.

Đừng bỏ quên Ải Hải Vân

.

Ải Hải Vân – công trình phòng thủ quan trọng của kinh đô Huế trên đỉnh đèo Hải Vân, điểm tham quan lý thú của du khách ra Bắc vào Nam rất nổi tiếng, nhưng lại rơi vào cảnh bị bỏ quên, không người quản lý trông coi nhiều năm nay, đang bị xâm hại nặng nề…

Không bia lưu danh, không người trông coi

Bia Di tích “Chiến thắng Đồn Nhất” (bên phải) án ngữ trước cửa thành “Hải Vân Quan” lại gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc khi tìm hiểu về Ải Hải Vân.

Ải Hải Vân rất nổi tiếng, nhưng nằm trên đường ranh giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, nên đến giờ di tích này thuộc về ai để khoanh vùng quản lý, trùng tu, khai thác du lịch, vẫn đang còn gây tranh cãi. Chúng tôi đã lục lọi khắp nơi trong Ải Hải Vân và không hề tìm thấy một tấm bia hay bảng hiệu nào ghi di tích này là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hay là cấp tỉnh, thành phố; cũng không tìm thấy một tấm bia hay bảng hiệu nào ghi rõ về di tích Ải Hải Vân để du khách đọc thông tin. Chỉ có bia ghi di tích “Chiến thắng Đồn Nhất” do thành phố Đà Nẵng lập (ngày 10-8-2001), lại đập trực diện vào mắt du khách, gây nhiều nhầm lẫn đáng tiếc.

Bia này ghi rõ: “Đồn Nhất vốn là một vị trí quân sự quan trọng được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Cuối năm 1946 khi trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã cải tạo và củng cố đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc có tường dày 1 thước, cao 8 thước bao quanh, án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở do 2 trung đội lính Âu Phi chiếm giữ…”.

Nhiều du khách nước ngoài rất háo hức khi bắt gặp tấm bia di tích này, họ liền nhờ người dịch, nhưng lại thất vọng vì… không phải! Và mỗi ngày, Ải Hải Vân nổi tiếng đành lặng im về quá khứ oai hùng, lẫy lừng của mình dưới bước chân hàng trăm, hàng ngàn du khách trèo lên tham quan, ngắm nghía. Nếu như ai đó biết tiếng Hán thì có thể đọc được dòng chữ “Hải Vân Quan”, hay “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” ghi trên 2 cửa thành, còn nếu không thì chẳng biết đích xác đây là di tích gì.

Thực tế bức xúc

Hàng rong (x) bám theo du khách vào tham quan cửa thành “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Lên tham quan Ải Hải Vân, chúng tôi bắt gặp nhiều thực trạng đáng buồn. Đầu tiên, vài con bò nằm hóng mát dưới cửa thành “Hải Vân Quan” và  vô tư “thải” xú uế, cạnh đó là nhơ nhớp rác thải. Có một vài chú dê đang vô tư đứng hóng mát trên đài quan sát - ô cửa trên cùng của cửa thành “Hải Vân Quan”, như chú… lính đang đứng gác. Trèo lên, lấy đá ném đuổi chúng đi, ló đầu vào trong, chúng tôi phải vội chạy ra ngoài vì nguyên cả đài quan sát này đã biến thành cái chuồng dê từ lâu, mùi xú uế xông lên nồng nặc.

Tiếp tục trèo lên một bức tường thành được xếp bằng đá, để tiến tới cửa sau nhìn về phía Huế, trong bóng râm của nắng chiều, không khó lắm để đọc được 6 chữ Hán: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên cửa thành. Nhưng cửa này đã bị xây kín bằng gạch, đất đá vùi lấp cao gần kín miệng. Ở mặt bên kia cũng bị xây kín bằng gạch và táp-lô, chỉ trổ một lối vào hẹp.

Có vài ba du khách nước ngoài đi vào trong cổng thành bằng lối đi hẹp đó, và cũng từng ấy người bán hàng rong (đa số là người dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) bám sát theo khách, mời chào liên tục. Khách đi đến đâu, dừng ở điểm nào cũng bị chèo kéo mua hàng. Nguyên cả khu vực bố phòng xưa kia, giờ cây bụi lớn nhỏ mọc um tùm, la liệt gạch vỡ nát; dày đặc những lô cốt đen sì, cái thì gãy nát, cái thì chỏng chơ... Nhìn xuống dưới đường đèo, những người bán hàng rong vẫn chưa “buông tha” mấy vị khách nước ngoài kia, cả khi người ta đã vào ngồi trong quán uống nước.

Hệ thống phòng thủ cho Kinh đô Huế tại Ải Hải Vân là một công trình quân sự tiêu biểu nằm trong quần thể di tích của triều Nguyễn. Cổng thành Ải Hải Vân đẹp, thuộc loại hiếm và cả khu di tích đã xuống cấp trầm trọng, đang kêu cứu. Cần sớm được nghiên cứu và tôn tạo, xem xét xếp hạng di tích, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, trùng tu tôn tạo để gìn giữ cho muôn đời sau và đón khách tham quan đàng hoàng hơn!

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

 

;
.
.
.
.
.