ thể việc bảo vệ cho một khả năng ca hát, đó là Rơchăm Phiang khi tuyển vào Đoàn mới 15 tuổi, có giọng hát hay trời cho nhưng theo tập tục, sắp bị ông bố gả ép lấy chồng. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo cho mời ông bố đến nói chuyện, chưa vội nói đến hủ tục, chỉ động viên ông bố đồng ý để Mặt trận Tây Nguyên đưa Rơchăm Phiang ra Bắc đào tạo nghệ thuật. Cách xử trí tế nhị của ông đã giúp cho ngành ca hát quân đội sau này có nghệ sĩ ưu tú Rơchăm Phiang.

Trở lại buổi được diện kiến cùng ông tại căn phòng chỉ huy giữa chiến trường Tây Nguyên. Ông hỏi tôi và Duy Luận nhiều câu hỏi về nghề múa, về nghệ thuật múa ba-lê Nga, về múa dân gian dân tộc Việt Nam. Thấy ông thật muốn nghe chuyện múa, hai chúng tôi thao thao bất tuyệt, mãi cho đến khi đồng chí công vụ đến mời thủ trưởng cùng khách đi ăn cơm trưa. Ngay trong bữa ăn, ông còn kể cho chúng tôi nghe chuyện cô gái Tây Nguyên đã dùng khăn choàng đỏ, dụ cho máy bay trực thăng Mỹ xuống thấp để tổ du kích dùng súng bộ binh nấp bắn. Cô gái ấy là chiến sĩ thi đua của Mặt trận Tây Nguyên. Chuyện của ông đã giúp tôi sau này có được tác phẩm múa “Hoa Rinh Chor”.

LÊ HUÂN

 

 

;
.
.
.
.
.