.

Giá xe buýt rẻ quá!

.

Từ gần chục năm nay nhân dân các thành phố ở nước ta đã quen đi xe buýt. Nhất là khi giá xăng dầu, giá tiêu dùng tăng, tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng, đi xe buýt tiện lợi và an toàn hơn.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, v.v... các tuyến xe buýt đã gần “phủ sóng” các cung đường nội và ngoại ô, nên ngày càng có nhiều cán bộ, công chức hay thanh niên, sinh viên đi làm, đi học, đi chơi, đi siêu thị… bằng xe buýt. Ở Đà Nẵng, đã có tuyến xe buýt mở đến Hội An, Tam Kỳ và ngược lại rất thuận tiện.

Không nên biến xe buýt thành phương tiện công ích.

Nhưng điều tôi băn khoăn nhất là giá xe buýt hiện nay quá rẻ. Rẻ như cho không! Tôi ra Hà Nội đi xe buýt, giá vé ghi rõ trên thành xe là 3.000 đồng, dù đi hết tuyến. Điều đáng nói là cách đây vài năm giá vé xe buýt cũng chừng ấy, không hề thay đổi, mặc dù giá xăng dầu đã tăng lên nhiều lần. Tại Đà Nẵng, vào ngày 15-8-2006, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định mở tuyến xe buýt không trợ giá Đà Nẵng - Tam Kỳ, mức giá cũng chỉ 6.000 đồng/lượt cho khách đi chặng trung bình của tuyến; mức 12.000 đồng/lượt cho khách suốt tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ. Đến nay, mức giá cũng chỉ tăng lên 15.000/lượt cho tuyến này.

Vì giá thấp nên các địa phương đều phải trợ giá cho các hãng kinh doanh xe buýt. Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 bù giá cho xe buýt hết 560 tỷ, năm 2008 phải trợ giá 643 tỷ đồng. Thành phố Huế mỗi năm bù lỗ cho xe buýt 30 tỷ đồng. Tính ra cả nước ta, mỗi năm phải tốn vài ngàn tỷ đồng để bù lỗ cho xe buýt. Đó là điều hết sức vô lý.

Đồng ý xe buýt là phương tiện công cộng đang được khuyến khích phát triển để hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, chống nạn kẹt xe, giảm tai nạn. Hơn nữa giá vé phải bình dân thì tất cả mọi tầng lớp trong xã hội mới đi được. Nhưng giá vé quá rẻ như thế là rất bất hợp lý, khi so sánh với các phương tiện vận tải khác ở trong thành phố. Cho nên tôi đề nghị có hai cách để giảm bù giá xe buýt. Thứ nhất là tăng giá vé xe buýt lên gấp đôi (5 hay 6 ngàn đồng/vé) ; thứ hai là vé bán theo cung đường. Ví dụ 2 hay 3 điểm đỗ một mức giá. Người đi hết tuyến đường phải chịu giá vé cao hơn người chỉ đi một phần ba hay nửa tuyến. Cho phép các hãng kinh doanh xe buýt chủ động định giá trong từng thời kỳ, từng tuyến, giống như xe taxi, làm sao để thu hút khách và không lỗ.

Vận tải giao thông công cộng như xe buýt là một ngành kinh doanh, ngoài hiệu quả xã hội, phải mang lại hiệu quả kinh tế. Không nên biến xe buýt thành phương tiện công ích. Chúng ta không nên quan niệm như thời bao cấp, cái gì của Nhà nước là phải rẻ hơn tư nhân. Hơn nữa người đi xe buýt bỏ ra 5-6 ngàn đồng để đi sáu bảy cây số trong thời giá hiện nay cũng rất rẻ, nhất định không ai phàn nàn gì. Tôi nghĩ đã đến lúc cả nước phải xem lại mức giá vé xe buýt, giảm dần việc trợ giá xe buýt, đỡ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Ngô Minh

 

;
.
.
.
.
.