Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo thành phố Đà Nẵng đã góp phần vào sự phát triển của thành phố, nhằm thăng tiến xã hội tốt đẹp hơn.
Trong mọi hoàn cảnh, người Công giáo thành phố luôn ý thức trách nhiệm hòa mình trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận với chủ trương của chính quyền thành phố vì mục tiêu, nhu cầu hạnh phúc của con người. Tu sĩ, giáo dân đều phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền trong sinh hoạt tôn giáo ở các cấp theo tinh thần Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Không khí sinh hoạt tôn giáo ngày càng cởi mở tốt đẹp, các ngày đại lễ của Giáo hội Công giáo hằng năm ở các giáo xứ được bảo đảm trật tự, an toàn. Nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng, nâng cấp khang trang hơn.
Tu sĩ và giáo dân luôn tâm niệm và thực hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc theo định hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Mỗi tín hữu Công giáo Việt Nam phải đào sâu đức tin, đào sâu nếp sống từng dân tộc trong nước để khám phá các giá trị thiêng liêng của mỗi dân tộc, tìm đến những cái hay trong kho tàng văn hóa mà xây dựng lối sống và lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống” (Thư chung - 1980, số 11). Giới Công giáo thành phố đã hưởng ứng tích cực các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố đề ra.
Thực hiện theo tinh thần Phúc âm đã từng bước đi vào chiều sâu cuộc sống bà con giáo dân. Hầu hết các khu dân cư, vùng đồng bào Công giáo đều thực hiện tốt Chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố và 10 nội dung thi đua của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Tham gia xây dựng chính quyền, các tu sĩ, giáo dân là đại biểu HĐND ở 3 cấp thực hiện tốt chức phận của mình, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri, không phân biệt lương giáo. Hơn 600 giáo dân là công chức, viên chức Nhà nước luôn tận tụy với công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hàng trăm giáo dân nhà ở nằm trong diện giải tỏa gương mẫu thực hiện bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định. Đồng bào Công giáo tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công cùng Nhà nước xây dựng các công trình phục vụ dân sinh: điện, đường, trường học, cống thoát nước.
Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm của thành phố, Tòa Giám mục giáo phận Đà Nẵng đã phát động chương trình “Nhà đồng tâm” vận động trong các giáo xứ đóng góp xây dựng 200 căn nhà của bà con giáo dân bị sập trong bão số 6 năm 2006. Tại các giáo xứ, dòng tu hoạt động từ thiện xã hội đã trở thành nét văn hóa của đồng bào Công giáo. Các giáo xứ đều có Hội Bác ái, đội trợ tang tận tâm chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, người nghèo khó.
Nhiều năm qua, tại các giáo xứ, 100% thanh niên trong độ tuổi đều đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Thanh niên trúng tuyển đều lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đến nay không có trường hợp nào đào, bỏ ngũ. Tệ nạn xã hội rất ít xảy ra ở các khu dân cư, vùng đồng bào Công giáo.
Trong hơn 5 năm qua, nhiều khu dân cư Công giáo được công nhận là khu dân cư văn hóa tiên tiến: Khu dân cư Hòa Khuê, giáo xứ Phú Thượng; giáo khóm 3 và 7 tổ dân phố 48, giáo xứ Nội Hà; khu dân cư số 2, giáo xứ Lệ Sơn; giáo họ Gioan B, giáo xứ Gia Phước; khu dân cư số 13, giáo xứ Nhượng Nghĩa; khu dân cư số 5, giáo xứ An Ngãi; khu dân cư Quang Thành 3A, giáo xứ Hòa Khánh và cơ sở giáo dục văn hóa của dòng Thánh Phao Lô Đà Nẵng. Hơn 90% hộ giáo dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình giáo dân gương mẫu.
ĐOÀN SƠN
.
.
Đồng bào Công giáo phát huy tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”
Thứ Sáu, 26/09/2008, 09:51 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.