Sở Ngoại vụ thành phố cho biết, đến nay, thành phố Đà Nẵng có quan hệ hợp tác với 4 tỉnh, thành của Nhật Bản gồm thành phố Kawasaki, Mitsuke và 2 tỉnh Kagoshima, Okayama. Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc trao đổi đoàn cấp lãnh đạo thành phố diễn ra khá sôi động.
Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Hòa Khánh chuyên sản xuất dụng cụ câu cá xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật và các nước châu Âu. |
Hằng năm, các đoàn thanh niên, học sinh thành phố Kawasaki đã sang giao lưu với thanh niên Đà Nẵng, làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, tình bạn quốc tế và thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt giữa các bên. Tháng 10-2007, Thị trưởng Kawasaki và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký kết Thỏa thuận về hợp tác kinh tế giữa hai địa phương. Từ đó đến nay, mối quan hệ này không ngừng được duy trì và phát triển với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, tham dự hội thảo, hội nghị.
Thành phố Mitsuke đã tiến hành chương trình homestay thử nghiệm cho các cán bộ của Hiệp hội giao lưu quốc tế Mitsuke tại Đà Nẵng và sẽ xúc tiến đưa học sinh Mitsuke sang ở homestay tại Đà Nẵng trong thời gian tới. Thành phố Mitsuke cũng đã mời sinh viên tiếng Nhật của Đại học Đà Nẵng và Trường Nhật ngữ Sakura sang thăm Mitsuke…
Về chương trình hợp tác kinh tế, trên lĩnh vực đầu tư, hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 32 dự án 100% vốn và liên doanh của các DN Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư trên 100 triệu USD, tập trung trên các lĩnh vực: chế biến bột giấy xuất khẩu, hỗ trợ trồng rừng tạo nguyên liệu để làm bột giấy, nhà hàng ăn uống, chế biến hải sản và nông sản, lưới xuất khẩu, sản xuất giỏ lưới, sản phẩm lưới, cần câu, linh kiện điện tử, gia công phần mềm, thiết kế…
Ngoài ra, có khoảng 15 chi nhánh văn phòng đại diện của các tập đoàn lớn của Nhật đã có mặt tại Đà Nẵng như: Itochu, OKC, Sumitomo… Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản hoạt động tại thành phố Đà Nẵng mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và tạo việc làm ổn định cho gần 15.000 lao động địa phương.
Về lĩnh vực thương mại, hiện thành phố Đà Nẵng có 45 doanh nghiệp có quan hệ ngoại thương với Nhật, trong đó có 29 doanh nghiệp xuất khẩu và 35 doanh nghiệp nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng sang Nhật năm 2007 đạt 67 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu gồm thực phẩm chế biến, quần áo, sản phẩm may, cát, lưới cước, dăm gỗ, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Kim ngạch nhập khẩu của Đà Nẵng từ Nhật năm 2007 đạt 44 triệu USD gồm sắt thép, nguyên phụ liệu may mặc, nguyên phụ liệu sản xuất nến.
Về du lịch, lượng khách du lịch Nhật đến Đà Nẵng năm 2007 là 7.500 người (trong đó khách lưu trú khoảng 5.000 người). Các hãng truyền hình, thông tấn báo chí của Nhật như hãng NHK đã đến và xây dựng các chương trình giới thiệu về du lịch Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Tổ chức ngoại thương Nhật Bản (JETRO) hỗ trợ thành phố phát hành đĩa phim giới thiệu về Đà Nẵng bằng tiếng Nhật.
Trên lĩnh vực viện trợ, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng các nguồn vốn ODA Nhật để triển khai một số dự án tại Đà Nẵng như dự án xây dựng Hầm đường bộ Hải Vân (150 triệu USD) và xây dựng một số trường tiểu học (8 tỷ đồng VN). Chính phủ Nhật Bản (thông qua JICA) cam kết trao khoản viện trợ không hoàn lại cho Bệnh viện Đà Nẵng với giá trị lên đến 326 triệu yên Nhật (tương đương 3,2 triệu USD) để đầu tư các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Từ năm 2005 đến nay, nhiều tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho Đà Nẵng gần 9 tỷ đồng. Hiện nay, có 7 tình nguyện viên của JICA tại Đà Nẵng làm việc tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trường Nguyễn Đình Chiểu, Trường Chuyên biệt Tương Lai, Trường Mầm non 20-10, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 23-1-2008, thành phố Đà Nẵng đã ký kết với Tổ chức JICA Nhật Bản Biên bản Phạm vi công việc cho “Nghiên cứu chiến lược phát triển liên kết thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận”. Nhiều tỉnh, thành của Nhật Bản nhận đào tạo các tu nghiệp sinh là cán bộ của thành phố trong các ngành nghề: xây dựng, phát thanh truyền hình, cơ khí ô-tô, cầu đường, công nghệ thông tin, v.v…
HOÀI AN (Tổng hợp)