.
KHAI TRƯƠNG VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẦU TIÊN TẠI ĐÀ NẴNG

Một cung cách mới phục vụ dân

.

Sáng ngày 18-9, tại số 32 Hoàng Văn Thụ, Văn phòng Công chứng (VPCC) Bảo Nguyệt do tư nhân lập đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng khai trương đi vào hoạt động (theo Quyết định cấp phép số 6905/QĐ-UBND ngày 25-8-2008 của Chủ tịch UBND thành phố). Đây là điểm đột phá đầu tiên trong thực hiện xã hội hóa lĩnh vực công chứng, mở đầu cho một cung cách mới cung cấp dịch vụ công, tạo sự thuận lợi cho người dân.

Chỉ cần alô là chúng tôi đến tận nơi phục vụ

Những khách hàng đầu tiên đến VPCC Bảo Nguyệt ngay trong ngày khai trương.  Ảnh: S. TRUNG

Bà Nguyễn Vũ Minh Nguyệt, Trưởng Văn phòng, đồng thời là Công chứng viên duy nhất của VPCC Bảo Nguyệt cho biết: “Kể cả ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, khách hàng gọi vào hai số máy điện thoại: 0511.3891128 và 0903.510129 là nhân viên của chúng tôi đến tận nơi tư vấn, nhận hồ sơ và giao trả tận nhà hoặc cơ quan”.

VPCC Bảo Nguyệt hiện có đội ngũ nhân viên có trình độ, nhiều kinh nghiệm về công tác pháp luật. Cũng như các PCC của Nhà nước, VPCC Bảo Nguyệt thực hiện các dịch vụ công chứng toàn diện và thu phí đúng quy định của Nhà nước. Trình tự thủ tục và mức thu phí được niêm yết công khai tại trụ sở và thông báo cho khách hàng biết khi đến tư vấn, nhận hồ sơ ở ngoài trụ sở. Theo bà Nguyệt, bước đầu sẽ khó khăn vì khách hàng chưa nhiều, lâu nay người dân ở Đà Nẵng chỉ biết có 3 PCC của Sở Tư pháp.

Tuy nhiên, bà tự tin với tinh thần phục vụ “Khách hàng là thượng đế, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng pháp luật”, VPCC Bảo Nguyệt sẽ tạo nên một thương hiệu uy tín đối với khách hàng. Nếu như trước đây Nhà nước bỏ quy định về địa hạt công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể đến bất cứ PCC nào gần nhất, nay với cung cách phục vụ tận nơi, cả ngoài giờ hành chính của VPCC thì khoảng cách địa lý giữa khách hàng với trụ sở VPCC không còn là vấn đề. Bà Nguyệt cho biết sắp tới, VPCC cũng sẽ lập website riêng để trước khi đến công chứng, khách hàng có thể gọi điện trước hoặc truy cập website để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

Công hay tư đều phục vụ nhân dân

VPCC ra đời thúc đẩy thay đổi cung cách phục vụ nhân dân trong cung cấp dịch vụ công. Điều này thúc đẩy các PCC cũng phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công chứng. Dù là PCC của Nhà nước hay VPCC của tư nhân đều có chức năng cung cấp dịch vụ công. Chữ ký của Công chứng viên ở PCC và VPCC đều có giá trị pháp lý như nhau.
 
Cùng thu phí theo quy định nhưng rõ ràng ai phục vụ tốt hơn thì có nhiều khách hàng hơn. Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp thuộc Bộ Tư pháp từng trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng: “Không nên có ý nghĩ phân biệt công hay tư. Việc cho phép thành lập VPCC là góp phần làm giảm gánh nặng của Nhà nước về đầu tư trụ sở, biên chế, kinh phí hoạt động và trả lương. Nhà nước không mất tiền đầu tư mà dân được phục vụ tốt hơn thì không lý gì không khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công”.

Các PCC cũng sẽ phải chuyển sang tự chủ hoàn toàn về tài chính để nâng chất lượng phục vụ là xu thế tất yếu. Nhà nước sẽ chỉ giữ chức năng quản lý, giám sát, xóa dần tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của cơ quan công quyền.

VPCC và PCC sẽ cạnh tranh với nhau về chất lượng nhưng xu thế trong tương lai sẽ phải hợp tác với nhau trong việc chia sẻ về dữ liệu thông tin, nhất là thông tin về bất động sản, tránh một căn nhà bị đem đi công chứng ở nhiều VPCC để thế chấp vay ngân hàng. Trong khi chờ Bộ Tư pháp triển khai áp dụng phần mềm dữ liệu master thì hiện nay các VPCC vẫn thực hiện thủ công gửi công văn đến xin thông tin các cơ quan chức năng của Nhà nước.

 

Tranh chấp trong các quan hệ giao dịch dân sự đang trở thành một hiện tượng phổ biến. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là các giao dịch dân sự thiếu những bằng chứng xác thực rõ ràng và có giá trị pháp lý. Công chứng góp phần làm giảm thiểu các tranh chấp nói trên. Nhu cầu pháp luật hóa các giao dịch dân sự rất bức thiết, nói cách khác, nhu cầu về công chứng sẽ ngày càng tăng trong xã hội.

 

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.