Ở nhiều nước, Tết Trung thu cũng là lễ hội lớn, có nước đón Trung thu lớn hơn cả Tết Nguyên đán, nhưng không chỉ dành cho con trẻ. Vào tiết này, người ta ăn cỗ mặn, thăm viếng, chúc thọ nhau, cầu mong một năm tốt lành.
Bởi thế, cứ mỗi dịp rằm tháng 8 hằng năm, không chỉ các em mà người lớn cũng háo hức. Lo cho trẻ có quần áo mới, có mâm cỗ trông trăng, có các đồ chơi đẹp, có nhiều trò chơi vui. Biết bao nhiêu trò chơi, biết bao bài hát đồng dao, bao nhiêu phong tục đẹp trong dân gian đã khởi nguồn từ Tết Trung thu. Ngay trong những ngày kháng chiến gian nan, Trung thu năm nào Bác Hồ cũng có thư chúc, gặp gỡ hoặc gửi quà cho các cháu thiếu nhi, phong tục đẹp này vẫn được các vị lãnh đạo đất nước noi theo đến ngày nay. Trung thu đã trở thành sinh hoạt văn hóa đậm truyền thống Việt đời này qua đời khác.
Đời sống được nâng lên, những năm gần đây, Trung thu được tổ chức đầy đủ hơn, vui hơn. Nhiều hình thức trông trăng phá cỗ, phát quà, tặng học bổng, ca hát, vui chơi giải trí, tham quan, du lịch… được tổ chức ở cả thành phố và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được tiến hành vào dịp này càng làm ngày vui thêm ý nghĩa.
Nhưng cũng từ khi đời sống được nâng lên, người dân có điều kiện hơn trong việc lo ngày vui cho con em mình thì cũng là lúc vẻ đẹp nhân văn truyền thống của Tết Trung thu bị đe dọa nghiêm trọng. Tết Trung thu trước hết là một cơ hội kinh doanh béo bở từ bánh, mứt, kẹo đến đồ chơi, áo quần trẻ em. Không kém phần đua tranh quyết liệt là các hoạt động du lịch, giải trí. Nhiều người, kể cả nhiều doanh nghiệp, nhiều làng nghề chuẩn bị cả năm cho các mặt hàng bán trong dịp này.
Trong kinh doanh, không ít kẻ bất lương, không nghĩ gì đến tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng có ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ. Thế là chất ngất những đao, kiếm, súng bắn đạn nhựa, mặt nạ và vô số những đồ chơi khêu gợi thú tính, kích thích bạo lực ồ ạt đổ về từ biên giới, đánh bạt những đèn lồng, đèn kéo quân, chiếc diều giấy, con tò he, chiếc kèn đất nung thưở nào.
Hàng tháng nay, báo chí liên tục cảnh báo về các loại kẹo, bánh Trung thu kém chất lượng, độc hại. Các ngành quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ phạm pháp với hàng chục tấn bánh Trung thu có hại cho người sử dụng, đặc biệt nghiêm trọng là vụ phát hiện trong 3 gia đình sản xuất đã pha gần 40% bột các-bon-nát can-xi, quen gọi là bột đá vôi vào kẹo mềm và đã sản xuất được nhiều tấn loại kẹo này, có lô hàng đã bán ra thị trường.
Không chỉ những kẻ chạy theo đồng tiền, biến trẻ em thành nạn nhân của lời lãi trong kinh doanh, một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ cũng làm hư hỏng con em mình bởi thói lãng phí, xa xỉ. Người ta ngày càng thấy nhiều những cảnh chi tiêu hàng chục triệu, nhiều chục triệu cho những thú chơi ngông, những bữa tiệc thừa mứa, những món quà tặng trẻ em nhưng vừa lòng người lớn trong dịp này. Bởi họ, Tết Trung thu đang mất đần vẻ đẹp vốn có để thêm vào cuộc sống chúng ta một dịp cho những trọc phú mới khoe gíàu, hợm của.
Trung thu, chưa đến mức vì một bộ phận dân cư mà mất đi hoàn toàn vẻ đẹp nhưng nếu lơ là, thì càng ngày, nét đẹp văn hóa của nó sẽ khuyết dần.
PHẠM VŨ